25/12/2003 08:10 GMT+7

Dự án đại lộ đông-tây TP.HCM: "Xóm lều" tái lấn chiếm

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - Tại TP.HCM, tiến trình giải tỏa để lấy đất sử dụng cho các dự án là rất gian nan. Thế nhưng nhiều dự án vừa giải tỏa xong lại bị tái lấn chiếm. Dự án lớn đại lộ đông - tây cũng đang đối mặt với vấn nạn này.

QSsqIzdu.jpgPhóng to
Tái lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh trên đường Hàm Tử, quận 5
TT - Tại TP.HCM, tiến trình giải tỏa để lấy đất sử dụng cho các dự án là rất gian nan. Thế nhưng nhiều dự án vừa giải tỏa xong lại bị tái lấn chiếm. Dự án lớn đại lộ đông - tây cũng đang đối mặt với vấn nạn này.

Đập vào mắt những ai ngang qua các tuyến đường Bến Chương Dương, Hàm Tử, Trần Văn Kiểu là hình ảnh hết sức xô bồ, nhếch nhác.

Trong tương lai, đây là một trong những đại lộ lớn và đẹp nhất TP nhưng hiện tại nó không khác một bãi rác công cộng thuộc loại lớn nhất TP. Không chỉ rác sinh hoạt của các hộ dân khu vực mà cả rác xà bần của các công trình xây dựng. Bùn đất nạo vét cống, ao cũng đổ dồn về, mặc dù bảng “cấm đổ rác” đặt khắp nơi.

Thời gian gần đây các địa phương đã làm rào chắn, cho xe chở rác đến lấy thường xuyên nhưng “nạn” rác vẫn chưa giảm. Ngoài rác, dự án cũng đang phát sinh tình trạng mới: tái lấn chiếm phần đất đã giải tỏa để ở, buôn bán, kinh doanh.

Trên đường Trần Văn Kiểu, ngay từ đoạn cầu Chà Và (Q. 5) đã mọc lên hàng loạt lều, quán kinh doanh khá xôm tụ. Có hộ che bằng dù và bạt, nhưng có hộ dùng gỗ dựng thành nhà trên phần đất đã giải tỏa để cả gia đình sinh sống.

Dự án đại lộ đông - tây dài 21,8km, trong đó các tuyến Bến Chương Dương, Hàm Tử, Trần Văn Kiểu dài 8,2km. Theo Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và cải thiện môi trường nước, đến cuối tháng 11-2003 đã có 5.171 trong tổng số 6.855 hộ ảnh hưởng bởi dự án đã được giải tỏa. Hiện số hộ chưa giải tỏa chủ yếu trên địa bàn quận 5.

Một hộ dân tại đây nói: “Nhà tôi đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng nhưng thấy đất còn trống chưa làm gì nên quay lại ở tạm, khi nào Nhà nước giải tỏa tiếp rồi tính”.

Dọc đường Trần Văn Kiểu, nhiều hộ cũng lấn chiếm tương tự. Có hộ đập nhà nhưng chừa lại một phần để ở, chưa chịu di dời. Có hộ đã đi nơi khác, sau đó quay trở lại che lều san sát nhau chẳng hơn gì những căn nhà ổ chuột ven kênh trước đó.

Đối diện trạm xăng dầu số 2 (394 Hàm Tử, P. 5, Q.5) là một xóm lều với khoảng chục hộ. Xung quanh các căn lều đã mọc thêm những nhà vệ sinh... Cứ thế, qui mô xóm lều ngày càng phình ra.

Người dân xung quanh cho biết xóm này đã xuất hiện hơn hai tháng nay nhưng chẳng thấy địa phương quan tâm, nhắc nhở. Điều bức xúc của người dân là không chỉ có tình trạng lấn chiếm trở lại để sinh sống mà còn là nơi núp bóng, phát sinh tệ nạn chích choác, nghiện ngập.

Lấn chiếm với qui mô lớn phổ biến là ở trên địa bàn các phường 1, 5, 6, 10 (Q.5). Phía ven kênh thì các hộ dân lấn chiếm che lều ở, phía mặt tiền đường là nơi các hộ buôn bán với đủ loại mặt hàng.

Buông lỏng quản lý để các hộ dân đã giải tỏa tái lấn chiếm đã đành, ngay cả chính quyền địa phương cũng “tranh thủ” cho thuê đất để làm bãi giữ xe tải, xe khách. Suốt tuyến Trần Văn Kiểu, Hàm Tử và Bến Chương Dương có hơn 10 bãi giữ xe như vậy. Nhiều nhất là các phường thuộc Q.5 và phường Cầu Kho, Cô Giang (Q.1).

Việc tái lấn chiếm có thể nói diễn ra ở nhiều nơi, qui mô ngày càng lan rộng, mặc dù các phường liên quan không thừa nhận là đồng ý với việc tái lấn chiếm của các hộ dân, nhưng một số hộ được hỏi đều cho rằng đã xin phép địa phương.

Một cán bộ Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và cải thiện môi trường nước cho biết tình trạng này đã diễn ra hơn bốn tháng nay nên không thể nói địa phương không biết.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.5, hiện mỗi tháng các phường được chi 1 triệu đồng để quản lý mặt bằng. Thế nhưng các địa phương vẫn buông lỏng quản lý, để cho dân tự tiện tái lấn chiếm.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp