28/04/2019 11:48 GMT+7

'Dự án cuộc đời' của cô gái trẻ

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Vũ Mỹ Hạnh nói Triêm Tây là dự án cuộc đời của cô, là xuất phát điểm để cô xây giấc mơ phát triển những dự án cộng đồng bền vững.


Dự án cuộc đời của cô gái trẻ - Ảnh 1.

Vũ Mỹ Hạnh (đeo kính) hướng dẫn khách trải nghiệm ở trang trại An Nhiên - Ảnh: NVCC

Gần 4 năm trước, cô gái trẻ Vũ Mỹ Hạnh (32 tuổi) từ bỏ chốn thị thành, tìm về làng quê nghèo Triêm Tây (Điện Bàn, Quảng Nam) để phát triển mô hình làm vườn nông nghiệp sinh thái bền vững. Cũng từ đây, cô thực hiện nhiều "dự án xanh" vừa bảo vệ môi trường vừa giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

Vũ Mỹ Hạnh nói Triêm Tây là dự án cuộc đời của cô, là xuất phát điểm để cô xây giấc mơ phát triển những dự án cộng đồng bền vững.

Nhiều người xem quyết định của tôi là hi sinh, nhưng tôi tiếp cận mọi thứ rất bình thường. Đó là con đường mà tôi chọn và tôi nỗ lực đi đến cùng con đường ấy.

VŨ MỸ HẠNH

Bỏ phố về quê

Tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Ngoại thương và có 5 năm kinh nghiệm làm việc cho một tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cô gái Hà thành Vũ Mỹ Hạnh chợt rẽ ngang chọn đến vùng quê nghèo ở tỉnh Quảng Nam để bắt đầu hành trình hơi khác người thời điểm ấy.

Thời điểm đó, vùng đất Triêm Tây ở ngã ba sông Thu Bồn mang hình hài đẹp đẽ của làng quê Việt đang dần "chết". Người dân Triêm Tây bất lực bỏ xứ trước những cơn giận của tự nhiên.

Lúc bấy giờ, Hạnh cùng tiến sĩ Ngô Anh Đào (Hà Nội) đang tư vấn cho UNESCO về một bản đồ du lịch xanh tại Triêm Tây. Cô chia sẻ những giá trị cốt lõi của một cuộc sống lâu dài tại vùng quê này để thỏa chí thực hiện mơ ước bảo tồn vùng đất và con người nơi đây. Và Hạnh bắt đầu về đây làm "nông dân thứ thiệt".

Hạnh chia sẻ: "Tuổi thơ tôi may mắn có quê để về, có ký ức ông bà làm ruộng, cấy lúa và tôi mong muốn nỗ lực để gìn giữ những giá trị ấy. Nhiều người xem quyết định của tôi là hi sinh, nhưng tôi tiếp cận mọi thứ rất bình thường. Đó là con đường mà tôi chọn và tôi nỗ lực đi đến cùng con đường ấy".

Hành trình gian nan của cô gái trẻ bắt đầu từ việc cùng Green Youth Collective (một doanh nghiệp xã hội) dạy nghề và kỹ năng sống thích nghi cho thế hệ trẻ ở vùng đất Triêm Tây. Cô xây dựng một cộng đồng cùng làm việc và sinh hoạt để thực hành lối sống bền vững, trong đó có những khu vườn sinh thái.

Nhóm người trẻ bắt đầu trồng cây giữ đất, thiết lập hệ thống kè mềm 3 lớp ở đoạn sông Thu Bồn qua Triêm Tây để chống lũ lụt và sạt lở. Một khu rừng đa loài và đa tầng được dựng lên dọc hàng trăm mét đất đầu tiên. Bờ kè mềm với ba lớp cây tiên phong trải qua kỳ sát hạch của trận lũ lịch sử năm 2017 chỉ bị hư hại chút ít.

Diện tích bờ kè mềm ngày càng được mở rộng và cách làm này đã lan tỏa đến chính quyền địa phương. TP Hội An đã giao thêm đất ở sát bờ Cẩm Kim để nhóm trồng theo hướng mô hình kè 3 lớp và thảm cây tiên phong.

Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - đánh giá: "Công trình bờ kè mềm hiện phát triển rất tốt. Hai lớp ngoài cùng taluy kè trồng cây cỏ búa và dương liễu đã đảm bảo. Sau mùa lũ 2019, nếu lớp cây bần đảm bảo chức năng, tôi sẽ đề xuất TP mở rộng bởi dựng kè mềm chưa đến 30% kinh phí so với xây dựng kè bêtông mà còn thân thiện môi trường, tái tạo đa dạng sinh học của hệ sinh thái bờ nước và tạo cảnh quan".

Làm du lịch khác biệt

Xong công cuộc trồng cây giữ đất, cô gái trẻ cùng cộng sự bắt đầu xây một lối sống xanh ở Triêm Tây. Dưới những ngôi nhà bằng vật liệu tre gỗ, khách đến trang trại của Hạnh cùng tham gia làm vườn, nấu nướng, cắt sậy, đánh cá, cào hến... Giữa thảm thực vật đa loài, con người nuôi dưỡng hệ sinh thái đất, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Hằng ngày, nhiều nhóm du khách trong và ngoài nước đến đây lắng nghe cô gái trẻ chia sẻ cuộc sống của mình với tự nhiên. Họ cùng làm và cùng nghe những câu chuyện về phát triển bền vững từ cảnh quan, làm vườn hữu cơ, nhà sinh thái, xử lý rác thải và cả những bài học lúc khó khăn mà Hạnh đã trải qua.

Nhiều năm bám trụ ở vị trí ngã ba Triêm Tây nắng thì nắng hạn, mưa thì lũ lụt và sạt lở, Hạnh bảo càng khó khăn thì càng thử thách. Khó khăn là cơ hội cho mình vượt qua và gây dựng cơ chế thích nghi.

"Tôi biến những thứ đó thành cơ hội để sau một thảm họa lại cho tôi nhiều quan sát, suy nghĩ để thích nghi hơn. Tôi biết cách tận dụng được tối đa những năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời, nước mưa... để giảm các nguồn năng lượng khác. Tôi cũng chuẩn bị để đón nhận những trận thiên tai tiếp theo, như bờ kè mềm là một điển hình" - Hạnh chia sẻ.

Thực hiện những dự án xã hội

Hiện mục tiêu của Hạnh là song song phục hồi, làm giàu hệ sinh thái tự nhiên địa phương và quản lý rác thải. Trăn trở từ việc những sản phẩm xà phòng, dầu ăn, vải của các khách sạn cao cấp bị bỏ phí, Hạnh quyết thực hiện hàng loạt dự án tái chế giúp giảm lượng chất thải ra môi trường. Hạnh cùng cộng sự đã sáng kiến ra chương trình "Tái chế cho sinh kế", trong đó có "Vải cho cuộc sống" và "Xà phòng hi vọng" (hợp tác với Tập đoàn Diversey).

Từ giữa năm 2018, nhóm bắt đầu thực hiện ở Quảng Nam và dần lan rộng ra các tỉnh miền Trung. Hiện tại, mỗi ngày dự án nhận sản xuất và phân phối 1.000 ống hút cỏ sậy cho 6 cửa hàng khu vực Hội An - Đà Nẵng, tạo được việc làm cho một nhóm thanh niên địa phương từ nguồn sậy già khai thác ở kè mềm.

Ngoài ra, nhóm còn hợp tác với các đối tác kỹ thuật để chuyển dầu ăn dùng một lần sang dạng xà phòng mới chuyên cho rửa bát và giặt quần áo.

Gần một năm thực hiện, "Vải cho cuộc sống" đã xử lý được hàng tấn vải thừa cao cấp từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Hội An và Đà Nẵng để tạo các sản phẩm vải cho trạm y tế, đồng phục học sinh, túi mua sắm... Một nhóm phụ nữ khuyết tật tại Đà Nẵng đã được giao may sản phẩm để kiếm thêm thu nhập.

"Giáo dục câu chuyện tiêu thụ"

vmh

Vũ Mỹ Hạnh cùng cộng sự hướng dẫn trẻ em vùng núi làm xà phòng tái chế - Ảnh: NVCC

Mỗi tháng, cô gái với nước da bánh mật này lại lặn lội hết tìm nguồn cung lại tìm chỗ tặng. Phải canh đo lắm để đưa được những sản phẩm của dự án đến đúng đối tượng. Cô đến các trường miền núi xa xôi, những trung tâm trẻ khuyết tật, tự kỷ, cả những bệnh viện, trung tâm y tế... để lan tỏa dự án tái chế của mình.

Cứ như thế, những mẩu "xà phòng hi vọng" đến tận tay các em nhỏ vùng cao, bệnh nhân khó khăn, trẻ khuyết tật khắp nhiều tỉnh thành miền Trung.

Hạnh cùng làm xà phòng bằng phương pháp ép nguội và tặng lại sản phẩm cho các em, kết hợp với các chương trình vệ sinh phòng bệnh, tiết kiệm và bảo vệ nước đầu nguồn ở vùng núi. Song song quá trình thực hiện dự án, Hạnh luôn đưa vào chương trình giáo dục thay đổi nhận thức để bớt các tiêu thụ từ nguồn, bởi cô tâm niệm việc lâu dài là giáo dục câu chuyện tiêu thụ, chứ không phải cứ đi tìm cách giải quyết.

Cô gái trẻ khởi nghiệp với cà phê thổ cẩm

TTO - Kết hợp giữa cà phê với nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào Tây Nguyên, cô gái phố núi Pleiku Phan Thùy Nhật Hạ (32 tuổi) đã khởi nghiệp với mô hình khác biệt: cà phê Củi đựng vào túi thổ cẩm, tặng kèm phin pha cà phê gốm sứ.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp