Theo ông Trang Sĩ Liêm, nhờ có nguồn tài chính riêng mà kháng chiến có nguồn lực đến thắng lợi - Ảnh: QUỐC VIỆT |
Tuy sau Hà Nội nhưng đồng tiền kháng chiến Nam Bộ ra đời lại rất đa dạng, thậm chí được in thô sơ bằng loại giấy gói đồ mà vẫn được người dân chấp nhận |
Ông TRANG SĨ LIÊM |
Đồng bạc xé đôi và con dấu kháng chiến
“Tuy sau Hà Nội, nhưng đồng tiền kháng chiến Nam Bộ ra đời lại rất đa dạng, thậm chí được in thô sơ bằng loại giấy gói đồ mà vẫn được người dân chấp nhận.
Lực lượng quân sự và mật vụ Pháp tìm mọi cách phá đồng tiền này nhưng không thể nào phá được” - nguyên giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP.HCM Trang Sĩ Liêm nói.
Từ cuối năm 1945 sang năm 1946, người dân Nam Bộ chủ yếu vẫn sử dụng đồng bạc Đông Dương của Pháp. Đây là một trong những thời điểm hiếm hoi dân vùng kháng chiến có thể xé đôi các tờ bạc mệnh giá lớn 100 đồng, 500 đồng mà vẫn mua bán được.
Lý do là trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam đã buộc nhà in tiền Ideo của Pháp phải phát hành các tờ bạc mệnh giá lớn để quân đội Nhật tiêu dùng.
Khi Nhật bại trận rút về nước, một lượng rất nhiều tiền mệnh giá lớn này vẫn ở ngoài thị trường khiến người dân khó tiêu dùng. Không đủ tiền lẻ thối lại, người dân miền Nam xé làm đôi để tự hạ phân nửa mệnh giá tờ bạc.
Khoảng đầu năm 1947, một nhóm cán bộ ra Phú Yên nhận về 20kg vàng và bảy thùng tiền giấy bạc mệnh giá 100 đồng Đông Dương.
Đặc biệt, để huy động nguồn lực trong dân, từ năm 1946 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký các sắc lệnh cho phép Nam Bộ được phát hành các loại công thải (vay của dân), tiếp tục sau đó là các công phiếu, công trái kháng chiến như đã thực hiện ở miền Bắc.
Tùy điều kiện từng vùng, người dân có thể dùng tiền Đông Dương để mua hoặc quy ra lúa, vàng. Thậm chí có tờ công trái còn ghi rõ ràng mệnh giá bằng 500kg thóc với phần lãi sẽ trả bên dưới.
Về phía Pháp, sau khi nổ súng tái chiếm Sài Gòn đã tung ra ngay đòn tài chính đầu tiên bằng cách lệnh cho Ngân hàng Đông Dương ngừng cấp tiền cho Sở Ngân khố Việt Minh từ cuối tháng 10-1945.
Sau đó, họ lại tiếp tục tuyên bố không thừa nhận các loại tờ bạc Đông Dương mệnh giá lớn do phát xít Nhật ép Pháp phát hành. Một đòn tài chính đánh thẳng vào nền kinh tế vùng kháng chiến.
Ông Liêm kể để đối phó lại, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ đã nghĩ ra cách đóng dấu lên các tờ bạc này dòng chữ “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”. Người đề xuất ý kiến là luật sư Nguyễn Thành Vĩnh.
Bất cứ tờ bạc nào có con dấu đó đều được xem là hợp pháp và được mua bán bình thường ở vùng tự do.
Tờ bạc Đông Dương xé làm đôi xài được ở vùng kháng chiến - Ảnh: TSL |
In tiền Nam Bộ
Đầu năm 1948, Nam Bộ được trung ương chấp thuận cho tự ấn loát và phát hành các tờ bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 và 100 đồng riêng. Chúng được gọi chung là “giấy bạc Việt Nam” để phân biệt “giấy bạc trung ương” do miền Bắc phát hành.
Theo ông Nguyễn Thành Thơ - nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, việc miền Nam tự in đồng tiền riêng là một bước ngoặt rất quan trọng.
Nó không chỉ tránh được tình trạng chậm trễ, bấp bênh và nguy hiểm của đường chuyển tiền từ miền Bắc vào Nam, mà còn giúp thu phục được nhân tâm.
Chính những tờ bạc này đã giúp tăng thêm sức mạnh và uy tín chính quyền kháng chiến trong lòng dân.
Ông Thơ kể: “Tụi tui đi qua tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, thấy người dân đặt mấy tờ bạc của mình lên bàn thờ để thờ cúng rất trang trọng. Về sau lính Pháp bố ráp tìm thấy, dân trả lời: Không biết tiền gì. Lượm được thì để lên đó chơi”.
Cơ sở in tiền kháng chiến Nam Bộ đầu tiên đặt ở Đồng Tháp với tên gọi Ban ấn loát đặc biệt và mật danh là Ban trồng tỉa số 10. Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, bộ trưởng Bộ Canh nông, phái viên được Chính phủ cử vào Nam làm trưởng ban này.
Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ và kỹ sư Kha Vạn Cân làm phó ban. Ủy viên là các ông Huỳnh Văn Gấm, Lê Thiên, Ngô Văn Hoa...
Theo ông Trang Sĩ Liêm, cơ sở hoạt động thời điểm ấy gần như bắt đầu từ con số 0. Hầu hết đều xuất phát từ nguồn ủng hộ của nhân dân, điền chủ và nhân sĩ ủng hộ kháng chiến, trong đó có cả vàng của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh.
Các máy in typo, offset được giúp tìm mua từ nội thành Sài Gòn, rồi bí mật chuyển bằng đường ghe về Đồng Tháp.
Đặc biệt, các họa sĩ vẽ mẫu tiền do lực lượng kháng chiến vận động, bí mật mời từ nội thành Sài Gòn - Gia Định ra chiến khu như Huỳnh Văn Gấm, Sáu Hộ, Lê Ba, Trần Ngọc...
Một số người đi trước lại tiếp tục mời thêm bạn bè của mình về Đồng Tháp. Trong đó, Sáu Hộ là một giảng viên nổi tiếng khắc chạm đồng, đá ở Trường Mỹ thuật Gia Định.
Ngoài nhóm họa sĩ vẽ tiền, các kỹ thuật viên in offset như Đinh Nhân Quý, Nguyễn Văn Thông, Lê Thân, Hoàng Ngọ và thợ làm bản kẽm Dao Cẩm Thiếm, thợ khắc Bùi Văn Trừng, thợ cơ khí Lê Văn Xinh, Ba Gia cũng lần lượt vào Đồng Tháp Mười để trực tiếp tham gia việc in tiền kháng chiến.
Riêng ông Trang Sĩ Liêm đang làm thủ quỹ ở Văn phòng 1 Xứ ủy thì được điều về Sở Ngân khố Nam Bộ, theo sát công việc in ấn và phát hành tiền cho đến năm 1954.
Tờ bạc 100 đồng Đông Dương có dấu Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ để sử dụng ở vùng kháng chiến - Ảnh: TSL |
Tờ bạc kháng chiến có chân dung Hồ Chí Minh Mặc dù đội ngũ nhân lực chuyên môn chắp vá và máy móc in ấn lạc hậu, phải quay tay, đạp bằng chân nhưng tờ bạc kháng chiến đã nhanh chóng ra đời ngay trong năm 1948. Những tờ bạc đầu tiên in tại chiến khu Đồng Tháp có mệnh giá 1 đồng, 5 đồng và 20 đồng... Tiền đều có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc, trên đầu là dải chữ Việt Nam dân chủ cộng hòa, bên dưới in lớn chữ Giấy bạc Việt Nam để phân biệt với tiền từ miền Bắc gửi vào. Tốc độ in ấn được thực hiện khá nhanh. Chỉ đến đầu năm 1949, hơn 325 triệu đồng bạc kháng chiến Nam Bộ đã được in ấn và phát hành từ Đồng Tháp. Thời kỳ đầu có mệnh giá 1 đổi 1 với tờ bạc Đông Dương của Pháp, đây cũng là thời điểm mà giá lúa khu vực này chỉ có 1 đồng/giạ 20kg. |
Kỳ 1: Kỳ 2: |
>> Kỳ tới: Bắn phá nhà máy in tiền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận