29/04/2019 14:15 GMT+7

Đột quỵ não trong ngày nắng nóng, người bên cạnh giúp được gì?

TS.BS TRẦN ĐỨC SĨ (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
TS.BS TRẦN ĐỨC SĨ (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

TTO - Mới đây một thanh niên bị vỡ mạch máu não tử vong ở tuổi 30 trong ngày nắng nóng. Làm sao để phát hiện căn bệnh này và cách phòng tránh bệnh trong những ngày thời tiết thất thường?

Đột quỵ não trong ngày nắng nóng, người bên cạnh giúp được gì?   - Ảnh 1.

Một ca đột quỵ được bác sĩ chăm sóc - Ảnh: MAI THANH

não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một bệnh thần kinh cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Phần lớn bệnh nhân sẽ phải chịu di chứng nặng nề đến cuối đời, và sẽ tiếp tục bị tái phát đột quỵ nếu không được xử trí đúng, sớm và điều trị dự phòng lâu dài.

Việc bỏ sót, không nhận biết những dấu hiệu sớm của đột quỵ làm chậm trễ quá trình cấp cứu, điều trị, dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Ngược lại, việc ngộ nhận một số bệnh lý khác là đột quỵ khiến nhiều người lo âu, thậm chí lạm dụng thuốc, điều trị không cần thiết.

Cách nhận biết đột quỵ não

Về cơ bản có thể phân đột quỵ não thành 2 loại: đột quỵ do thiếu máu đến não và đột quỵ do chảy máu trong sọ. Cả 2 loại này tuy có khác biệt nhưng đều nguy hiểm và khẩn cấp như nhau.

Điểm quan trọng nhất cần lưu ý chính là sự "đột ngột" của các triệu chứng, là chữ đầu tiên của khái niệm "đột quỵ" trong ngôn ngữ dân gian. Phần còn lại, chữ "quỵ" chỉ hiện tượng bệnh nhân bị ngã quỵ xuống.

Trên thực tế, ngã quỵ chỉ là một trong những biểu hiện, còn tùy theo vị trí tổn thương não, có thể có những dấu hiệu khác nhau sau đây:

* Đau đầu: đau mức độ nặng, dữ dội, đột ngột đau như bị đánh búa vào đầu, như dao đâm trong não. Những trường hợp đau đầu lâu năm không tiến triển thì không phải là kiểu đau đầu của đột quỵ.

* Tê: tê tay, chân, tê mặt, từng phần hoặc nhiều phần cùng bên xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển nhanh.

* Quên: người nhà có thể nhận thấy bệnh nhân có sự thay đổi rõ về nhận thức trong một thời gian ngắn, mất trí nhớ, ngơ ngẩn, lú lẫn, thậm chí ngất, hôn mê. Người bệnh có thể nói năng lộn xộn, dùng không đúng từ hoặc nói đớ, nói ngọng, thậm chí không nói được.

* Uống sặc: người thường đôi khi có thể nuốt sặc do không để ý, tuy nhiên nếu uống sặc liên tiếp 2-3 lần trong ngày thì cần lưu ý. Dấu hiệu này có thể có đi kèm với nuốt nghẹn, nói ngọng và mất thăng bằng, chóng mặt.

* Yếu: yếu chân, tay là dấu hiệu thường gặp nhất, có nhiều cấp độ khác nhau, từ cảm giác mau mỏi khi vận động, yếu nhẹ cho đến liệt hoàn toàn. Yếu tay kín đáo có thể khiến bệnh nhân làm rớt đồ vật.

Yếu chân có thể gây cảm giác mất thăng bằng, muốn té sang một bên. Một số bệnh nhân có thể tự nhận thấy cử động kém chính xác, gượng gạo. Liệt cơ mặt làm miệng bệnh nhân bị xệ, khi bệnh nhân nói cười, nhe răng... cử động một bên mặt giảm.

Các dấu hiệu trên đôi khi có thể bị nhầm lẫn trong các bệnh lý khác như: động kinh, ngất do nguyên nhân khác, lú lẫn tuổi già, stress tâm lý, bệnh lý thần kinh ngoại biên, rối loạn tiền đình lành tính, thiên đầu thống...

Tuy nhiên, do đột quỵ là bệnh lý cấp cứu, nên nếu có nghi ngờ, bệnh nhân cần đi khám bệnh ngay hoặc nhập cấp cứu ngay, không nên chủ quan, để tự theo dõi tiến triển thêm.

Đột quỵ não trong ngày nắng nóng, người bên cạnh giúp được gì?   - Ảnh 2.

Xử trí khi người thân bị đột quỵ

Đột quỵ là tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu 115. Trong khi chờ đợi cấp cứu, người nhà có thể trấn an bệnh nhân, nhắc họ hít sâu và thở chậm, để bệnh nhân nằm yên, nới rộng cổ áo. Nếu bệnh nhân ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên.

Nếu bệnh nhân ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Chú ý không cạo gió, không xoa bóp, không nặn chanh, không chích máu...

Trong trường hợp không thể chờ xe cấp cứu, nên ưu tiên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có trang bị khí oxy (trạm y tế, bệnh viện quận, huyện) sau đó bệnh nhân sẽ được chuyển tuyến phù hợp.

Đột quỵ não trong ngày nắng nóng, người bên cạnh giúp được gì?   - Ảnh 3.

Cấp cứu ngoại viện cũng là một trong những cách tối ưu hóa, rút ngắn thời gian cấp cứu. Trong ảnh: một túi cấp cứu ngoại viện - Ảnh: T.T.

Để dự phòng đột quỵ, cần phải điều trị tích cực những nguy cơ chính như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch.

Thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực đều đặn, vừa sức là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bị vữa xơ mạch máu và đột quỵ não. Cần tránh căng thẳng trong cuộc sống, trong công việc.

Người đã bị đột quỵ dù là nhẹ nhất, dù không để lại di chứng rõ, vẫn phải duy trì chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, tái khám và điều trị dự phòng tai biến một cách đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, phó trưởng khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trong những ngày nắng nóng vừa qua, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện gia tăng khoảng 20%.

L.ANH

Bệnh viện 115 - đơn vị đầu tiên của châu Á đạt chất lượng vàng điều trị đột quỵ

TTO - Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM chính thức trở thành bệnh viện đầu tiên tại châu Á vinh dự được trao chứng nhận “đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội đôt quỵ châu Âu.

TS.BS TRẦN ĐỨC SĨ (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp