Nhạc sĩ Trần Tiến trong phim tài liệu Màu cỏ úa - Ảnh: ĐPCC
Sau tranh cãi về Em và Trịnh, có lo ngại rằng phim chân dung về nhân vật có thật sẽ chững lại vì đề tài này quá khó và sức ép dư luận luôn rất lớn.
Đâu rồi phim về những nhạc sĩ lừng lẫy?
Nói về phim chân dung, đạo diễn Lan Nguyên - người làm phim Màu cỏ úa về nhạc sĩ Trần Tiến - cho rằng đây là dòng phim quan trọng, xứng đáng để theo đuổi.
Nữ đạo diễn nói với Tuổi Trẻ: "Dòng phim chân dung rất cần thiết. Chúng ta có một thế hệ nhạc sĩ lừng lẫy đã qua đời: nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Phó Đức Phương của "bộ tứ sông Hồng", nhạc sĩ Phạm Duy... - những người rất xứng đáng nhưng chưa có bộ phim nào về họ được phát hành".
Các nhà làm phim hãy kiên cường để có những tác phẩm tốt về những nhân vật văn hóa lớn - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Lan Nguyên chọn làm phim tư liệu và mất 5 năm để theo đuổi nhân vật, trải qua rất nhiều khó khăn và nơm nớp lo lắng khi phim ra rạp. Cuối cùng, cô cảm thấy nỗ lực của mình được đền đáp khi có những khán giả rất trẻ, trước đó chưa biết đến nhạc sĩ Trần Tiến, cũng xúc động và tìm nghe nhạc của ông sau khi xem phim.
Hầu hết nhân vật trong Màu cỏ úa đều còn sống (trừ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người anh thân thiết của Trần Tiến).
Nhờ đó, Lan Nguyên may mắn khi phim có nhiều chia sẻ của nhân vật chính - nhạc sĩ Trần Tiến - lẫn những người sống quanh ông, và phim được ông ủng hộ khi ra rạp.
Nhưng mặt khác, đó cũng là một áp lực, bởi như cô nói, chỉ cần một nhân vật xuất hiện trong phim không hài lòng về một phân cảnh nào đó thì "bộ phim cũng... tiêu".
Với nữ đạo diễn, phim tài liệu đôi khi sẽ được khán giả "thứ tha" hơn so với phim hư cấu vì mọi tư liệu, hình ảnh, bằng chứng đều là thật.
Mỹ Anh, con gái danh ca Mỹ Linh, nhận nhiều lời khen khi hát nhạc Trịnh trong dự án "Gen Z và Trịnh" - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Trân trọng quá khứ là trìu mến với tương lai
Gần đây, dự án âm nhạc Gen Z và Trịnh được thực hiện với các ca sĩ lứa tuổi 20 như Hoàng Dũng, Mỹ Anh, Hoàng Duyên, Obito... cùng hát nhạc Trịnh qua những bản phối mới. Thế hệ trẻ ngày nay không bỏ qua những giá trị của quá khứ. Trân trọng quá khứ cũng là cách họ đối xử trìu mến với tương lai của chính mình.
Anh Trần Thăng Long - giám đốc sản xuất của dự án Gen Z và Trịnh - nói với Tuổi Trẻ: "Tôi nghĩ rất hiếm người không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì tên tuổi và âm nhạc của ông mang tính đại chúng rất cao.
Chủ đề về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xứng đáng có thêm nhiều bộ phim, tài liệu hoặc hư cấu
Chúng ta đều từng nghe về Trịnh Công Sơn hay nghe giai điệu Tuổi đời mênh mông, Nối vòng tay lớn, Mưa hồng, Huyền thoại mẹ... Thế nhưng, để âm nhạc và chân dung Trịnh Công Sơn trở nên rõ nét và trở thành một mối quan tâm, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ thì không thể thiếu những dự án như Em và Trịnh hay Gen Z và Trịnh.
Những di sản văn hóa nghệ thuật khác sẽ luôn không ngừng được liên tục khai thác, thể hiện, làm mới". Lấy ví dụ mình đã biết về công nương Diana, về nữ hoàng Anh từ trước nhưng phải đến khi loạt phim nổi tiếng The Crown được chiếu thì anh Long mới quan tâm, tìm đọc về hoàng gia Anh nhiều hơn.
Lan Nguyên, đạo diễn phim tài liệu Màu cỏ úa về cuộc đời nhạc sĩ Trần Tiến - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tương tự, những nhân vật văn hóa tầm cỡ, những di sản tinh thần quý giá của Việt Nam cũng cần được khai thác thông qua các dự án mới của thế hệ sau.
Đạo diễn Lan Nguyên cũng mong giới làm phim hãy tiếp tục kiên cường với dòng phim chân dung.
Cô nói: "Chúng ta cần những nhà làm phim liều lĩnh, thậm chí liều mạng, vì có những phim chân dung tốn rất nhiều kinh phí. Trước mắt, chúng ta làm phim tài liệu cũng được, không nhất thiết là phim hư cấu. Tôi mong ai đó hãy làm phim tài liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận