Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi thăm một khu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Đồng Tháp - Ảnh: TIẾN LONG
Câu hỏi này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt với tỉnh Đồng Tháp chiều 17-9.
Có cách nào để dịch giảm nhanh hơn?
Mở đầu buổi làm việc, Phó thủ tướng đánh giá nhìn biểu đồ thì xu hướng dịch của Đồng Tháp có chiều hướng giảm, nhưng giảm chậm.
Ông Đam yêu cầu Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đánh giá và đặt câu hỏi "có cách nào để làm cho dịch bệnh tại Đồng Tháp giảm nhanh hơn không?".
Trả lời Phó thủ tướng, ông Bửu cho biết trải qua ba lần xét nghiệm diện rộng, tỉ lệ ca F0 trên số mẫu tại Đồng Tháp đã giảm từ 0,059% ở đợt 1 xuống còn 0,02% ở đợt 2 và còn 0,014% ở đợt 3.
Sắp tới Đồng Tháp sẽ xét nghiệm đợt 4, chắc tiếp tục giảm. Năng lực xét nghiệm của Đồng Tháp hiện khoảng 6.500 mẫu/ngày, có ngày cao hơn, theo ông Bửu là đáp ứng đủ.
Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá lẽ ra tỉ lệ này phải còn giảm mạnh hơn nếu việc sàng lọc tầm soát tốt hơn nữa.
"Có lẽ do giãn cách quá rộng, chưa hiệu quả, ngoài chặt trong lỏng. Nhà dân san sát nhau, thiếu chai nước tương, chai dầu ăn lại qua xin nhau nên không chặn lây lan được triệt để. Đó là thất bại trong giãn cách", ông Bửu nói.
Tiếp nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nói thêm có lý do bỏ sót trong xét nghiệm, thứ hai là kiểm soát người ngoài tỉnh về gần đây có lúc chưa chặt.
Ông Phong nêu ngay ví dụ về việc 15 đám ma, trong đó có đám ma của người mất được đưa từ TP.HCM về, đã làm lây lan hơn 200 ca dương tính.
"Đó là lý do vì sao Đồng Tháp cứ lai rai dính miết. Nếu mình làm siết với nhau thật mạnh thì không như vậy, còn năng lực y tế Đồng Tháp không thua ai trong Đồng bằng sông Cửu Long", ông Phong thẳng thắn.
Ông Lê Quốc Phong cũng đánh giá có tình trạng lây chéo trong khu cách ly. Nhất là giai đoạn đầu, đưa người vào cách ly cấp tập, không phân loại kịp nên lây lan nhiều. Rồi có việc nhân nhượng đưa gia đình vào cùng một phòng, trong khi nguy cơ mỗi người là khác nhau.
Hoặc có cả những khu cách ly không đủ thoáng khí, như ở huyện Châu Thành khu cách ly hơn 44 người thì hai tuần mắc hết, do cách ly trong một khu nhà sinh hoạt văn hóa không có đủ cửa sổ, bị bít kín… Đó là vì sao Đồng Tháp cứ "lai rai, lầy nhầy" không kết thúc được.
Không chỉ Đồng Tháp mà các tỉnh trong khu vực, luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị tình huống mở ra rồi nhưng phải liên tục trực chiến vì dịch có thể trở lại bất cứ khi nào. Nếu dịch quay lại phải phát hiện thật nhanh, sau đó khoanh lại dập dịch. Cảnh giác thật cao, khoanh vùng thật nhanh, dập dịch thì không lan rộng ra.
PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM
Tổ chức lại xét nghiệm, phong tỏa diện hẹp
Phó thủ tướng đánh giá một tháng nay Đồng Tháp dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh, 2 tuần gần đây số ca F0 cộng đồng giảm. Ông Đam lần nữa nói đến việc thời gian giãn cách xã hội tương đối lâu, lực lượng chống dịch, nhân dân và doanh nghiệp cũng mệt mỏi.
Do vậy, ông đề nghị Đồng Tháp tranh thủ thời gian xét nghiệm, phát hiện sớm, bóc tách F0 để điều trị sớm, nhanh chóng quay lại sản xuất. Trong đó, ông Đam lưu ý Đồng Tháp phải kiểm tra chặt chẽ hơn người về vùng dịch bất kể hình thức nào.
Ông nhấn mạnh Đồng Tháp phải quán triệt tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để bất kỳ ai về cũng phải khai báo. Nếu để sót lọt, không chỉ cấp ủy, công an mà các gia đình cũng phải chịu trách nhiệm.
Phó thủ tướng lưu ý Đồng Tháp chấn chỉnh việc cách ly tập trung, hạn chế việc lây chéo. Tại hơn 80 khu phong tỏa hiện nay, Đồng Tháp cần sáng tạo tổ chức lại việc xét nghiệm, phong tỏa diện hẹp.
Nếu chưa xác định được tạm thời phong tỏa rộng, sau đó xét nghiệm nhiều lần. Khu nào xanh thì dần mở lại hoạt động, tinh thần từng bước chắc chắn, nhưng cũng phải mạnh dạn.
"Hiện nay dịch đã nhiễm sâu rồi, việc đặt ra hàng đầu là sẵn sàng cả hệ thống chống dịch, chỉ đến khi cả nước hết dịch mới hết trực chiến. Luôn luôn tuyên truyền người dân dù xanh rồi cũng phải 5K. Chuẩn bị sẵn sàng năng lực xét nghiệm, kể cả khi dịch ổn rồi vẫn phải tầm soát trong cộng đồng định kỳ", ông Đam nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận