Voi rừng ra phá hoa màu, chòi canh của người dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai - Ảnh: B.A.
Đây là dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục tiếp theo bổ sung dự án Khẩn cấp bảo tồn voi rừng giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, công trình gồm hàng rào điện có chiều dài 25,1km, 976 trụ hàng rào, 4 nhà trạm, 14 cổng chính, 4 cổng phụ, tuyến đường cặp hàng rào điện dài 2,7km, lắp đặt 20 bảng cảnh báo giao thông trên các tuyến đường đã xây dựng.
Hàng rào điện được xây dựng cố định gồm 2 tuyến. Tuyến hàng rào điện tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) dài khoảng 12,5km từ trạm Sa Mách đến trạm Đồi Trường và tuyến hàng rào điện tại xã Tà Lài - Cát Tiên (huyện Tân Phú) dài 12,6km từ chốt 91 (thuộc đội 3, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà) đến sông Đồng Nai.
Theo ông Dũng, hiện đơn vị đang giải phóng mặt bằng để triển khai thi công dự án. "Đối với những nơi không phải thu hồi đất sẽ làm trước, còn chỗ nào thu hồi đất phải chờ tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất rồi mới làm sau" - ông Dũng cho biết.
Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 10-2022. Tổng kinh phí xây dựng 25km hàng rào điện bổ sung khoảng 14 tỉ đồng.
Đồng Nai xây dựng thêm 25km hàng rào điện nhằm ngăn chặn xung đột giữa voi rừng vào người. Trong ảnh: Hàng rào điện thuộc dự án Khẩn cấp bảo tồn voi được đưa vào sử dụng từ năm 2018 - Ảnh: A LỘC
Trước đó, tháng 7-2017, hàng rào điện có chiều dài 50km thuộc dự án Khẩn cấp bảo tồn voi giai đoạn 2014-2020 được đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, khi bị ngăn, đàn voi đã men theo hàng rào đến điểm chưa có hàng rào điện tiếp tục vào phá hoa màu của người dân. Do đó, Đồng Nai quyết định xây dựng bổ sung thêm 25km hàng rào điện khép kín vòng vây, hạn chế thấp nhất xung đột giữa người và voi rừng.
Theo thống kê, trên địa bàn Đồng Nai hiện có một đàn voi khoảng 18-19 con voi rừng, trong đó có 4-5 voi con. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy hiệu quả của dự án "Khẩn cấp bảo tồn voi" mà Đồng Nai đang thực hiện.
Hàng rào điện sử dụng nguồn năng lượng mặt trời được tiếp thu và nạp trực tiếp vào bình ăcquy. Nguồn điện từ ăcquy được chuyển đổi qua bộ chuyển đổi nguồn đi qua máy phát xung, sau đó kích ra các dây với điện áp khoảng 6.000-11.000V.
Trong quá trình hoạt động, thiết bị điều khiển luôn cập nhật thông tin trạng thái của hệ thống thông qua hiển thị tại các nhà trạm, tin nhắn qua SMS và thiết bị đo chuyên dụng cầm tay.
Khi có một hoặc nhiều tác động từ người, động vật... và có tiếp xúc với đất thì dòng điện sẽ truyền qua tác nhân này đi xuống đất để về hệ thống máy nguồn kiểm soát. Vì vậy người và động vật cảm nhận bị giật điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận