Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong báo cáo gửi đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Ngày 18-6-2023, các dự án thành phần đã đồng loạt khởi công. Đến nay, việc bàn giao mặt bằng cho thi công dự án thành phần 3 (địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đáp ứng kế hoạch, đạt khoảng 77,6%.
Còn dự án thành phần 1 chưa bàn giao mặt bằng, dự án thành phần 2 mới bàn giao được khoảng 5,82% mặt bằng, không đảm bảo thi công. Nếu không được bàn giao đủ mặt bằng trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng rất lớn việc thi công, dẫn đến nguy cơ không đáp ứng được tiến độ đã đề ra.
Nguyên nhân chủ yếu là do: công tác kiểm đếm chậm khi nguồn nhân lực tại các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng của tỉnh chưa đáp ứng khối lượng công việc; đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt.
Đồng thời, việc thu hồi đất tại Trường giáo dưỡng số 4 chưa thể thực hiện do vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh - quốc phòng; Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 và 2 chưa xây dựng nên tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi.
Sau hơn 2 tháng khởi công, đến nay tốc độ triển khai thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn chậm. Hiện mới chỉ có dự án thành phần 3 đang thi công một số hạng mục đào, đắp nền đường, khoan cọc nhồi cầu và cống hộp với sản lượng khoảng 1,6% giá trị hợp đồng.
Dự án thành phần 1 chưa thi công do chưa có mặt bằng. Dự án thành phần 2 bước đầu triển khai thi công một số hạng mục do mặt bằng được bàn giao rất hạn chế.
Bộ Giao thông vận tải dẫn báo cáo của các địa phương cho thấy chi phí giải phóng mặt bằng đến thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674 tỉ so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Trong đó: dự án thành phần 1 tăng hơn 1.195 tỉ đồng; dự án thành phần 2 tăng hơn 1.488 tỉ đồng; dự án thành phần 3 tăng hơn 989 tỉ đồng.
Khoản chi phí này tăng khiến tổng mức đầu tư dự án tăng khoảng 3.665 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Do đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Để đảm bảo việc triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo đúng yêu cầu của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, cũng như có số liệu chính thức làm cơ sở điều chỉnh chủ trương đầu tư cho toàn bộ dự án…
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia thành 3 dự án thành phần
Theo chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km, quy mô giai đoạn 1 từ 4 đến 6 làn xe tùy theo từng đoạn tuyến, tổng mức đầu tư: 17.829 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công gồm:
Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản có chiều dài khoảng 16km, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.240 tỉ đồng.
Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản có chiều dài khoảng 18,2km, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.407 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản có chiều dài khoảng 19,5km, sơ bộ tổng mức đầu tư 5.190 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận