14/09/2018 09:03 GMT+7

Dự án chống ngập 10.000 tỉ vẫn ổn khi dùng thép Trung Quốc?

THU DUNG - NGỌC ẨN
THU DUNG - NGỌC ẨN

TTO - Tại cuộc họp với báo chí chiều 13-9, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã giải thích về những vấn đề xung quanh dự án chống ngập nước 10.000 tỉ đồng do mình làm chủ đầu tư.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ vẫn ổn khi dùng thép Trung Quốc? - Ảnh 1.

Cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân dùng thép SUS 323L của Trung Quốc thay vì thép SUS 304 (Nhật Bản) và thép S355 (các nước G7) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khởi công từ tháng 6-2016, "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM" bị đình trệ thi công từ tháng 4-2018 đến nay vì tư vấn giám sát hợp đồng không chấp nhận sử dụng trong thi công các cửa van cống ngăn triều thay cho loại thép xuất xứ G7.

Nhà đầu tư khẳng định không sai

Tại họp báo, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Trung Nam Group - khẳng định: "Nhà đầu tư không có lỗi trong việc dự án tạm dừng. Nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân".

Với việc tư vấn giám sát hợp đồng đưa ra khuyến cáo về chuyện sử dụng thép Trung Quốc thay cho "loại thép S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355", Trung Nam Group giải thích rằng để phù hợp với các quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn thiết kế đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: "Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc tương đương".

Theo ông Tiến, trong hợp đồng BT (điều 10) UBND TP ký với nhà đầu tư không có điều khoản hay ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7, châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc... nên nhà đầu tư có thể dùng bất cứ loại thép nào đạt chuẩn kỹ thuật.

Về lý do dùng thép SUS 323L của Trung Quốc làm hai cửa van tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô, thay vì thép không gỉ SUS 304 (Nhật Bản) và thép S355 (các nước G7), chủ đầu tư giải thích thép SUS 304 của Nhật có cơ tính thấp, không phù hợp với loại cửa van cống chìm hoàn toàn dưới nước nên phải dùng thép SUS 323L của Trung Quốc và loại thép này cũng được nhiều công trình lớn trên thế giới áp dụng, ngay cả ở Nhật Bản.

Về việc sử dụng thép Trung Quốc giá thấp hơn, nhà đầu tư sẽ hưởng chênh lệch giá, ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định đã khai báo rõ về xuất xứ thép và giá cả.

Trong cuộc họp này, TS Phạm Văn Long - chủ nhiệm thiết kế dự án - cũng giải thích rằng việc thay đổi vật liệu thép như trên là "không sai" bởi vì nhà đầu tư đảm bảo tính năng kỹ thuật, chất lượng thép.

Ông Long còn cảnh báo rằng để công trình bị dừng quá lâu sẽ dẫn tới hố móng bị sạt, ảnh hưởng hạ tầng xung quanh, đời sống người dân và quá trình sửa chữa sẽ gây tốn kém rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Trung tâm Điều hành và chống ngập TP.HCM - khẳng định việc thay đổi loại thép không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Nhà đầu tư cũng đã đảm bảo tính chất cơ lý của các loại thép là tương đương nhau, chất lượng công trình vẫn không thay đổi.

Rất khập khễnh và khó hiểu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Doãn Phi Anh - nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam - cho rằng việc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đem thép Trung Quốc thí nghiệm để rồi kết luận chất lượng thép tương đương với thép của các nước G7 là rất khập khễnh và khó hiểu.

Vụ này cũng không khác gì vụ cấp nước sông Đà đã xảy ra nhiều lần ở Hà Nội. Lúc đầu, các cơ quan nói sử dụng ống thép Trung Quốc là đủ tiêu chuẩn và hợp lệ. Thế rồi hàng chục vụ vỡ ống nước xảy ra liên tục buộc cơ quan điều tra vào cuộc và khởi tố một số người.

Việc thay thế vật liệu thép các nước G7 và Nhật Bản bằng vật liệu thép Trung Quốc là không thể chấp nhận ở dự án trọng điểm này.

Ông Trần Doãn Phi Anh

Theo ông Phi Anh, dự án công trình có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng là công trình trọng điểm nên ngay từ đầu TP.HCM tính toán về chất lượng rồi mới chọn thép của các nước G7 hoặc Nhật Bản vì tiêu chuẩn chất lượng rất cao.

Còn ông Nguyễn Kim Lăng - nguyên phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - cho rằng đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng trong dự án đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình là căn cứ cơ sở pháp lý cho phép và từ chối những gì mà pháp luật không cho phép.

Vì vậy, bên tư vấn yêu cầu việc thay đổi vật liệu thép trong xây dựng là phải được UBND TP chấp thuận là rất đúng đắn vì họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình.

Dự án chống ngập ở TP.HCM đình trệ vì dùng thép Trung Quốc?

TTO - Từ tháng 4-2018 đến nay, dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1" (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) đình trệ thi công.

THU DUNG - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp