Ba năm trước, tỉ giá là 211,88 đồng thì yen đã bị mất giá 24%. Yen yếu thế là lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản có lợi thế cạnh tranh về giá hơn ở nước ngoài, đặc biệt là ô tô bán ở thị trường Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, nó cũng tạo ra gánh nặng về mặt nhập khẩu cho Nhật, đặc biệt về thực phẩm và phân bón. Từ đó, giá thành sản phẩm nội địa Nhật cũng tăng theo, gây áp lực chung cho người dân Nhật Bản và cộng đồng người Việt tại nước sở tại.
Trong tương quan làm ăn với Việt Nam, việc yen yếu thế dẫn đến một số tác động cụ thể đến số đông như chi phí du lịch Nhật Bản tăng mạnh vì chi phí thấp hơn, sức mua của du khách cao hơn khi đến Nhật. Hàng Nhật được nhập khẩu về Việt Nam sẽ được tiêu thụ tốt hơn do tỉ giá quy đổi thấp.
Tuy nhiên, các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ bị đắt lên và xu hướng khó tiêu thụ nhanh tại Nhật. Mặc dù vậy, doanh số xuất khẩu cũng không bị ảnh hưởng nhiều do giao dịch đều được thanh khoản bằng USD nên các doanh nghiệp Việt vẫn phát triển theo hướng tích cực.
Với đời sống cộng đồng người Việt, tỉ giá quy đổi đồng yen thấp khiến cho cộng đồng Việt Nam thất thoát khá lớn khi gửi ngoại tệ về nước. Chính vì vậy, cộng đồng người Việt tại Nhật có xu hướng giữ tiền Nhật để chờ thời điểm lên giá hoặc chuyển qua đầu tư tại Nhật thay vì gửi về Việt Nam. Ngoài ra, trong các kỳ nghỉ dài ngày, xu hướng đi du lịch nước ngoài hoặc về Việt Nam cũng rất e ngại do tỉ giá thấp kéo theo giá vé máy bay tăng, chi phí về nước tăng gấp 1,5-2 lần so với trước đây.
Tóm lại, việc đồng yen mất giá có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với người Việt Nam thông qua việc quy đổi ngoại tệ về Việt Nam để duy trì chi phí trả lương tại các công ty chi nhánh Việt Nam. Chi phí sinh hoạt nội địa Nhật cũng tăng nhưng chậm nên có thể chấp nhận được. Mặt tích cực thì tạo ra du lịch, hàng hóa Nhật Bản rẻ hơn, tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, thu hút đầu tư từ Nhật Bản...
Tại Hàn Quốc, đồng won đã giảm hơn 7% so với đồng USD trong năm nay. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc đồng won mất giá đã kéo theo tình trạng giá hàng hóa và các dịch vụ khác tăng cao tại Hàn Quốc, đời sống sinh hoạt của người Việt Nam tại đây cũng bị ảnh hưởng.
Chị T.T.H. - đã kết hôn và sinh sống tại Hàn Quốc được 14 năm - cho biết thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đều tăng giá. Tiền lương không tăng là mấy nên chi tiêu gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, giá một quả lê trước đây khoảng 2.000 won thì hiện tại lên đến 6.000 - 7.000 won, một quả bí trước đây khoảng 1.200 won thì có thời điểm tăng lên 5.500 won. Một phần do đồng won xuống giá, một phần do thiên tai tại Hàn Quốc thường xuyên xảy ra do biến đổi khí hậu. Từ đó, những chi tiêu cho hoạt động giải trí, đồ dùng cá nhân, sử dụng các dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng hoặc hạn chế đến mức tối đa.
Chị Đ.T.N. - lao động phổ thông đã có năm năm sinh sống và làm việc tại Seoul, Hàn Quốc - cho biết phí giao thông công cộng tăng từ 1.250 won lên 1.400 won/lượt. Bên cạnh đó, tiền thuê phòng trọ cũng gia tăng nhanh chóng từ 270.000 won (năm 2022) lên 300.000 (năm 2023) và hiện nay đã lên đến 350.000 won (khoảng 6,4 triệu đồng). Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như sữa, rau củ... tăng từ 50 - 100%. Tiền lương có tăng nhưng không đáng kể, chỉ từ 9.620 won/giờ lên 9.860 won/giờ.
Tương tự cộng đồng ở Nhật, việc gửi tiền hỗ trợ về cho gia đình cũng gặp khó khăn vì tỉ giá (lúc cao điểm 1 triệu won đổi được 21 triệu đồng, nhưng nay chỉ được hơn 16 triệu đồng). Tiền vé máy bay tăng trên 50% nên có ít người muốn bay về Việt Nam.
Sức ép từ việc đồng won mất giá không chỉ gây ảnh hưởng đến người lao động mà còn có những tác động tiêu cực đến đời sống của các bạn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Đặc biệt, so với nhóm lao động di trú, du học sinh bị giới hạn về thời gian làm thêm cộng với lịch trình học tập dày đặc dẫn đến khó khăn trong việc kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận