Ngày 9-9, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đến tỉnh Đồng Nai giám sát về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án sân bay Long Thành và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Đồng Nai.
Đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã hỏi: "Vì sao cùng cơ chế, chính sách nhưng các địa phương vẫn làm kịp tiến độ các dự án, còn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai rất chậm?".
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), dự án thành phần 3 dài 19,5km thuộc địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao gần 78%.
Tuy nhiên, đối với dự án thành phần 1, thành phần 2 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km mặt bằng chỉ mới bàn giao gần 6%. Nguyên nhân do kiểm đếm chậm, đơn giá bồi thường chưa được phê duyệt. Việc thu hồi đất ở Trường giáo dưỡng số 4 trên địa bàn huyện Long Thành chưa thể thực hiện do vướng thủ tục điều chỉnh an ninh - quốc phòng.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai thuộc phạm vi dự án thành phần 1, thành phần 2 và khu tái định cư Long Đức cũng chưa thể thực hiện do tổng công ty chưa đồng ý về giá hỗ trợ.
Bộ Giao thông vận tải cho biết theo báo cáo của các địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng ở các dự án thành phần của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng khoảng 3.674 tỉ đồng so với mức đã được phê duyệt.
Giải trình về việc đội chi phí lên hàng ngàn tỉ đồng, ông Lê Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho hay ban đầu đơn vị tư vấn khái toán giá đền bù, giải phóng mặt bằng như vậy nhưng khi địa phương phê duyệt được đơn giá đền bù chậm thì chi phí bồi thường tăng lên.
Lý giải thêm về việc chậm bàn giao mặt bằng, ông Võ Tấn Đức - quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, thiếu nhân sự do địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng nhiều dự án.
Về áp giá đền bù, tỉnh Đồng Nai vẫn đang thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn để xác định giá đất. Dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thiện chứng thư thẩm định giá cho dự án và phê duyệt giá đất, phương án bồi thường trong tháng 10-2023.
Về việc tái định cư cho dân, ông Đức cho hay tỉnh đã chuẩn bị bốn khu tái định cư. Đến nay chỉ mới khởi công xây dựng khu tái định cư Long Đức. Vì vậy, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho tỉnh được bố trí tái định cư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Đồng thời, tỉnh đề nghị đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để có chỉ đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Còn vướng mắc gì ở sân bay Long Thành?
Báo cáo với đoàn giám sát, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành vẫn còn một số vướng mắc.
Cụ thể, một phần diện tích đất giai đoạn 2 chưa được áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Một bộ phận người dân vẫn đang phải chờ bốc thăm tái định cư, cuộc sống hiện tại gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc đào đắp, san nền (khói bụi, ngập úng nước khi trời mưa…).
Bên cạnh đó, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về dự án có liên quan đến việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên UBND huyện Long Thành tạm dừng tính toán hỗ trợ cho một số đối tượng để chờ hướng dẫn xử lý. Vì vậy, dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại.
Đối với công tác đào tạo nghề, đề án đã phê duyệt nhưng hiệu quả chưa cao vì người dân ít có nhu cầu đăng ký học nghề.
Riêng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, người dân vào đây ở từng bước ổn định cuộc sống nhưng vẫn còn thiếu các tiện ích công cộng như chợ, trường học do chưa xây dựng xong vì chậm tiến độ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận