29/12/2019 13:14 GMT+7

Đông Nam Á cùng Trung Quốc gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất cho đại dương

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cuộc chiến chống rác thải nhựa tại Đông Nam Á nhận được nhiều sự chú ý trong năm 2019, bởi khu vực này trở thành nơi tập kết rác mới của toàn cầu sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa.

Đông Nam Á cùng Trung Quốc gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất cho đại dương - Ảnh 1.

Asean đã quyết tâm không để trở thành bãi rác của thế giới, đồng thời phát triển nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, núi rác từ các nước giàu chuyển hướng xuống Đông Nam Á đã bị ứ nghẽn trước các động thái ngăn chặn quyết liệt của 10 nước ASEAN. Một số quốc gia đã đi tiên phong khi trả lại rác cho những nước giàu, tuyên bố đất nước của họ không phải là bãi rác của thế giới.

Chống rác thải nhựa đại dương

Các số liệu cho thấy Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cùng với Trung Quốc là những nước gây ô nhiễm nhựa nghiêm trọng nhất thế giới, chiếm tới hơn 60% rác thải nhựa trong các đại dương.

Thực trạng này đã buộc các nhà lãnh đạo ASEAN nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Một hội nghị ASEAN đặc biệt về rác thải nhựa được tổ chức vào tháng 3-2019. Ba tháng sau đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Thái Lan, lãnh đạo 10 nước ASEAN đã cùng ra Tuyên bố Bangkok về chống rác thải nhựa trên đại dương. Trong đó nhấn mạnh hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn 3R là cắt giảm rác thải nhựa (reduce), tái sử dụng (reuse) và tái chế (recycle). 

Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường hơn nữa luật quốc gia và phối hợp với các nước khác trong nỗ lực cắt giảm rác thải nhựa trôi ra đại dương do các hoạt động sản xuất trên đất liền.

Tuyên bố cũng nêu rõ chỉ khuyến khích các nước thành viên điều chỉnh luật quốc gia vì ASEAN có một nguyên tắc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. 

Mặc dù không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa hoàn toàn và ngay lập tức như nhiều tổ chức môi trường mong đợi, Tuyên bố Bangkok được xem là một bước tiến bộ của Đông Nam Á trong nỗ lực xóa bỏ hình ảnh là một trong những nơi gây ô nhiễm nhựa đại dương nhiều nhất thế giới.

Nói không với rác thải dưới mác phế liệu

Từ năm 2016 đến năm 2018 - giai đoạn trước khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa, lượng rác thải nhựa nhập vào ASEAN tăng hơn 170%, từ 836.000 tấn lên hơn 2,3 triệu tấn, theo số liệu của Tổ chức Greenpeace. 

Con số này tương đương 423.544 container loại 20 feet và có thể còn cao hơn khi nhiều container nhập vào khu vực được dán nhãn mác là nhựa phế liệu có thể tái chế trong khi thực chất bên trong là nhựa sinh hoạt. 

Đó là còn chưa kể đến lượng rác nhập lậu vào các nước, với phần lớn điểm đến cuối cùng là các bãi chôn lấp hoặc đốt rác.

Sau khi Trung Quốc nói không với rác thải nhựa, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam trở thành những nước tiên phong siết chặt dòng chảy rác thải. Các hành động cứng rắn của Philippines khi quyết trả lại hàng trăm container chứa rác cho Canada đã mở đường cho Malaysia noi theo. 

Trong khi Thái Lan công bố ý định ngừng nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2021, Malasia và Việt Nam đã ngừng cấp giấy phép nhập khẩu, mở đợt truy quét các đơn vị nhập khẩu lậu container rác trên toàn quốc.

Vai trò của tư nhân và cá nhân

Trong Tuyên bố Bangkok về chống rác thải nhựa đại dương, các nhà lãnh đạo ASEAN có nhắc đến vai trò của tư nhân trong việc ngăn chặn và cắt giảm rác thải nhựa, xây dựng quan hệ đối tác công - tư thông qua các cơ chế mới và ưu đãi. Đây có thể xem là một hướng đi mới, thay vì để mọi nỗ lực đều xuất phát từ nhà nước.

Nhựa có thể là một tài nguyên mới nếu biết kiểm soát cách sử dụng và tái chế, bởi vì thoát khỏi nhựa hoàn toàn là điều khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Đốt nhựa để tạo ra điện là một giải pháp cho thấy sự hiệu quả tại Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hồi đầu tháng này, một công ty có trụ sở tại Singapore đã công bố thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá hơn 106 triệu USD, đặt mục tiêu giải quyết sạch cuộc khủng hoảng rác thải nhựa ở Đông Nam Á bằng cách đầu tư vào các công ty, các sáng kiến giúp kéo giảm và xử lý rác thải nhựa ở khu vực.

Quỹ này hiện đang xem xét khoảng 200 ý tưởng và hi vọng có thể rót vốn để hiện thực hóa 5 hoặc 6 ý tưởng đó trong năm 2020. "Những công ty sở hữu ý tưởng này vẫn đang mua nhựa phế thải và các loại phế liệu khác. Họ tái chế chúng, biến chúng thành các sản phẩm giá trị và bán ra thị trường một lần nữa. Đó là một nền kinh tế tuần hoàn khép kín", một đại diện của quỹ này khẳng định với tờ Today Online.

Nhận diện 6 loại rác thải nhựa

Theo Hiệp hội Công nghiệp nhựa, phần lớn nhựa được sản xuất và vứt đi có thể được thu hẹp xuống còn 6 loại. Thứ nhất là chai nhựa, thường được làm từ polyetylen terephthalate (PET). Thứ hai là polyetylen mật độ cao (HPDE) được sử dụng để chế tạo các vật thể cứng hơn đòi hỏi cấu trúc cố định - ví dụ: phụ tùng ôtô, pallet, đồ nội thất. Thứ ba là polyetylen mật độ thấp (LDPE) - loại được sử dụng để làm ra các túi nhựa và bao bì chúng ta bắt gặp hằng ngày. Các loại khác bao gồm polyvinyl clorua (PVC), polypropylen (PP) và polystyrene (PS).

Thêm một ‘cú đánh’ trong cuộc chiến chống rác thải nhựa Thêm một ‘cú đánh’ trong cuộc chiến chống rác thải nhựa

Tiểu bang Victoria của Australia sẽ cấm sử dụng các túi nylon nhẹ dùng một lần từ năm tới. Đây là một phần trong sáng kiến bảo vệ môi trường do các nhà chức trách bang này đưa ra.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp