Ở đây có hai vấn đề chủ yếu: đổi mới thi tốt nghiệp THPT và đổi mới thi tuyển đại học.
Hai vấn đề liên quan khăng khít với nhau, không nên giải quyết tách rời nhau. Đáng tiếc chúng ta đã giải quyết riêng rẽ vấn đề thứ hai trước, rồi sau đó mới bàn đến vấn đề thứ nhất. Cách tiếp cận đó dẫn tới quyết định bất ngờ là tiếp tục duy trì thi “ba chung” thêm ba năm nữa, dù kỳ thi này được thừa nhận có nhiều bất cập, không hợp tinh thần đổi mới.
Như vậy từ đây đến năm 2017, tuy có một số thay đổi về tuyển sinh phù hợp quyền tự chủ của các đại học, nhưng nói chung thi và tuyển sinh đại học sẽ không có thay đổi đột phá. Nhiều người lo lắng có vẻ như ngay trong trận ra quân đầu tiên để đổi mới giáo dục chúng ta có phần ngập ngừng, chưa thắng nổi sức ỳ bảo thủ.
Rất may, nếu quyết định về thi đại học chưa giải tỏa được bức xúc của nhiều người, thì trái lại phương án thi và xét tốt nghiệp THPT theo dự thảo vừa mới công bố đã thể hiện được khá rõ quyết tâm đổi mới. Phải nhìn nhận khách quan bản dự thảo này nhìn chung là rất có chất lượng. Với nhiều thay đổi hợp lý có tính đột phá, tôi tin bản dự thảo sẽ được thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đón nhận thuận lợi. Điều này rất đáng mừng.
Đáng mừng hơn nữa là bản dự thảo cho thấy cần quay trở lại vấn đề thi tuyển đại học để xem xét lại quyết định về thi “ba chung”. Thi “ba chung” chẳng qua là một hình thức thi sơ tuyển, chung cho mọi loại trường, để có thể dùng kết quả kỳ thi này làm căn cứ dựa vào đó xét tuyển. Nhưng sau một thời gian những bất cập hiện rõ dần, thi tuyển theo kiểu “ba chung” biến thành một khổ dịch, vừa căng thẳng, tốn kém quá sức chịu đựng của xã hội, vừa khuyến khích cách học nhồi nhét, cả quá trình học thì lơ mơ, sắp đến ngày thi mới chúi đầu chúi mũi học đến mụ cả đầu óc, thi xong mệt nhoài, vào đại học không còn nhuệ khí. Chính vì những điều ấy nên phải đổi mới thi cử làm khâu đột phá để đổi mới giáo dục.
Nay nếu thi tốt nghiệp theo phương án như trong dự thảo thì các kết quả thi tốt nghiệp cùng với kết quả học tập năm cuối (lớp 12) hoàn toàn đủ để có cơ sở xét tuyển đại học mà không cần thi “ba chung”. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thay đổi phương án thi cử theo hướng bỏ thi “ba chung”, chỉ thi tốt nghiệp phổ thông theo phương án như trong dự thảo, đồng thời để kỳ thi này có thể sử dụng vào việc tuyển sinh cho các đại học. Nhưng với hướng đổi mới này cần bổ sung hai điểm: không có miễn thi như trong dự thảo; trong số các môn tự chọn cần thêm cả văn, toán, ngoại ngữ chứ không chỉ có lý, hóa, sinh, sử, địa.
Đề thi hai môn bắt buộc văn và toán không nhằm kiểm tra kiến thức cụ thể, chuyên nghiệp, mà có tính cách kiểm tra hiểu biết tổng hợp, ở khía cạnh văn hóa cơ bản. Còn đề thi văn hay toán với tính cách môn tự chọn thì yêu cầu cao hơn, giống như những môn tự chọn khác.
Làm được như thế thì thi cử sẽ nhẹ nhàng, ít tốn kém và kết quả thực chất hơn. Đương nhiên để có thời gian chuẩn bị thật tốt có thể lùi kỳ thi một tháng sau khi kết thúc niên khóa. Cho dù mới làm lần đầu có thể chưa hoàn toàn suôn sẻ mọi khâu nhưng cái được sẽ lớn hơn nhiều.
Học sinh và phụ huynh sẽ không phải lao tâm phí sức quá đáng vào thi cử, xã hội sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ công sức và tiền của, có thể dùng vào việc khác bổ ích và cấp thiết hơn, chẳng hạn cải thiện chính sách lương cho thầy cô giáo. Đó mới là điều thật sự xã hội đang mong đợi, rất mong ngành giáo dục sẽ không bỏ lỡ cơ hội.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận