11/11/2017 13:46 GMT+7

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo

THỤC NGHI
THỤC NGHI

TTO - Ngày 11-11, Công thủ đạo chính thức ra mắt, từ đây cho thấy động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của bộ phim Công thủ đạo.

Trailer Công thủ đạo - phim sẽ ra mắt 23h ngày 11-11 trên Youku

Là người sáng lập Tập đoàn Alibaba, Jack Ma đã từng nhảy qua điệu nhảy kinh điển của Micheal Jackson, đóng giả Lady Gaga, làm ca sĩ song ca với Vương Phi và bắt đầu từ ngày 11-11 (ngày Độc thân), ông có thêm vai trò diễn viên - nam chính trong bộ phim ngắn Công thủ đạo.

Ngày 11-11 năm nay, cư dân mạng còn nóng lòng "hóng" bộ phim Công thủ đạo do Jack Ma đầu tư sản xuất kiêm nam chính, quy tụ 11 ngôi sao võ thuật hàng đầu của điện ảnh Hoa ngữ như: Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh, Hồng Kim Bảo… được phát trên kênh Youku.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 2.

Bộ phim Công thủ đạo quy tụ 11 ngôi sao võ thuật hàng đầu của điện ảnh Hoa ngữ: Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh, Hồng Kim Bảo… - Ảnh: Weibo

Tuy nhiên, cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc cho rằng việc tỉ phú Jack Ma ấn định ngày công chiếu bộ phim Công thủ đạo vào ngày 11-11 là có mục đích, động thái của ông chẳng khác nào "châm ngòi" cho chiến dịch siêu sale của trang mua sắm trực tuyến của công ty ông vào ngày Độc thân hằng năm.

Năm 2009, Alibaba phát động phong trào siêu sale vào ngày 11-11 hằng năm, suốt 7 năm qua các giao dịch mua sắm trên Taobao, Tianmao vào ngày này đều tăng vọt, điển hình là doanh thu giao dịch trong ngày 11-11-2015 đạt 91,2 tỉ CNY, năm 2016 đạt 120,7 tỉ CNY.

Độ hot của đợt siêu giảm giá ngày 11-11 cao đến mức thúc đẩy các doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc "chạy đua" tung chương trình khuyến mãi giảm giá vào ngày này.

Ngày 11-11 vốn là ngày Độc thân theo ý nghĩa truyền thống, nhưng nay đã bị biến tướng thành dịp lễ shopping trực tuyến ở Trung Quốc.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 3.

Năm 2009, Alibaba phát động phong trào siêu sale vào ngày 11-11 hằng năm trên trang mua sắm trực tuyến Taobao - Ảnh: Alibaba

Tính cách "nghĩa hiệp" của tỉ phú Jack Ma

Được biết đến là một tỉ phú, doanh nhân thương mại điện tử nhưng từ trước đến nay, Jack Ma luôn muốn vượt rào để thử sức trong các "vai trò" khác nhau.

Ông từng nói sáng lập ra Alibaba là điều mà ông hối hận nhất, công việc điều hành đã "tước đoạt" hết thời gian của ông, khiến ông không còn làm được những việc khác.

Lời phát biểu của Jack Ma đã từng trở thành đề tài "bông đùa" của người dân Trung Quốc, nhưng bất kể người khác nghĩ thế nào, mấy năm qua Jack Ma vẫn không ngừng thử sức trong các lĩnh vực khác ngoài việc kinh doanh.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 4.

Từ niềm đam mê Thái Cực quyền, tỉ phú Jack Ma đã cải biến Thái Cực thành môn Công thủ đạo - Ảnh: weibo

Nickname trên trang cá nhân Weibo của Jack Ma là Người đại diện giáo viên nông thôn, chức vụ là chủ tịch hội đồng quản trị toàn cầu của Hiệp hội bảo vệ tự nhiên TNC.

Năm 2016, sau khi tỉ phú Jack Ma trao giải thưởng thiện nguyện cho Kế hoạch Giáo viên nông thôn, thời điểm đó nhạc sĩ Cao Hiểu Tùng đã dùng cụm từ "Mơ về nơi xa" để hình dung về hoài bão của Jack Ma.

Trong hoài bão "Mơ về nơi xa" của tỉ phú Jack Ma có chất chứa một ước mơ "võ hiệp". 17 năm trước, trong nhà hàng Dung Ký ở Hong Kong, Jack Ma đã gặp được thần tượng Kim Dung mà ông luôn sùng bái.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 5.

Tỉ phú Jack Ma đã gặp được thần tượng Kim Dung mà ông luôn sùng bái - Ảnh: YouTube

Jack Ma và nhà văn Kim Dung cùng bàn luận với nhau từ thơ ca đến triết lý cuộc sống, bàn luận giang hồ, phần mềm IT, Thái Cực quyền, Độc Cô Cửu Kiếm, Phong Thanh Dương...

Vốn chỉ dự định ở lại một giờ, rốt cuộc đã hàn huyên suốt 3 giờ đồng hồ, thậm chí hai người đã trở thành bạn vong niên.

Nhà văn Kim Dung tự tay viết "Thần giao dĩ cửu, nhất kiến như cố" để tặng nhà tỉ phú, còn đặt cho Jack Ma biệt hiệu Mã Thiên Hành, ý chỉ thiên mã đi trên mây nhưng chưa bao giờ bị hụt chân.

Năm 2004, Kim Dung đã tự tay viết "Bảo vật có thể không mua, chữ tín không thể từ bỏ" để tặng cho trang mua sắm trực tuyến Taobao của Alibaba.

Tỉ phú Jack Ma từng nói tinh thần võ hiệp của Kim Dung có ảnh hưởng sâu sắc đối với ông và văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Alibaba.

Vào thời mới sáng lập doanh nghiệp, trong số 18 cổ đông Alibaba đã có 16-17 người vô cùng yêu thích tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung bởi trí tưởng tượng phong phú, chủ nghĩa lãng mạn và tinh thần nghĩa hiệp.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 6.

10 năm qua, Jack Ma đã cùng Lý Liên Kiệt từng bước mày mò, thử nghiệm, cuối cùng cho ra đời môn Công thủ đạo - Ảnh: weibo

"Tinh thần nghĩa hiệp, thay trời hành đạo, xóa bỏ những bất công trong xã hội, đã ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân tôi, cũng ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của Alibaba, tôi cho rằng là đàn ông nhất định phải đọc tiểu thuyết Kim Dung" tỉ phú Jack Ma chia sẻ về cảm nhận của ông đối với tinh thần võ hiệp Kim Dung.

Trên mức độ nào đó võ hiệp đã thể hiện thế giới tinh thần của Jack Ma, trong Công ty Alibaba, ông có biệt danh Phong Thanh Dương, phòng vệ sinh gọi là Thính Vũ Hiên, phòng họp gọi là Quang Minh Đỉnh, văn phòng gọi là Đào Hoa Đảo, phòng sáng tạo gọi là Đạt Ma Viện.

Thật ra, Jack Ma không chỉ một lần đem văn hóa võ hiệp vào Alibaba, mà còn xây dựng một "giang hồ" của riêng mình để kết nối giữa tinh thần và hiện thực.

Thái Cực quyền và Alibaba

Ngoài tinh thần võ hiệp, Jack Ma còn có niềm đam mê cháy bỏng đối với Thái Cực quyền, ông từng nói hy vọng một ngày nào đó, khi mọi người nhắc đến Jack Ma sẽ nghĩ ngay đến một đại sư Thái Cực quyền, sau đó mới nói ông là người sáng lập Alibaba, Taobao…

Trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, Thái Cực quyền do Trương Tam Phong sáng lập, chủ yếu dùng nhu khắc cương, phong cách quyền thuật nhẹ nhàng uyển chuyển như nước có thể giúp người tập luyện dần đạt đến cảnh giới ý, khí, hình, thần hợp nhất.

Jack Ma yêu thích môn Thái Cực quyền, còn việc ông đạt đến trình độ nào thì theo ông tự đánh giá là "Tập luyện đã lâu nhưng chỉ là nghiệp dư".

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 8.

Jack Ma và Chân Tử Đan trên poster của Công thủ đạo

Năm 2009, sau 10 năm Alibaba ra đời và ổn định, Jack Ma mong muốn việc kiếm tiền và sở thích đều không bị bỏ lỡ nên đã bắt đầu tìm kiếm các bậc sư phụ Thái Cực quyền giỏi nhất ở Trung Quốc.

Trước khi bái Vương Tây An - truyền nhân đời thứ 19 của Trần thị Thái Cực quyền Trần Gia Câu ở Hà Nam, Jack Ma đã theo 9 sư phụ học Thái Cực quyền.

Hiện nay, vệ sĩ thân cận duy nhất của Jack Ma chính là Lý Thiên Kim - đệ tử của Vương Tây An, vệ sĩ này đã từng đỡ đạn cho Jack Ma khi ở Mỹ nên ông đối đãi với ân nhân vô cùng hậu hĩnh.

Không chỉ bản thân yêu thích Thái Cực quyền mà Jack Ma còn đem văn hóa Thái Cực quyền vào Alibaba. 

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 9.

Jack Ma và Ngô Kinh trên poster của Công thủ đạo

Năm 2009, ông tổ chức khóa học Thái Cực quyền cho các nhân viên trong công ty, Thái Cực quyền được xem là khóa huấn luyện bắt buộc của các nhân viên Alibaba.

Đối ngoại, Jack Ma cùng Vương Chiêm Hải - con trai của sư phụ Vương Tây An và Lý Liên Kiệt cùng thành lập Công ty TNHH phát triển văn hóa Thái Cực Thiền quốc tế, chủ yếu mở các lớp đào tạo.

Khi các phóng viên nước ngoài hỏi Jack Ma đã làm thế nào để sáng lập và quản lý văn hóa Alibaba, câu trả lời của ông luôn là "Đạo lý Thái Cực, văn hóa Thái Cực".

Có thể nói, văn hóa võ hiệp, văn hóa Thái Cực đã đi sâu vào trong xương tủy của Jack Ma.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 10.

Jack Ma và Triều Thanh Long trên poster của Công thủ đạo

Mục đích của Công thủ đạo

10 năm trước, Jack Ma từng nói với Lý Liên Kiệt: Các công ty tương lai có 3 hướng phát triển quan trọng, một là sức khỏe, hai là văn hóa, ba là thể thao, đây sẽ là động lực mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, điều mà Jack Ma và Lý Liên Kiệt bàn luận không phải là làm thế nào để trục lợi từ những công ty này, mà là biến những nhu cầu của công ty thành công ích, trong quá trình đó Jack Ma đã nghĩ đến môn võ thuật mà ông yêu thích - Thái Cực.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 11.

Jack Ma và Hồng Kim Bảo trên poster của Công thủ đạo

Đối với giới trẻ hiện nay, văn hóa Thái Cực chính là Thái Cực quyền, là những động tác dưỡng sinh của các ông bà già, còn võ hiệp cũng thuộc về thế giới điện ảnh và văn học, thế giới hiện thực không cần đến chúng.

Khi võ thuật truyền thống và hiện thực giao thoa, phản ứng nhiều nhất của mọi người là nghi ngờ và lo ngại, nhất là khi võ thuật truyền thống đang dần bị mai một và biến mất.

Trong tình cảnh đó, tỉ phú Jack Ma đã nghĩ đến việc biến võ thuật truyền thống thành một môn thể thao toàn dân, môn thể thao cấp quốc tế, sau đó giới thiệu cho cả thế giới biết để cùng nhau tham gia.

10 năm qua, Jack Ma đã cùng Lý Liên Kiệt từng bước mày mò, thử nghiệm, cuối cùng cho ra đời môn Công thủ đạo.

Cái tên Công (chữ công trong "công thủ") thủ đạo là do Jack Ma nghĩ ra, ban đầu Lý Liên Kiệt kiến nghị đặt tên là Công (chữ công trong "tấn công") thủ đạo, nhấn mạnh tấn công và phòng thủ là một thể.

Nhưng, Jack Ma cho rằng người Trung Quốc chú trọng phòng thủ hơn, chúng ta khởi nguồn từ văn minh nông nghiệp, do đó hai chữ "công thủ" phù hợp truyền thống hơn.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 12.

Jack Ma và Lưu Thừa Vũ trên poster của Công thủ đạo

"Rất xin lỗi vì điều mà mọi người chú ý đến là một bộ phim, nhưng thành phẩm thật ra là một cuộc thi. Công thủ đạo là môn thể thao hoàn toàn mới được phát triển trên cơ sở của môn Thái Cực truyền thống" Lý Liên Kiệt nói.

Ngày 9-10 năm nay, khóa huấn luyện đầu tiên của Công thủ đạo đã diễn ra ở Bắc Đẩu Tinh Thành, cuộc thi Công thủ đạo sẽ chính thức tổ chức ở Bắc Kinh, vào ngày 15-11.

Thật ra, Công thủ đạo được cải biến từ Thái Cực thôi thủ, có quy tắc đơn giản hóa, áp dụng cơ chế 3 hiệp đấu, mỗi hiệp kéo dài 2 phút, thời gian nghỉ giải lao 1 phút, dẫn trước 15 điểm giành chiến thắng, thông qua các kỹ thuật chính: bằng, loát, tễ, án, thái, liệt, trửu, kháo… để đạt đến mục đích chế ngự người, mà không bị người chế ngự.

Lý Liên Kiệt nói, Thái Cực quyền là phiên bản 1.0, Thái cực thôi thủ là phiên bản 2.0, Công thủ đạo chính là phiên bản 3.0, chính là đem Thái Cực từ mặt phẳng làm thành lập thể.

Chia sẻ ý tưởng sáng lập Công thủ đạo, Lý Liên Kiệt nhấn mạnh 16 chữ "Biết ơn sâu sắc, dũng cảm đảm đương, vui vẻ chia sẻ, quên mình vì người".

Đặc biệt, Công thủ đạo là môn thao không hạn chế về tuổi tác, từ người trung niên 50 tuổi trở lên đến học sinh trung học mười mấy tuổi, đều có thể tham gia tập luyện.

Điều mà Công thủ đạo theo đuổi là duy trì đối kháng, nhưng không gây thương tổn trực tiếp cho thân thể đối phương.

Lý Liên Kiệt nói, mục tiêu cuối cùng vẫn là biến Công thủ đạo và Thái Cực thành môn thể thao chính thống, sau đó tiến hành toàn cầu hóa, tiếp nữa là tham gia Thế vận hội, hướng đến ước mơ Olympic.

Động thái của tỉ phú Jack Ma và mục đích của Công thủ đạo - Ảnh 13.

Jack Ma và Trứu Thị Minh trên poster của Công thủ đạo

Việc đưa một môn thể thao hoàn toàn mới vào hạng mục thi đấu trong Thế vận hội không phải là chuyện dễ dàng, nhưng Jack Ma đang nắm trong tay quyền phát ngôn của Thế vận hội, đây chính là con cờ lớn nhất của ông.

Tháng 1-2017, Tập đoàn Alibaba và Hội liên hiệp Olympic quốc tế đã ký bản thỏa thuận hợp tác kéo dài 12 năm được chia làm 3 giai đoạn, trở thành đối tác đẳng cấp toàn cầu của Olympic.

Lý Liên Kiệt nói, trên con đường quảng bá Công thủ đạo, bản thân ông giống như một hòa thượng quét sân, quét sạch các trở ngại để dọn đường cho người đi sau.

Còn Jack Ma như chiếc xe ủi đất, đem mơ ước của chúng tôi dùng niềm tin và tài nguyên của ông, mở ra con đường chưa có lối đi.

Công thủ đạo có thật sự trở thành môn thi đấu trong Olympic hay không vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng giấc mơ võ hiệp của tỉ phú Jack Ma cuối cùng đã thành hiện thực.

THỤC NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp