06/05/2013 12:40 GMT+7

Đông Nam Á rục rịch liên minh du lịch

VIỆT PHƯƠNG - LÊ NAM
VIỆT PHƯƠNG - LÊ NAM

TTCT - Lào đang để mắt tới “liên minh” sử dụng thị thực một lần với Thái Lan và Campuchia và nhiều khả năng Myanmar cũng sẽ không đứng ngoài cuộc bởi sự hấp dẫn của cuộc chơi.

Trong khi đó, Việt Nam cùng với Lào, Campuchia và Myanmar đã đi trước một bước với liên minh “bốn quốc gia - một điểm đến”. Tuy nhiên, với bửu bối “thị thực một lần”, những người đi sau đang tạo một thách thức quá lớn.

2JvKprcY.jpgPhóng to
TP.HCM là nơi tiếp nhận nhiều đường bay quốc tế nhưng chưa thật sự là điểm đến kết nối của du khách với các nước trong khu vực - Ảnh: L.N.M.

Tháng trước, tại Vientiane (Lào), năm nước thuộc lưu vực sông Ayeyawady, Chao Phraya, Mekong (ACMECS) là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã nhóm họp và thông qua chương trình hành động năm 2013-2015, nhắm vào các mục tiêu ở tám lĩnh vực ưu tiên: thương mại và đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, kết nối giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường.

Bốn hay là năm quốc gia - một điểm đến?

Trước quan ngại những đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng chính sách thị thực một lần, như The Nation cho biết, hai nước Thái Lan và Campuchia có một hệ thống “tiền thông quan”. Hiện tại, nếu một du khách nộp đơn xin thị thực tại đại sứ quán Thái Lan, hồ sơ của người đó đồng thời sẽ được chuyển cho phía Campuchia để xem xét. Phía Campuchia có thẩm quyền từ chối thị thực. Quy trình cũng tương tự nếu du khách nộp đơn xin thị thực ở đại sứ quán Campuchia.

Về du lịch, như tờ The Nation đưa tin, các lãnh đạo ACMECS đồng ý việc thiết lập “hành lang du lịch” mới, nối liền các cố đô Bagan (Myanmar), Chiang Mai (Thái Lan), Luang Prabang, Vientiane (Lào), Siem Reap (Campuchia) và Huế của Việt Nam. Và tất nhiên, chuyện kết hợp thị thực giữa các nước đối với du khách nước ngoài đã được nhắc đến nhằm giúp việc du lịch trong tiểu vùng trở nên thuận tiện với ý tưởng “Năm quốc gia - một điểm đến”.

Tháng 12 năm ngoái, Thái Lan và Campuchia công bố chính sách thị thực một lần, cho phép du khách nước ngoài chỉ cần xin thị thực của một trong hai nước là có thể đến nước còn lại. Đây là hai nước đầu tiên trong khu vực kết hợp thị thực trong bối cảnh mà cả Thái Lan và Campuchia còn lấn cấn về một vùng chồng lấn gần đền Preah Vihear.

Mới đây, Lào cũng nói họ quan tâm đến chuyện thị thực chung và muốn sang Campuchia tìm hiểu. Như lời của tổng giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào, tiến sĩ Liber Libuapao được đăng tải trên Vientiane Times thì nếu Lào kết hợp thị thực với Thái Lan và Campuchia, lợi ích kinh tế nhiều hơn là thua thiệt.

Ở đất nước nằm sâu trong lục địa và không có biển, Lào cũng không có nhiều đường bay kết nối với các nước. Đất nước vạn tượng cũng không có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như các nước láng giềng. Mặt khác, du khách thường coi Lào là điểm đến thứ hai hơn là điểm đến chính. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc Lào tham gia chỉ là vấn đề thời gian.

Trước đó, ý tưởng về “Ba quốc gia - một điểm đến” xuất hiện khi các quan chức Sở Du lịch TP.HCM, Bộ Du lịch Campuchia và Tổng cục Du lịch Lào họp bàn chuyện quảng bá cho Triển lãm quốc tế du lịch (ITE HCMC 2007) diễn ra tháng 10-2007. Họ kỳ vọng với chủ đề “Ba quốc gia - một điểm đến” với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch của cả ba quốc gia sẽ đủ sức thuyết phục với các thị trường khách xa và tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đến với TP.HCM.

Đến tháng 10, ba cơ quan du lịch Việt Nam, Lào và Campuchia ký kết hợp tác trên nguyên tắc đồng ý một số điểm cùng tham gia các chương trình quảng bá tiềm năng du lịch cho ba nước, tổ chức các sự kiện du lịch quốc tế chung...

Đến tháng 9-2010 ý tưởng “Bốn quốc gia - một điểm đến” được bộ trưởng du lịch các nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar đưa ra sau Hội nghị bốn bộ trưởng du lịch lần thứ nhất tại TP.HCM. Cả bốn bộ trưởng nhất trí tăng cường phối hợp quảng bá bốn nước thành một điểm đến du lịch chung trong khu vực, đảm bảo phát triển du lịch bền vững và góp phần xóa đói giảm nghèo. Khuyến khích cơ quan du lịch quốc gia bốn nước tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch du lịch, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, phát triển sản phẩm du lịch.

Mục tiêu của việc hợp tác là để bổ sung điểm mạnh, điểm yếu của nhau nhằm thu hút thêm du khách quốc tế đến khu vực thay vì cạnh tranh. Điều quan trọng là làm thế nào để các doanh nghiệp lữ hành có thể ngồi lại với nhau, cùng thiết kế những gói sản phẩm liên kết đưa du khách đi lại dễ dàng, thuận tiện giữa các nước trên một chuẩn mực tương đồng. Tiếc là vấn đề “thị thực một lần” tiếp tục chưa có tiếng nói chung.

lZpyyoMm.jpgPhóng to
Huế sẽ là một mấu chốt quan trọng trong cung đường “Năm quốc gia - một điểm đến” - Ảnh: N.C.T.

Việt Nam và Myanmar sẽ lạc lõng

Ở ASEAN, một tuyến đường sắt nối Singapore và Côn Minh đang được lên kế hoạch. Đây là dự án của Chương trình hợp tác phát triển ASEAN - lưu vực sông Mekong và là nghị trình ưu tiên của hợp tác giao thông trong ASEAN. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối các thành phố ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với tổng chiều dài 7.000km.

Hồi tháng trước, Singapore và Malaysia đã thông báo về việc xây dựng tuyến đường sắt nối Singapore và Kuala Lumpur, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Mặt khác, theo tờ The Nation, mạng lưới đường cao tốc châu Á cũng đang được xây dựng và khi hoàn thành sẽ cải thiện khả năng kết nối giao thông giữa các nước trong khu vực và cả châu lục.

Trong khi đó, có thể thấy nhiều hãng hàng không ở châu Âu và Trung Đông đã mở đường bay thẳng đến các nước trong tiểu vùng ACMECS những năm qua, đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và sắp tới sẽ là Lào, Myanmar.

Về vị trí địa lý, các nước ACMECS có lợi thế hơn so với các vùng khác trong khu vực ASEAN do nằm trong lục địa với địa hình núi liền núi, sông liền sông, có thể di chuyển giữa các quốc gia với nhau bằng cả đường bộ, đường hàng không và trong tương lai có thể là đường sắt khi tuyến đường Singapore - Côn Minh hoàn thành.

Việc Thái Lan - Campuchia kết hợp thị thực một lần cho khách du lịch của 35 nước/vùng lãnh thổ rõ ràng sẽ thúc đẩy du lịch giữa hai nước khi du khách có thể vừa thăm đền Angkor Wat của Campuchia, vừa có thể thăm các di tích ở Chiang Mai và miền bắc Thái Lan hay các bãi biển nổi tiếng ở nước này. Về sau, nếu Lào gia nhập “liên minh” thị thực một lần với Thái Lan và Campuchia, khách du lịch quốc tế còn có thể ghé thăm cả cố đô Luang Prabang vốn không cách xa Chiang Mai là bao.

Như vậy, trong chuỗi “hành lang du lịch” mà các lãnh đạo ACMECS đang nhắm tới, khả năng những mắt xích ở giữa là Chiang Mai - Luang Prabang - Siem Reap sẽ kết nối với nhau trong tương lai gần. Và nếu Lào cùng hợp tác với Thái Lan và Campuchia về thị thực chung, trong chuỗi “hành lang du lịch” này, hai đầu của mắt xích là Myanmar và Việt Nam sẽ trở nên lạc lõng.

Thử đặt trường hợp du khách nước ngoài muốn đi một mạch các điểm đến trên “hành lang du lịch” năm quốc gia - một điểm đến kể trên, họ phải xin thị thực của cả năm nước. Điều này gây ra sự tốn kém và mất thời gian. Nếu du khách đến từ nhóm 35 nước/vùng lãnh thổ đủ điều kiện xin thị thực một lần của Thái Lan và Campuchia, số thị thực họ phải xin khi đi tuyến năm quốc gia giảm xuống còn bốn. Nếu Lào tham gia luôn thì số thị thực phải xin giảm còn ba.

Tất nhiên, theo lẽ thường, du khách chẳng ai trông mong chuyện phải xin nhiều thị thực để chỉ đi lại trong một tiểu vùng nhỏ bé, nhất là trong các kỳ nghỉ ngắn.

Khi giới thiệu thị thực một lần giữa Thái Lan và Campuchia, Ngoại trưởng Thái Surapong Tovichakchaikul đã tỏ ý kỳ vọng rằng nếu Bangkok và Phnom Penh thực hiện thành công mô hình này, các nước còn lại hẳn sẽ tham gia. Giới quan sát nhận định thị thực chung trong ACMECS cũng sẽ là tiền đề cho thị thực chung ASEAN về sau.

Cần một sự kết nối rộng rãi

Chương trình “Bốn quốc gia - một điểm đến” của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng đã thu hút được một số kết quả như có nhiều chuyến bay thẳng đến bốn nước kể trên, nhất là sau khi Myanmar tiến hành đổi mới và mở cửa. Các hãng hàng không ở Trung Đông cũng đã bắt đầu mở đường bay đến Việt Nam, Campuchia, Myanmar. Các hãng trong khu vực cũng đang dần có sự kết nối hàng không giữa bốn nước.

Mặc dù vậy “liên minh” bốn nước kể trên lại không bao gồm Thái Lan, nước có đường biên giới với cả Campuchia, Lào, Myanmar và cách Việt Nam chỉ một giờ bay. Trong khi đó, hiện “liên minh” bốn nước vừa kể cũng không có chính sách “thị thực một lần” nên nếu du khách muốn tận hưởng một chương trình du lịch xuyên qua bốn quốc gia thì sẽ phải xin bốn thị thực khác nhau.

Trong trường hợp Thái Lan - Campuchia - Lào và cả Myanmar tham gia chính sách “thị thực một lần”, “liên minh” này tất nhiên sẽ ưu thế hơn “liên minh” “Bốn quốc gia - một điểm đến”. Điểm mấu chốt vẫn là sự thuận lợi trong khâu thị thực. Mặt khác, Thái Lan lại là một trong những cửa ngõ hàng không lớn của khu vực với nhiều chuyến bay đến hoặc quá cảnh qua sân bay quốc tế Suvarnabhumi hơn bất cứ sân bay nào trong bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.

Chính vì những điều này, Thái Lan hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút thêm khách du lịch cho nước láng giềng Campuchia và sắp tới có thể là Lào, Myanmar. Các chuyên gia cho rằng sự kết nối rộng rãi cả năm quốc gia để phát triển du lịch là một cách tính toán khôn ngoan bởi không chỉ tránh các cuộc cạnh tranh “sứt đầu mẻ trán” mà những nước yếu thế hơn trong lĩnh vực này còn được tăng thêm lợi thế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN Nguyễn Văn Tuấn:

Cần hợp tác của ngành ngoại giao, công an

Trước đây Việt Nam, Lào, Campuchia đã đồng ý với ý tưởng sẽ triển khai một thị thực cho du khách nước ngoài có thể đến cả ba nước trong một hành trình. Tuy nhiên nhiều năm qua vẫn chưa triển khai được vì một mình ngành du lịch không thể tự quyết định và làm được mà phải có sự hợp tác của ngành ngoại giao, công an...

Xu hướng du lịch bây giờ đa dạng hơn với nhiều điểm đến nên việc liên kết này là rất hợp lý, phù hợp với xu hướng quốc tế và đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, đẩy mạnh liên kết theo hướng hợp tác vùng.

Trong cuộc họp cấp cao giữa các bộ trưởng về du lịch đã nêu ra vấn đề này và đã đạt được sự đồng thuận. Nếu chính sách này được triển khai sẽ tạo nên sự liên kết thật sự và sức hút cho các nước tiểu vùng sông Mekong cụ thể hóa ý tưởng “Bốn quốc gia - một điểm đến”. Đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng sẽ được đề cập trong các sự kiện của Hội chợ quốc tế du lịch ITE 2013 (diễn ra tháng 9-2013 tại TP.HCM).

VIỆT PHƯƠNG - LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp