06/04/2022 17:00 GMT+7

Dự án cao ốc tại Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt ‘đúng quy trình’

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội thì các bước phê duyệt dự án cao ốc 4 mặt tiền tại 61 Trần Phú thuộc Khu trung tâm chính trị Ba Đình đều đúng quy định, quy trình.

Dự án cao ốc tại Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt ‘đúng quy trình’ - Ảnh 1.

Công trình trăm tuổi tại 61 Trần Phú hiện chỉ còn dãy nhà trên mặt đường Hùng Vương chưa bị phá dỡ - Ảnh: T.ĐIỂU

Chiều 6-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa).

Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15-4-2022.

Giao trách nhiệm cho Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình).

Đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8-4-2022.

Tuy nhiên, liên quan đến dự án xây cao ốc tại khu đất 4 mặt tiền số 61 Trần Phú, thuộc Khu trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội) đang gây hoang mang, lo ngại cho các chuyên gia cũng như người yêu Hà Nội nói chung mà Tuổi Trẻ phản ánh những ngày qua, ngày 6-4, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đã thông tin với Tuổi Trẻ Online các thông tin liên quan tới việc phê duyệt dự án này.

Dự án cao ốc tại Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt ‘đúng quy trình’ - Ảnh 2.

Bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thông tin cho biết chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19-5-1967 - Ảnh: NAM TRẦN

Hà Nội từng yêu cầu Postef phải đóng góp hiệu quả cho cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình

Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, việc cho phép phá dỡ công trình nhà máy cũ trăm tuổi được giới chuyên môn đánh giá là có giá trị kiến trúc rất độc đáo là vì công trình này không nằm trong Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua năm 2013.

Khu đất nêu trên thuộc Khu trung tâm chính trị Ba Đình, yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình".

Theo đó, khu đất này (lô G1) có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ… cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.

Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho biết quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn để lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.

Nội dung đề xuất đầu tư xây dựng đã được Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. 

Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, sở này đã tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch thành phố; đồng thời đề nghị UBND quận Ba Đình và phường Điện Biên tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan.

Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, các ý kiến cơ bản thống nhất đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại khu đất nêu trên.

Tháng 1-2017, sở này đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng (gồm tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp), kèm theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: mật độ xây dựng khoảng 50%; 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và 6 tầng hầm, tổng diện tích sản khoảng 32.306m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023m2, chiều cao công trình là 42,9m.

Đồng thời sở này cũng yêu cầu chủ đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, hội nghề nghiệp các tổ chức tư vấn thiết kế có năng lực để được tư vấn, góp ý hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình, đảm bảo có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Dự án cao ốc tại Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt ‘đúng quy trình’ - Ảnh 3.

Phương án kiến trúc công trình này từng được lấy ý kiến của Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch thành phố Hà Nội

Dự án cao ốc tại Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt ‘đúng quy trình’ - Ảnh 4.

Toà nhà cổ đang bị tháo dỡ (ảnh chụp chiều 6-4) - Ảnh: NAM TRẦN

"Đúng quy trình"

Đến nay, dự án đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định tháng 6-2017, tháng 7-2017 và 4-5-2020, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại quyết định năm 2018.

Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở năm 2017 và thẩm định thiết kế kỹ thuật phần ngầm năm 2020. Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng phần ngầm công trình tháng 12-2020.

Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình" đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Tuy nhiên, câu hỏi được giới chuyên môn và dư luận đặt ra là, tại sao một dự án cao ốc thuộc Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt "đúng quy trình" nhưng khi triển khai lại gây bức xúc, không đồng tình của dư luận và giới chuyên môn?

Ngoài ra, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân (Đại học Xây dựng Hà Nội) đặt câu hỏi tại sao chiều cao, quy mô của công trình cao ốc này lại được yêu cầu tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội (11 tầng/44,6m).

Lý do bởi đây không phải công trình điểm nhấn của khu vực để công trình 61 Trần Phú lấy làm mốc so sánh, mà cần phải yêu cầu tương đồng với công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà Quốc hội.

Dự án cao ốc tại Khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt ‘đúng quy trình’ - Ảnh 5.

Dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh: NAM TRẦN

Về bức phù điêu ghi chiến tích bắn rơi máy bay Mỹ tại địa điểm khu đất này của dân quân thủ đô, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa - thể thao chủ trì, tổ chức xem xét đánh giá giá trị phù điêu để đề xuất phương án bảo tồn nếu cần thiết.

Sở gợi ý có thể phối hợp với chủ đầu tư để đặt tại vị trí phù hợp trong phạm vi khuôn viên dự án.

Bỏ tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền gần 100 năm tuổi: Lo ngại cao ốc phá vỡ không gian khu Ba Đình Bỏ tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền gần 100 năm tuổi: Lo ngại cao ốc phá vỡ không gian khu Ba Đình

TTO - Việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình để thế vào đó một tòa cao ốc đã thu hút sự quan tâm lớn của giới quy hoạch, kiến trúc, những người yêu di sản và người yêu Hà Nội nói chung.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp