Ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng hứa các kiến nghị của dân sẽ sớm được giải quyết - Ảnh: Hữu Khá |
Tại cuộc đối thoại, rất nhiều vấn đề “nóng” tại địa phương như ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông được cử tri nói thẳng và lên tiếng yêu cầu TP phải có biện pháp ngay, còn nếu hứa thì khi nào sẽ thực hiện.
Dự án “treo”, dân khổ
Tại buổi đối thoại, cử tri Nguyễn Nhi (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nói dự án di dời đường sắt đã “treo” 14 năm làm cuộc sống của người dân gặp hết sức khó khăn vì vướng thủ tục nhà đất, xây dựng, đường sá, cống rãnh xuống cấp không thể sửa chữa được.
“Lãnh đạo TP cho chúng tôi biết bao giờ sẽ di dời ga đường sắt. Chứ bao năm nay dân sống khổ quá và chịu nhiều thiệt thòi lắm, ví dụ như nhà đông con muốn tách thửa đất cho con cũng không được bởi TP bảo đất đó đã nằm trong qui hoạch đường sắt".
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, theo lộ trình, dự án ga đường sắt sẽ di dời từ năm 2020.
Tuy nhiên, xét thấy tính cấp bách của công trình trọng điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nên vừa qua Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Đà Nẵng đã họp bàn với quyết tâm làm sớm dự án này.
Sau khi báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu phải khởi động dự án này vào năm 2017.
Hiện UBND TP và Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục làm việc để sắp tới có một cuộc làm việc với thường trực Chính phủ nhằm thống nhất phương án triển khai.
Theo ông Tuấn, dự án trên giai đoạn 1 có nguồn vốn đầu tư 6.000 tỉ đồng và TP phải chuẩn bị 8.000 lô đất để tái định cư. Dự án sẽ triển khai xây dựng nhà ga mới ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Giải quyết gấp 3 vấn đề dân sinh
Ba vấn đề dân sinh có liên quan mật thiết đến cuộc sống khiến người dân bức xúc nêu lên tại cuộc đối thoại là chuyện ô nhiễm kéo dài triền miên ở hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (đóng ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), dự án kênh thoát lũ Hòa Liên chậm tiến độ có nguy cơ gây nguy hiểm cho dân xã Hòa Liên trong mùa lũ tới và dự án mở các lối xuống biển cho dân quận Ngũ Hành Sơn.
Trả lời vấn đề ô nhiễm ở hai nhà máy thép, ông Lê Quang Nam, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng cho biết, sắp tới sẽ làm sớm việc di dời các hộ dân ở thôn Vân Dương sống bên cạnh nhà máy đi tái định cư ở nơi khác để cho dân ổn định cuộc sống.
Đồng thời yêu cầu hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc đầu tư đổi mới công nghệ để đảm bảo các tiêu chí môi trường theo qui định, có cam kết rõ ràng lộ trình di dời nhà máy đi nơi khác.
Riêng dự án kênh thoát lũ Hòa Liên chậm tiến độ có nguy cơ gây nguy hiểm cho dân, ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, hiện còn có một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, không đồng tình với lý do ông Hùng đưa ra, ông Trần Văn Trường, bí thư huyện ủy Hòa Vang nói đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng đã làm cơ bản xong, việc dự án chậm tiến độ là do chủ đầu tư là Công ty Trung Nam không chịu cho thi công.
Kết luận vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết nếu đúng việc giải phóng mặt bằng xong mà chủ đầu tư không chịu thi công thì phải mời ngay chủ đầu tư lên làm việc và phải có biện pháp ngay. Với các nhà đầu tư như thế này thì phải xem xét, sau này có dự án sẽ không giao cho họ nữa.
Đối với 4 lối xuống biển tại phường Khuê Mỹ và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) mà cử tri nêu tại buổi đối thoại, ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện TP đã qui hoạch các điểm xuống biển ở giữa các dự án du lịch.
Tuy nhiên, trước đây đất đã cấp cho nhà đầu tư nên bây giờ muốn thu hồi lại đất TP cần có sự thỏa thuận làm việc với nhà đầu tư.
Dự kiến trong tháng 7-2017 sẽ làm công đoạn triển khai thủ tục và dự án sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận