Hôm qua 4-10, đúng một năm ngày đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, những cựu chiến binh sư đoàn 356 đến thắp nhang viếng vị tướng của nhân dân tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng |
Tại nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, hoa cúc vàng được đặt ngay ngắn dọc lối đi từ ngoài cổng vào nơi đặt di ảnh Đại tướng. Nhiều người đã vượt qua quãng đường hàng trăm kilômet đến Hà Nội để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ Đại tướng.
Đi xe máy gần 1.000km viếng Đại tướng
Nhóm ba người gồm anh Võ Tấn Văn, Nguyễn Văn Duẩn, Lê Mạnh (đều ở Quảng Ngãi) đã đi xe máy gần 1.000km để về dâng hương Đại tướng. Anh Lê Mạnh chia sẻ dù từ Quảng Ngãi ra rất vất vả nhưng cả ba người đều rất quyết tâm.
“Cũng như bao người dân đất Việt, chúng tôi mong muốn đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu - nơi Đại tướng đã sống nhiều năm ở đây - để thắp hương, bày tỏ trước công lao to lớn của Đại tướng với dân tộc” - anh Võ Tấn Văn chia sẻ.
Mang theo một bó cúc vàng, bà Lê Thị Dương (62 tuổi, quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An) kể: “Tôi cùng con và cháu bắt xe khách từ quê ra ngoài này để thắp cho Đại tướng nén hương. Gia đình tôi chờ từ 14g-16g30 nhưng vẫn chưa được vào. Mong Đại tướng thanh thản, yên nghỉ giấc ngàn thu”.
Hơn 1,35 triệu lượt người tới viếng mộ Đại tướng
Trong dòng người đến viếng Đại tướng ở vũng Chùa ngày 4-10 có đại gia đình 11 người cả già lẫn trẻ em của anh Đặng Hoài Nam, từ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Anh cho biết cả gia đình đều “hạ quyết tâm” phải một lần viếng mộ Đại tướng.
Bà Dương Thị Hạnh, mẹ anh Nam, vẫn chưa quên được tiếc nuối: “Năm trước tôi ra Quảng Bình tiễn Đại tướng nhưng không thể vào đến mộ vì người đông quá. Bây giờ thì đã đến bên mộ Đại tướng, thỏa ước nguyện rồi!”.
Đội bảo vệ khu mộ Đại tướng cho biết đã có hơn 1,35 triệu lượt người đến viếng kể từ ngày Đại tướng về với đất mẹ. Trung bình mỗi ngày có hơn 4.000 lượt người đến viếng, ngày cao điểm có tới hơn 30.000 lượt người. Có những người đến viếng Đại tướng chỉ một lần trong đời nhưng khiến họ nhớ mãi.
Tháng 1-2014, có một đoàn khách từ miền Tây Nam bộ ra viếng Đại tướng. Trong đoàn có một bà má 93 tuổi. Khi xuống xe mọi người phải dìu má đi từng bước một. Người trong đoàn cho biết má không phải là thành viên chính thức mà chỉ đi nhờ xe dọc đường. Má kể vì nghèo nên không đủ tiền xe để ra Quảng Bình, vì vậy má ra đường vẫy xe đi nhờ. Rồi má giở túi xách mang theo chỉ có bộ quần áo, vài chục ngàn đồng cùng mấy gói lương khô.
Những người lính biên phòng bảo vệ khu mộ nhìn má mà rơi nước mắt. Khi thắp hương xong, má mới nói với anh em: “Má chừng này tuổi, coi như đất đã gần, trời đã xa. Nay ao ước đã mãn nguyện, có nhắm mắt má cũng hả lòng hả dạ”.
Hôm nay, khu mộ Đại tướng đã thay đổi nhiều lắm. Trước mộ là vườn cây xanh tốt với 103 cây mai đỏ, mai vàng tượng trưng 103 tuổi của Đại tướng. Con đường dài 3,5km từ quốc lộ 1 vào khu mộ đã thảm bêtông nhựa phẳng lì. Một số hạng mục khác như nhà bảo vệ, nhà đón khách, nhà vệ sinh, đường lên mộ, bãi đỗ xe... đang chuẩn bị xây dựng.
Tình cảm sắt son
Gặp lại đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những ngày này ông chia sẻ: một năm qua, khi Đại tướng không còn, ông vẫn có cảm giác như Đại tướng còn sống và sắp sang làm việc với ông trước đây. Ông mong mỏi sẽ sớm có Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì: “Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là nơi để đồng bào cả nước, nhất là những người trẻ, được hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng Đại tướng”.
Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng mới từ Quảng Bình về lại Hà Nội tối 3-10, xúc động tâm sự: “Tình cảm của đồng bào, đồng chí là điều thiêng liêng mà bản thân tôi và gia đình không bao giờ quên. Mọi người trong gia đình thấy rất tự hào vì Đại tướng vẫn sống trong lòng người dân. Đó cũng là tình cảm của nhân dân đối với thế hệ, tầng lớp, cán bộ của đội quân bộ đội Cụ Hồ”.
Ông kể lại những câu chuyện xúc động về tấm lòng thủy chung, son sắt của nhân dân với Đại tướng mà ông bắt gặp được ở những vùng căn cứ kháng chiến Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái, hay vùng Bắc Sơn, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ đầu tiên thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân.
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái... ở vùng Điện Biên gặp ông đều thăm hỏi và nhớ về Đại tướng.
Ông nhớ mãi hình ảnh bà cụ Bàn Thị Chủ (người từng nấu cơm cho Đội VN tuyên truyền giải phóng quân, người dân tộc Dao, xã Hoa Thám, Tam Kim, Nguyên Bình, giờ đã 90 tuổi) gửi tận tay ông chai mật ong rừng về để thắp hương trên bàn thờ Đại tướng.
“Đồng bào ngày xưa nuôi Đại tướng và bộ đội như thế nào thì bây giờ tình cảm ấy vẫn thủy chung, không thay đổi” - ông Võ Hồng Nam xúc động nói.
Đề nghị thành lập nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà sử học Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - cho biết: “Sau khi trao đổi và được sự đồng tình của gia đình, sau giỗ đầu Đại tướng, chúng tôi sẽ chính thức kiến nghị lên UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ra quyết định thành lập nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà ở và toàn bộ khuôn viên 30 Hoàng Diệu (theo quy chế hiện nay, các anh hùng, danh nhân chỉ được thành lập nhà lưu niệm)”. Trong khi đó vào tháng 8-2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã thông qua đề án xây dựng các công trình tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, sẽ có bốn công trình chính được đầu tư xây dựng gồm khu mộ Đại tướng ở vũng Chùa - đảo Yến. Bộ Tài chính đã cấp vốn 30 tỉ đồng để hoàn tất các hạng mục nhà bảo vệ, nhà đón khách, nhà vệ sinh, đường lên mộ, bãi đỗ xe... Ba công trình còn lại là tượng đài Đại tướng và công viên Võ Nguyên Giáp tại TP Đồng Hới, khu lưu niệm Đại tướng ở quê nhà Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận