Thành quả của một người phụ nữ ở Tây Tạng (Trung Quốc) sau một chuyến săn lùng đông trùng hạ thảo năm 2016 - Ảnh: AFP
Trong suốt nhiều thế kỷ qua, không biết bao nhiêu người ở Trung Quốc và Nepal đã đổ máu trong cuộc tìm kiếm loại đông dược quý này, báo South China Morning Post của Hong Kong mô tả.
Dù không được chứng minh qua bất kỳ bằng chứng khoa học nào, nhưng người ta vẫn nấu đông trùng hạ thảo để uống như trà hoặc thêm chúng vào nồi canh súp để ăn với tin chúng có thể giúp chữa được bá bệnh.
Niềm tin đó đã đẩy giá đông trùng hạ thảo lên trời trong mấy chục năm trở lại đây, có lúc nó được bán với giá gấp ba lần giá vàng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm và thu hoạch đông trùng hạ thảo đang ngày càng khó khăn, không chỉ bởi tình trạng khai thác quá mức.
Để có lý giải rõ ràng cho sự khan hiếm này, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ đã phỏng vấn hàng chục người tìm kiếm và buôn bán đông trùng hạ thảo.
Họ cũng lục lại các tài liệu nghiên cứu khoa học trước đây, bao gồm cuộc điều tra với hơn 800 người tại Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Các điều kiện tự nhiên, khí hậu và vị trí địa lý cũng được bổ sung để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh về sản lượng đông trùng hạ thảo tại khu vực.
"Trong khi những người đi săn lùng đông trùng hạ thảo cho rằng sự suy giảm bắt nguồn từ việc khai thác cạn kiệt, nhưng biến đổi khí hậu mới là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên" - báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Mỹ) kết luận.
Tìm kiếm đông trùng hạ thảo tại Tây Tạng năm 2016 - Ảnh: AFP
Đông trùng hạ thảo hình thành khi ký sinh trùng của một loài nấm cấy vào cơ thể của sâu bướm, giết chết nó từ từ và chỉ có thể được tìm thấy tại các khu vực cao trên 3.500m. Để sinh trưởng, chúng cần những điều kiện đặc biệt với nhiệt độ lạnh buốt xương thường xuyên dưới 0 độ C
Điều kiện này chỉ có thể được tìm thấy tại các vùng bị đóng băng vĩnh cửu. Tuy nhiên, việc mùa đông tại khu vực Himalaya ngày càng ấm dần từ năm 1979 đến 2013 đã thu hẹp khu vực có băng vĩnh cửu, đặc biệt tại Bhutan.
Trên cao nguyên Tây Tạng, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy thảm thực vật tại đây đã không thể dịch chuyển lên cao trước tình trạng nhiệt độ ấm dần từ năm 2004 đến 2014. Điều này cũng khiến những con sâu bướm bị ký sinh mắc kẹt bên dưới, không gặp điều kiện thuận lợi để hình thành đông trùng hạ thảo.
Trước thực tế này, các nhà nghiên cứu Mỹ đã cảnh báo những người sống nhờ vào việc săn lùng và mua bán đông trùng hạ thảo nên chuyển đổi sinh kế nếu không muốn gặp khó khăn trong tương lai gần.
Một phiên chợ đông trùng hạ thảo ở Tây Tạng năm 2016 - Ảnh: AFP
Các dãy núi cao phủ đầy băng tuyết trải dài trên nhiều quốc gia khu vực Trung Á và Trung Quốc từ lâu đã được xem là vùng cực thứ ba của trái đất, sau châu Nam Cực và đảo Greenland. Đây cũng là nơi bắt nguồn của 10 con sông lớn nhất châu Á, có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng tỉ người.
Nhiệt độ của trái đất hiện nay đã nóng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đủ làm tan chảy từ 28 đến 44% băng trên toàn cầu và được cảnh báo sẽ còn tiếp tục nóng hơn nữa, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Sông băng Bạch Thủy, nơi thu hút hàng triệu du khách mỗi năm ở Trung Quốc, là nơi có thể chứng kiến rõ nhất sự thay đổi này. Dòng sông băng nằm gần xích đạo này đã mất hơn 60% diện tích và sụt 250 m từ năm 1982, theo nghiên cứu trên tạp chí địa lý Journal of Geophysical Research năm 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận