Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh nằm than (bếp than ở gần giường hoặc trong phòng ngủ) sau này sẽ không bị đau nhức mình mẩy, không són tiểu, nhanh hồi phục. Nhưng nhiều người không biết tục nằm than lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Não bị tổn thương lan tỏa
Bà N.T.T., 61 tuổi, ngụ Nghệ An, được con trai đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám, trước đó bà bị tổn thương não lan tỏa do nằm than cùng với con gái sau khi con sinh.
Theo người nhà bệnh nhân, khi con gái bà T. sinh con, bà đốt than sưởi ấm cho con gái và ngủ trong phòng con gái với cháu ngoại. Sáng hôm sau, bà không thể tỉnh dậy, lơ mơ dù đã được người nhà gọi nhiều lần.
Thấy bất thường, người nhà đã đưa bà vào bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán là ngộ độc CO. Bà được cho thở oxy cao áp trong vòng vài giờ. Sau đó bà tỉnh nhưng tiếp xúc chậm, thời gian sau mới khá dần.
Ba tuần sau bà lại rơi vào tình trạng khác lạ: người chậm dần, không thể làm nhiều việc như trước đây từng làm. Ví dụ như trước đây bà thường đi chợ, nay ra chợ không biết mua gì, nhìn thực phẩm để nấu ăn bà cũng không biết sẽ phải nấu như thế nào...
Thấy bà T. trong tình trạng như vậy, bệnh viện tỉnh không điều trị được nên gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám bệnh ngày 29-2.
Bác sĩ Tống Mai Trang, khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khí CO không mùi, không màu và không gây kích ứng, được thải ra từ máy sưởi gas, lò nung, máy nước nóng, bếp đốt than...
Khi có quá nhiều carbon monoxide trong không khí, cơ thể sẽ thay thế oxy trong tế bào hồng cầu bằng carbon monoxide. Điều này có thể ngăn cản các mô và các cơ quan trong cơ thể hấp thụ oxy dẫn đến tổn thương các cơ quan nghiêm trọng đặc biệt là tim và não, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi là các đối tượng dễ bị ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc CO có thể một pha hoặc hai pha. Người bệnh có thể đau đầu, yếu cơ, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu, hụt hơi, lú lẫn, ngủ nhiều, lơ mơ sau khi hít phải khí CO sau đó thoái lui, đặc biệt nếu được phát hiện thì nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được sơ cứu ban đầu như thở oxy cao áp.
Coi chừng "bệnh não muộn"
Có khoảng 10-30% người bị ngộ độc khí CO sau pha hồi phục ban đầu sẽ xuất hiện lại các triệu chứng thần kinh từ ngày thứ 2 đến ngày 40, gọi là bệnh não muộn do ngộ độc CO như mất trí nhớ, các biểu hiện rối loạn vận động như hội chứng Parkinson, trầm cảm, loạn thần, sa sút trí tuệ...
Khi bà T. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám lần đầu, bác sĩ đã cho bà chụp MRI não. Kết quả cho thấy não của bà bị tổn thương lan tỏa. Các bác sĩ cho bà nhập viện ngay để làm chẩn đoán xác định.
Chẩn đoán cuối cùng bà bị bệnh não do ngộ độc khí CO, do nằm than. Đánh giá thấy trí tuệ của bà bị giảm nhiều, mức độ nhận thức rất thấp ở tất cả các lĩnh vực như trí nhớ, ngôn ngữ, thị giác, không gian chức năng điều hành nhận thức xã hội... Ngoài điều trị bằng thuốc, bà còn được hướng dẫn tập luyện các bài tập trị liệu nhận thức về trí nhớ, ngôn ngữ...
Sau hơn hai tháng điều trị, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã khá hơn. Bệnh nhân đã cải thiện dù không trở lại được như xưa: giao tiếp được, tập trung chú ý hơn, có thể sinh hoạt cơ bản, còn trước đó người nhà phải lo hết. Hiện bà T. đã có thể đánh răng, tự tắm rửa, tự vệ sinh cá nhân.
Quan niệm sai lầm, gặp nhiều nguy hiểm
Theo bác sĩ Văn Phụng Thống, nguyên phó khoa cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ, quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh nên nằm than kéo dài trong cả ba tháng ở cữ. Sở dĩ dân gian có quan niệm như vậy vì tin rằng biện pháp này có thể mang lại nhiều tác dụng tốt cho phụ nữ sau sinh.
Cụ thể sẽ hỗ trợ hoạt huyết cho sản phụ. Phụ nữ thường mất nhiều máu khi trải qua ca sinh nên cần nằm than để giữ ấm cơ thể, máu huyết lưu thông tốt hơn. Nằm than sau sinh giúp sản phụ nhanh hồi phục, bé nhanh cứng cáp. Phụ nữ sau sinh nằm than, hơ lửa, kiêng ra gió, kiêng đụng nước, kiêng vận động... sau này sẽ không bị đau nhức mình mẩy, không són tiểu sau sinh.
Trong thực tế phụ nữ sau sinh nằm than sẽ gặp nhiều nguy hiểm như gây ngạt thở, tăng nguy cơ gây bỏng cho mẹ và bé, nguy cơ gây hỏa hoạn, cháy nổ.
Trong môi trường quá nóng sẽ khiến mẹ và bé đổ mồ hôi, tro than bám vào cơ thể nhưng lại phải kiêng tắm rửa trong thời gian ở cữ có thể khiến hai mẹ con gặp phải các vấn đề về da như rôm sảy, hăm, ngứa ngáy. Tình trạng này kéo dài thường dẫn đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Đốt than sưởi ấm, nguy cơ ngộ độc khí CO
Theo bác sĩ Văn Phụng Thống, cuộc sống hiện nay được tiếp cận với sự tiến bộ khoa học, đầy đủ đời sống vật chất nên có nhiều cách giữ ấm cho cơ thể mẹ và bé sau sinh. Những biện pháp giữ ấm khoa học có thể bảo đảm an toàn và tiện lợi hơn so với nằm than sau sinh.
Điều cần làm đầu tiên để giảm cảm giác rét buốt trong mùa đông là mẹ nên mặc ấm. Mẹ và bé cần chuẩn bị trang phục đầy đủ để giữ ấm vào mùa đông như áo ấm, khăn choàng cổ, tất, mang bao tay, mũ và nằm trong phòng kín gió. Cần chú ý tùy vào khí hậu và thời tiết mà các mẹ lựa chọn quần áo cho phù hợp.
Trong mùa đông, đặc biệt vào những ngày rét buốt, mẹ bầu nên sử dụng bếp sưởi hoặc máy sưởi để làm ấm phòng. Nếu sinh sống ở vùng có mùa đông lạnh giá, mẹ có thể thay thế nằm than sau sinh bằng việc sử dụng các thiết bị sưởi an toàn hơn như đèn tỏa nhiệt và lưu ý về mức nhiệt tránh quá nóng.
Để giữ ấm cơ thể và có sữa cho con bú, mẹ cần đảm bảo ăn uống đầy đủ. Sau sinh, mẹ có thể thoải mái ăn uống, tránh kiêng khem quá mức dẫn đến suy nhược. Mẹ có thể ăn thêm nhiều hoa quả để có thêm vitamin và khoáng chất.
Phụ nữ sau sinh để giữ ấm cơ thể có thể dùng rượu ngâm gừng nghệ hoặc ngâm riêng rẽ từng thứ để massage sau sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận