16/06/2023 10:05 GMT+7

Đông Nam Bộ gần nhau hơn nhờ cùng làm

Trong khi chờ các cơ quan trung ương ban hành các nghị quyết, cơ chế riêng để phát triển TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các địa phương cũng chủ động gặp gỡ thường xuyên để thúc đẩy các công trình kết nối vùng.

Đông Nam Bộ gần nhau hơn nhờ cùng làm - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát của TP.HCM và tỉnh Bình Dương khảo sát tại khu vực đường dẫn cao tốc TP.HCM - Chơn Thành tại TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ngày 15-6, tại Bình Dương, ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP.HCM) và ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã khảo sát và đồng chủ trì cuộc họp giữa hai địa phương bàn giải pháp thực hiện hàng loạt dự án giao thông.

Đây là cuộc họp "nóng" tiếp theo của lãnh đạo TP.HCM với tỉnh bạn trong vùng Đông Nam Bộ để thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng.

Thêm cao tốc cho vùng Đông Nam Bộ

Ý kiến phát biểu tại cuộc họp của các thành phố giáp ranh gồm Thủ Đức (TP.HCM), Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) và các sở, ngành hai địa phương đều thể hiện sự đồng thuận rất cao với chủ trương cơ quan chức năng hai bên "cùng ngồi lại, cùng làm".

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết có những tuyến đường, nút giao giữa TP.HCM và Bình Dương có chiều dài tưởng như không lớn nhưng lại có vai trò rất quan trọng với cả vùng Đông Nam Bộ. Như đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đi qua chủ yếu địa bàn Bình Dương, nối với Bình Phước.

Dự án này qua TP.HCM chỉ dài khoảng 1,65km nhưng nếu không đầu tư phần đường tại TP.HCM thì cả tuyến cao tốc khó phát huy hiệu quả.

Một dự án giao thông khác kết nối TP.HCM - Bình Dương tuy ngắn nhưng cũng rất quan trọng cần sự phối hợp là đường Đào Trinh Nhất (lộ giới 20m, thuộc phường Linh Tây, TP Thủ Đức) nối với đường An Bình (lộ giới 34m, thuộc phường An Bình, TP Dĩ An).

"Hai tuyến đường trên nối với nhau, kết nối đường Phạm Văn Đồng tới quốc lộ 1, sẽ giúp phát triển không gian đô thị hai bên. Tuy nhiên lộ giới của phía Bình Dương rộng, TP.HCM lại hẹp hơn sẽ không đồng bộ. Vì vậy, rất cần sự họp bàn, thống nhất để điều chỉnh lộ giới đồng bộ, phát huy hiệu quả dự án", ông Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Anh Minh, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, cho biết ngoài dự án đường vành đai 3 - TP.HCM thì nhiều công trình kết nối vùng khác cũng được thúc đẩy và tiếp tục cần sự "bắt tay" của các địa phương. Ví dụ như với đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Dự án này rất cần sự vào cuộc của TP.HCM và Bình Phước.

Ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng các dự án cao tốc nối Bình Dương với TP.HCM cần tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, bao gồm cả ý kiến về mặt kỹ thuật, đấu nối để khi thực hiện tránh "vênh" nhau.

Với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM đã thống nhất sẽ triển khai làm đoạn đường này để đồng bộ với cao tốc mà tỉnh Bình Dương, Bình Phước sẽ triển khai. Dự kiến chi phí thực hiện phần đường tại TP.HCM lên tới trên 3.000 tỉ đồng, phần lớn là chi phí giải phóng mặt bằng.

"Đánh thức" tiềm năng hai bờ sông Sài Gòn

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa TP.HCM và Bình Dương nói riêng, cũng như với các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung là cùng phát triển, vì vậy cần chủ động tìm đến nhau, chứ không phải "một bên ngồi chờ, bên kia tìm đến".

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, bí thư Thành ủy Thủ Đức, cho rằng các cuộc họp chung giữa các địa phương giáp ranh như thế này rất quan trọng, không chỉ với các dự án giao thông mà từ giao thông sẽ kết nối phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Hiệp lấy ví dụ như "tam giác" gồm ba thành phố Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương) và TP Thủ Đức (TP.HCM) có nhiều dự án lớn giao thoa.

"Nếu đường sá giữa các địa phương giáp ranh này mà ọp ẹp, xuống cấp sẽ rất phức tạp cho tình hình an ninh trật tự.

Ngược lại, nếu làm đường kết nối sạch sẽ, thuận tiện sẽ có doanh nghiệp về làm ăn, người dân có mức sống khá hơn, tội phạm không có chỗ ẩn náu", ông Hiệp nói.

Ông Phan Ngọc Phúc, phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng ngoài đường bộ, TP.HCM và Bình Dương có sông Sài Gòn chảy qua, còn có thể quy hoạch để phát triển đường sông.

Có hai công trình cầu tại TP.HCM nhưng rất được phía Bình Dương quan tâm là dự án nâng cao tĩnh không cầu Bình Phước 1 và cầu Bình Triệu 1 để "giải phóng" cho phương tiện đường thủy, vận chuyển container từ các khu công nghiệp tới cảng, cũng như "đánh thức" tiềm năng hai bờ sông Sài Gòn.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm thông báo tin vui vừa qua HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư để nâng cao tĩnh không hai cây cầu này. Dự kiến sang năm 2024 hai cầu sẽ được khởi công và hoàn thành sau khoảng nửa năm.

Đông Nam Bộ gần nhau hơn nhờ cùng làm - Ảnh 4.

Phối cảnh nút giao thông Tân Vạn thuộc dự án đường vành đai 3 kết nối TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai

Kết nối sớm ngày nào, hiệu quả lớn ngày ấy

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng các dự án kết nối giữa TP.HCM và Bình Dương có sự đồng thuận của lãnh đạo hai bên, trong quá trình thực hiện cam kết của lãnh đạo, ở cấp sở ngành có thể có những điểm khác nhau nhưng các cơ quan cần trao đổi thường xuyên và phải có sự tiếp thu ý kiến của nhau.

Ông Mãi khẳng định sự phát triển của Bình Dương hay vùng Đông Nam Bộ nói chung cũng là sự phát triển cho TP.HCM.

Các ý kiến về quy hoạch hoặc các dự án giao thông đã được lãnh đạo TP.HCM và Bình Dương thống nhất trong các cuộc họp thì các sở, ngành cần ghi nhận lại bằng văn bản để làm căn cứ thực hiện và đẩy nhanh tiến độ cho các dự án.

Về phía tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh cho rằng trong quá trình phát triển, Bình Dương rất cần kết nối, hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là "đầu tàu" TP.HCM.

Có rất nhiều dự án kết nối vùng nếu thực hiện được sớm ngày nào sẽ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội to lớn ngày ấy, tháo gỡ các "nút thắt" cho phát triển.

Ví dụ như nút giao Sóng Thần (giáp giữa TP Thủ Đức và TP Dĩ An) là "cửa ngõ" vào các khu công nghiệp thường xuyên kẹt xe. Bình Dương đã đầu tư mở rộng các tuyến đường huyết mạch kết nối vào nút giao này như đường tỉnh 743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Tuy nhiên, để gỡ "thắt cổ chai" thì cần cải tạo cả nút giao và làm đường kết nối với nút giao. Do dự án có một phần đi qua địa phận TP.HCM nên Bình Dương rất cần ý kiến góp ý, đồng thuận của TP để triển khai dự án.

Cần sự đồng lòng, quyết tâm của các địa phương

TP.HCM và các tỉnh lân cận đang trên đà phát triển rất nhanh, hạ tầng không theo kịp sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Do đó các dự án giao thông ở TP.HCM nói riêng, dự án liên vùng như đường vành đai 3, đường vành đai 4, các tuyến cao tốc... phải sớm được tạo điều kiện triển khai, hoàn thành.

Để làm được điều này, quyết tâm chính trị và sự đồng lòng của các địa phương đóng vai trò quan trọng.

Với TP.HCM, nếu được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù thì cũng có nhiều điều kiện, cơ chế mới để hoàn thiện triển khai các dự án kết nối vùng. Nhiều dự án bấy lâu nay ách tắc do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vốn sẽ có cơ chế tháo gỡ, triển khai hoàn thiện.

Về nguồn vốn, TP.HCM phải tính toán thêm nhiều nguồn từ việc lập quỹ đất công và công khai bán đấu giá, thu phí ùn tắc giao thông, thuế, thuế môi trường...

Để các dự án liên vùng đạt được tiến độ hiệu quả, các địa phương cũng phải thường xuyên bàn bạc, triển khai nhiều phương án thúc đẩy các dự án. Trong đó cử ra một địa phương làm nhạc trưởng đi đầu trong các công tác thì hiệu quả mới cao.

Ông Lương Minh Phúc (giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM):

Lộ thông, tài mới thông

Nghị quyết đặc thù cho TP.HCM nếu được thông qua sẽ mang lại đột phá lớn cho hạ tầng đô thị TP.HCM cũng như liên vùng.

Khi đó TP có thể triển khai thí điểm các dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu; có thể đầu tư các dự án theo hình thức BT thanh toán bằng tiền trả chậm cho nhà đầu tư, được áp dụng giải phóng mặt bằng độc lập, tách giải phóng mặt bằng ra với dự án giao thông.

Từ đó TP có thể tính đến thu hồi đất theo quy hoạch TOD áp dụng cho tuyến metro số 1, metro số 2, đường vành đai 3..., mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Như vậy TP.HCM có cơ sở tạo ra cơ hội khai thác thêm nguồn lực phát triển giao thông, đặc biệt là giao thông liên vùng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng.

Đông Nam Bộ gần nhau hơn nhờ cùng làm - Ảnh 8.

Ông Phạm Văn Bạc (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An), bị giải tỏa một phần đất cho dự án đường vành đai 3, chứng kiến con đường liên kết vùng chuẩn bị khởi công - Ảnh: TỰ TRUNG

Đồng loạt khởi công nhiều đường liên kết vùng

Hiện nay, nhu cầu đi lại và vận chuyển khu vực Đông Nam Bộ ngày càng tăng cao nhưng hạ tầng còn hạn chế chưa đủ đáp ứng. Trước thực tế đó, những dự án giao thông mang tính liên vùng đã được các tỉnh, thành phố hợp lực cùng làm.

- Đường vành đai 3 có giai đoạn 1 dài 76km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Toàn tuyến giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại.

TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị cho ngày khởi công. Cùng với đó là các dự án đường vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, dự án quốc lộ 13... đều đang rục rịch khảo sát.

- Vào ngày 18-6, các địa phương đồng loạt khởi công một số dự án trọng điểm trong đó có tuyến đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (gồm ba dự án thành phần xây lắp) được tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện.

Đây là một trong năm tuyến cao tốc trọng yếu của khu vực phía Nam, khi hoàn thành sẽ kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, rút ngắn thời gian di chuyển xuống chỉ còn hơn một giờ.

- Dự án quốc lộ 13 kết nối giữa TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên dài 140km.

Tháng 4-2022, tỉnh Bình Dương khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ này đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một dài khoảng 12,7km từ sáu làn xe lên tám làn xe.

Ở phía TP.HCM, dự án mở rộng quốc lộ 13 dự kiến phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, khởi công vào năm 2025.

- Hiện nay từ TP.HCM đi tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân hầu hết thông qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 hoặc quốc lộ 1 (hầu hết đang quá tải).

Khi các dự án nói trên hoàn thành, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1 được mở rộng thì đường sá thông thoáng hơn. Người dân cũng có thêm sự lựa chọn thông qua cao tốc Bến Lức - Long Thành.

- Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đóng vai trò kết nối các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành sẽ hình thành trục giao thông xương sống xóa thế độc đạo của quốc lộ 51.

Những tuyến cao tốc này liên kết vào mạng lưới cao tốc khu vực, cả nước thì quá trình di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác nhanh và tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn.

Rất mừng vì sự dẫn dắt của "đầu tàu"

Ông Mai Hữu Tín, chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, nói các dự án kết nối vùng cần sự đầu tư lớn từ cả các địa phương liên quan và trung ương, cũng như sự tích cực điều phối của lãnh đạo đô thị hạt nhân là TP.HCM.

Rất mừng là gần đây lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, Bình Dương đều nhiệt tình ủng hộ và dẫn dắt sự kết nối.

Về vĩ mô thì ngoài các công trình giao thông, các "mạch máu" khác rất cần được quan tâm, khắc phục để "cởi trói" cho phát triển như chuyện về xăng dầu, điện.

THU DUNG

TP.HCM xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh để phát triển Đông Nam BộTP.HCM xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh để phát triển Đông Nam Bộ

"Đông Nam Bộ có 18 triệu dân và Tây Nam Bộ cũng 18 triệu dân, nếu chúng ta làm tốt kết nối, sau đó tăng kết nối với Tây Nguyên thì không gian phát triển, sự đóng góp của vùng Đông Nam Bộ vào phát triển chung của cả nước là rất lớn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp