“Kính thưa các loại rác” chưa phân loại tại một điểm tập kết rác trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: CHUNG THANH HUY
Sự cố từ bãi rác Tam Xuân, huyện Núi Thành (Quảng Nam): vì ô nhiễm, người dân ngăn không cho xe rác vào bãi này, Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam không thu gom rác từ giữa tháng 8-2019. Những đống rác thải chất cao dọc tuyến quốc lộ 1 qua thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình (Quảng Nam)...
Rác chất đống ngổn ngang ở nhiều tuyến đường, ngõ ngách tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bốc mùi hôi thối hơn một tháng qua. Bãi tập kết rác bị đóng cửa vì quá tải, trong khi dự án xử lý rác mới lại gặp phải sự phản đối của người dân.
Đầu tháng 7-2019, tại Đà Nẵng, người dân lại chặn xe rác vào bãi Khánh Sơn, bãi rác duy nhất của Đà Nẵng tồn tại 30 năm nay, hàng ngàn tấn rác ùn ứ. Cùng thời gian này, người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) cũng bức xúc vì tình trạng môi trường nước và không khí đều ô nhiễm trầm trọng. Tại các thành phố như Đà Lạt, Côn Đảo, Phú Quốc đang đối mặt với tình trạng quá tải rác thải, nhiều đảo du lịch chưa có phương án xử lý rác.
Ô nhiễm nước, không khí vì rác ở đô thị hiện nay là hệ quả không thể tránh khỏi của việc xử lý rác không theo kịp tốc độ xả rác ở đô thị. Đến nay, việc xử lý rác phần lớn chỉ dùng biện pháp chôn lấp lạc hậu và gây ô nhiễm, trên thế giới còn rất ít quốc gia áp dụng cách này. Thu gom và tái chế rác chỉ mới bắt đầu câu chuyện tuyên truyền. Đốt rác phát điện là niềm hi vọng cho vấn đề xử lý rác đô thị mới, lại đang triển khai rất chậm đến sốt ruột.
Tuổi Trẻ 31-8-2019 có thông tin vui về chuyện đốt rác ở TP Cần Thơ. Nhà máy Đốt rác phát điện Cần Thơ hoạt động ổn định từ tháng 11-2018 đến nay với công suất xử lý 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 150.000 kWh (tương đương 60 triệu kWh/năm) hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện rác được thu gom của TP này (khoảng 600 tấn/ngày) đều được xử lý. Tro xỉ lò đốt (khoảng 20 tấn/ngày) đã được Bộ Xây dựng cho phép làm vật liệu xây dựng. Điều rất mừng là nhà máy này hiện không đủ rác để xử lý.
Rác đang dần được phân loại trước khi đưa vào xử lý - Ảnh: TTO
Trong khi đó, tại TP.HCM vừa mới khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên, giai đoạn 1 công suất 2.000 tấn/ngày, phải chờ đến sau năm 2020. Công suất nhà máy quá nhỏ so với lượng rác thải của đô thị này (với hơn 9.000 tấn rác thải/ngày và sẽ còn gia tăng). Dự án điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) được cấp phép vào tháng 12-2017, khởi công quý 2-2019 đến nay ì ạch. Đà Nẵng mới tính phương án chuyển từ chôn lấp sang đốt rác.
Dù muộn, dù chậm nhưng nhà máy đốt rác hiện đại đang là niềm hi vọng của câu chuyện xử lý rác. Theo báo cáo gần đây nhất của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày và tiếp tục tăng từng năm, trong đó hầu hết là rác từ thực phẩm. Muốn tái chế hay đốt rác phát điện, đầu tiên cần phân loại rác tại nguồn.
Và đây là trách nhiệm của mỗi người dân. Đến nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Cần Thơ... vì nhiều lý do vẫn dừng lại ở mức độ thí điểm, chưa thể triển khai đồng loạt.
Có thể thấy điểm chung của những quốc gia xử lý rác hiệu quả đều xuất phát từ ý thức của người dân qua sự tự giác và tinh thần trách nhiệm cao với việc phân loại rác. Xúc tiến cho các nhà máy đốt rác, tái chế rác là chuyện của nhà nước, nhưng phân loại rác là chuyện của mỗi nhà, mỗi người. Nếu không có sự thay đổi từ người dân, dù công nghệ xử lý rác có hiện đại bao nhiêu cũng khó phát huy tối đa tác dụng và khó tiết kiệm kinh phí xử lý rác (hiện ngân sách vẫn phải choàng).
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, rác thải thực sự là một tài nguyên chứ không hề là gánh nặng cho ngân sách. Như ở Thụy Điển: 52% lượng rác thải được đốt để sản xuất nhiệt, điện; 47% được tái chế và chỉ 1% rác thải phải chôn lấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận