Nhưng nghĩ về nó luôn kèm theo ba trăn trở kéo dài gần 18 năm qua, từ năm 2006, khi bắt đầu nghiên cứu dự án đường sắt Bắc - Nam.
Thứ nhất là tiền đâu? Thứ hai là tốc độ cao nhưng "cao cỡ nào" để đảm bảo hiệu quả, tầm nhìn dài hạn, xu thế thế giới? Và thứ ba là chỉ vận tải, chở hàng hay cả hành khách?
Sau gần hai thập niên, ở thời điểm này có lẽ chúng ta đang dần hóa giải những băn khoăn đã đeo bám suốt 18 năm qua. Và để hóa giải các băn khoăn này, không thể nhắc đến nền tảng cơ bản mà cả dân tộc đã dày công xây dựng trong những năm qua.
Đó là quy mô nền kinh tế đã và đang được ghi nhận trên thế giới (năm 2023 là 430 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010) và khi triển khai dự án vào năm 2027 thì dự kiến con số này là 564 tỉ USD.
Tổng đầu tư dự án ước khoảng 67 tỉ USD, triển khai trong nhiều năm, hoàn thành năm 2035, khi đó quy mô nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên.
Vậy chúng ta có lạc quan không? Có cơ sở. Bởi vì kể từ năm 2011, chúng ta đã phát triển nền kinh tế theo quan điểm "chậm mà chắc", không tăng trưởng nóng.
Từ đó, với mức tăng trưởng bình quân 6 - 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, chúng ta đã có nền tảng để nghĩ tới những "dự án thế kỷ", tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc.
Còn hơn chục năm trước thế nào? Khi đó quy mô nền kinh tế, như năm 2010 chỉ có 147 tỉ USD, nợ công ở mức cao (56,6% GDP) trong khi tổng mức đầu tư dự án khi đó ước là 55,8 tỉ USD, tương đương 38% GDP.
Tình hình nay đã khác. Với tiềm lực đất nước ngày càng được củng cố, an toàn nợ công..., con số tổng mức đầu tư 67,34 tỉ USD vào năm 2035, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án trong khoảng 12 năm, bình quân 5,6 tỉ USD/năm, cũng chỉ chiếm khoảng 5,5 - 5,7% GDP.
Thế làm đường sắt cao tốc có vay không? Có, nhưng cũng nhờ hàng chục năm thực hiện phát triển kinh tế "chậm mà chắc", chúng ta đã kéo giảm nợ công từ mức trên 55% xuống chỉ còn 37% - mức mà nhiều quốc gia mong muốn.
Điều đặc biệt là chúng ta còn có kinh nghiệm vay nợ, như vay trong nước và hạn chế vay nước ngoài, nên cũng giảm bớt áp lực về tỉ giá và nợ nước ngoài. Rồi việc bố trí vốn phải tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Cũng nhờ "chậm mà chắc", phải hóa giải cho được ba nỗi băn khoăn đeo bám dự án đường sắt tốc độ cao, theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đã dày công đi nghiên cứu các nước có đường sắt cao tốc tại sáu nước, tham khảo kinh nghiệm của 22 nước...
Nhưng cũng phải thừa nhận đường sắt cao tốc Bắc - Nam với quy mô vốn lên đến 67 tỉ USD, được xem là chưa từng có của chặng đường phát triển đất nước, vì thế còn rất nhiều việc phải làm từ kỹ thuật, thiết kế, thi công...
Nhưng chúng ta còn có một trách nhiệm rất lớn đó là phải duy trì đà tăng trưởng kinh tế như đã làm trong những năm qua, vẫn phải chậm mà chắc.
Rồi phải tận dụng cao nhất sự lan tỏa của nguồn vốn đầu tư 67 tỉ USD này, như phần xây dựng cầu - đường - hầm lên đến 33,5 tỉ USD. Chính dòng vốn này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho nhiều ngành nghề, không chỉ riêng ngành xây dựng.
Hãy nhìn xa, 67 tỉ USD cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ xây dựng nền tảng cho quốc gia phát triển mà còn tạo những xung lực mới cho nền kinh tế, ở đó tất cả chúng ta đều là người thụ hưởng.
Đó chính là thành quả "chậm mà chắc" khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận