18/10/2020 12:05 GMT+7

Đồng Tháp hội quán giúp nông dân nghĩ mới làm mới

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Tính từ ngày hội quán đầu tiên ra đời mang tên Canh Tân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào năm 2016, tính đến nay Đồng Tháp đã có tròn 100 hội quán với 100 cái tên khác nhau...

Đồng Tháp hội quán giúp nông dân nghĩ mới làm mới - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Những, chủ nhiệm Tâm Quê hội quán và cũng là người tiên phong hình thành tổ hợp tác "trồng xoài vì giống nòi" - Ảnh: NGỌC TÀI

Nước tới chân rồi, cần đến tinh thần cộng đồng, trước hết là tinh thần hợp tác với nhau. Hợp tác tạo ra nguồn lực nhiều hơn.

Ông LÊ MINH HOAN

Khác nhau cái tên nhưng mục đích thì giống nhau, hội quán là nơi cho nông dân ngồi lại với nhau cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương bàn cách nghĩ mới, làm mới.

Nhìn lại sáng kiến này sau 3 năm với 100 hội quán ra đời, ông Lê Minh Hoan (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, vừa được điều ra trung ương làm thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn) nói như reo vui: "Mô hình này giúp Đồng Tháp có thêm nhiều nông dân chuyên nghiệp, giỏi giang".

Gắn kết nông dân

"Trồng xoài vì giống nòi" vừa là tiêu chí mà cũng là niềm vui mỗi ngày của những nông dân trồng xoài ở Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh). Theo đó, phương thức sản xuất gồm sản xuất phân hữu cơ như phân đạm thì làm từ cá, ốc; kali thì làm từ chuối… Ngoài cung cấp đa lượng cho cây thì chế phẩm còn tạo hệ vi sinh cho đất.

Ông Đặng Văn Những, chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, tuyên bố: "Ông nào làm biếng là không làm được đâu, lúc trước xoài bệnh chạy cái vèo đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua về xịt cái là xong, còn giờ phải ủ chế phẩm, thăm mỗi ngày. Siêng là một chuyện, rồi còn phải bền chí xoài sẽ từ từ phát triển, sâu bệnh sẽ vơi dần".

Ông Đặng Phụng Đức, Tâm Quê hội quán, cũng rất tâm đắc với hành trình gian nan mà hạnh phúc này. "Nói nào ngay, mần cái này không ai kiểm tra mình, mà tự mình làm bằng cái tâm. Và trái ngọt với anh em trong tổ không chỉ là nông sản bán được giá mà còn thấy vui vẻ, tự tin quảng bá trái xoài quê hương cho bạn bè khắp nơi", ông Đức nói.

Những hội quán ở Đồng Tháp đã giúp nông dân không còn "lủi thủi" làm một mình mà cùng nhau bàn bạc, giúp nhau trong sản xuất, vừa giảm chi phí rồi nâng chất lượng, tạo ra vùng nguyên liệu lớn.

Nông dân cũng chủ động tìm và sản xuất theo tín hiệu thị trường, từ đó mạnh dạn đàm phán với thương lái, doanh nghiệp, thậm chí đưa nông sản xuất khẩu, tiến vào các chuỗi siêu thị lớn như câu chuyện của trái mận ở Lai Vung, trái nhãn của Châu Thành, trái ổi, chanh, xoài Cao Lãnh…

Phát triển quê mình

Vào hội quán, nông dân còn bắt tay nhau làm du lịch cộng đồng, bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, mỗi người một việc giúp diện mạo nông thôn không còn rác. Rồi con đường quê hiện diện nhiều khóm hoa, hàng rào xanh mướt…

Thông qua những buổi tập huấn về nghiệp vụ du lịch, nông dân không chỉ phát huy nét bình dị, nhiệt tình, mến khách vốn có mà còn ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc giới thiệu những đặc sản quê nhà, giúp du khách có những trải nghiệm khó quên…

Cùng tháp tùng một nhóm du khách từ TP.HCM về Đồng Tháp để tìm không khí trong lành thôn quê, anh Tiến Dũng đã tấm tắc khen sự tinh tế, nhiệt tình của ông chủ vườn xoài Lê Phước Tánh.

Đến đây, du khách sẽ được tận tay hái, thưởng thức xoài chín cây, được ông Tánh hướng dẫn cách bao trái xoài, hướng dẫn cách nấu sirô mát ngọt từ trái sirô đỏ mọng.

Còn về gia chủ thì niềm vui mang về cũng không hề nhỏ: "Làm du lịch vì thấy thích có khách khứa đến nhà, thích giới thiệu với họ về quê mình. Rồi xóm giềng cũng gắn kết khi làm du lịch cộng đồng, người giữ xe, người mang ít cây trái trong vườn bày bán, người làm nghề dỡ chà, bắt cá cũng có thêm công việc từ du lịch".

Đồng Tháp hội quán giúp nông dân nghĩ mới làm mới - Ảnh 3.

Ngoài việc họp mặt định kỳ hằng tháng, những lúc có sự kiện lớn, chuyên đề... cấp tỉnh, tất cả hội quán ở Đồng Tháp sẽ sinh hoạt trực tuyến - Ảnh: NGỌC TÀI

Nông dân hợp tác là vô cùng bức thiết

Người được nông dân nhắc đến bằng cái tên đầy cảm tình "người đỡ đầu" cho hội quán chính là ông Lê Minh Hoan. Ông cho rằng giúp nông dân ngồi cùng nhau trên tinh thần hợp tác, vì lợi ích cộng đồng trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ bức thiết.

"Tinh thần "bán anh em xa, mua láng giềng gần" bị cản trở bởi nếp nghĩ "đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy làm". Dường như tất cả chung quy lại do cách nghĩ chia phần chiếc bánh, người khác mà ăn thì mình phải nhịn sao. Chưa kể là sĩ diện, là "chiếu trên, chiếu dưới", nhưng cách xử lý xung đột không thể chỉ dựa vào cái lý khô khan vì một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", ông Hoan chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Hoan, thị trường cũng là "chiến trường", người ta đang cạnh tranh nhau bằng tri thức mới, bằng công nghệ mới, bằng phương thức mới.

"Người ta thành công không còn theo lối nghĩ "lấy cần cù bù thông minh" nữa. Nước tới chân rồi, cần đến tinh thần cộng đồng, trước hết là tinh thần hợp tác với nhau. Hợp tác tạo ra nguồn lực nhiều hơn", ông Hoan đúc kết.

Mỗi hội quán có thể là tập hợp những người với nghề nghiệp khác nhau, nhiều ít khác nhau, nhưng tất cả đều dựa trên tinh thần cộng đồng và vì cộng đồng.

"Cái không gian hội quán bình dị hôm nay là để hướng tới những mục tiêu lớn lao sau này, đó là: Hướng mỗi người biết gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của cộng đồng, biết tạo ra sức mạnh cộng đồng để thích nghi, ứng phó với những biến cố xảy ra mà không ai có thể lường trước được", ông Hoan nhắn nhủ.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 22 hợp tác xã (HTX) và nhiều tổ hợp tác từ hoạt động của mô hình Hội quán nông dân, góp phần lớn trong việc tiêu thụ nông sản cho người dân.

Nổi bật như HTX xoài Mỹ Xương xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Hay HTX Chanh Bình Thạnh đã bán được sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối tại TP.HCM.

Đồng Tháp và những dấu ấn

Đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 6,44%, GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng, tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,57%, các ngành hàng chủ lực của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, thu hút gần 50 dự án đầu tư, với hơn 5.300 tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Đó là những con số biết nói, thể hiện sự phát triển của Đồng Tháp trong 5 năm qua.

Ngoài ra, các mô hình "Cây xoài nhà tôi", "Cây cam vườn tôi", "Ruộng nhà mình"… chứng minh nông dân dần chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp". Phát triển nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, các điểm tham quan trải nghiệm nông nghiệp…

Đồng Tháp 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2019 đứng thứ 2 cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Giữ vững top 3 chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

Đồng Tháp có thêm thành phố Hồng Ngự giáp Campuchia Đồng Tháp có thêm thành phố Hồng Ngự giáp Campuchia

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp theo đề nghị của Chính phủ.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp