Ngày 30-5, lãnh đạo tỉnh Bình Định tổ chức buổi gặp mặt, công bố thông tin, lấy ý kiến người dân thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) về dự án gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn dự kiến sẽ đầu tư tại thôn này.
Dân Lộ Diêu lo ô nhiễm môi trường
Tại buổi gặp mặt với người dân thôn Lộ Diêu, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu có tổng vốn đầu tư 53.500 tỉ đồng, với diện tích khoảng 480ha. Nếu dự án đi vào xây dựng, toàn bộ hơn 500 hộ dân Lộ Diêu sẽ phải di dời đi nơi khác.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh nhà muốn phát triển cần có các dự án lớn, đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích.
Ông nói dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế của Bình Định.
Ông Tuấn khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh Bình Định là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
"Hôm nay, tỉnh tổ chức cuộc gặp này để lắng nghe ý kiến người dân chứ tỉnh chưa làm bất kỳ thủ tục gì hay bỏ qua việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con thôn Lộ Diêu để làm dự án" - ông Tuấn cho hay.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bình Định thông tin về dự án, người dân thôn Lộ Diêu bày tỏ nỗi lo lắng dự án gang thép Long Sơn gây ô nhiễm môi trường giống như Formosa Hà Tĩnh.
Ông Hồ Đức Minh (58 tuổi, người dân Lộ Diêu) kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Bình Định: "Có nhất thiết chúng ta phải làm dự án gang thép ở vùng này không? Sao tỉnh không thu hút dự án du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch giáo dục?".
Tốt cho dân thì mới triển khai
Sau khi lắng nghe ý kiến người dân thôn Lộ Diêu, ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho biết lâu nay việc thu ngân sách của Bình Định nếu trừ tiền bán đất thì chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu chi của tỉnh, 60% phải xin trung ương.
"Nếu Bình Định cứ giữ nguyên như hiện nay và đi lên từ nông nghiệp thì sẽ rất khó. Chúng ta sẽ nghèo mãi mà không thể nào theo kịp các tỉnh khác. Vì vậy, bên cạnh phát triển nông nghiệp, du lịch thì tỉnh cần có đột phá của công nghiệp" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, hiện không riêng Bình Định mà nhiều địa phương khác cả nước cũng làm dự án gang thép.
"Từ trước tới nay, lãnh đạo tỉnh đã có khi nào đưa người dân đi vào con đường khó khăn hay không? Trước khi quyết định một việc hệ trọng nào đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy đều suy nghĩ, nâng lên đặt xuống chứ không bao giờ vội vàng. Tất cả chỉ có tốt cho người dân chứ không hề làm người dân khổ hơn" - ông Dũng nêu vấn đề.
Cũng theo ông Dũng, dự án này muốn được tỉnh thông qua trước khi triển khai đầu tư phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường, người dân bị ảnh hưởng, tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn.
Dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn.
Địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay.
"Nếu dự án đảm bảo các yếu tố đảm bảo yêu cầu về môi trường: không đổ thải nước ra môi trường biển, không xả khói độc ra khu dân dư, mọi việc đều khép kín... thì tỉnh mới chấp thuận thông qua việc trình đề án đầu tư" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận