Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất bổ sung thêm hai cây cầu kết nối với Đồng Nai gồm cầu kết nối TP Thủ Đức (quận 9 cũ) với khu vực huyện Long Thành (tạm gọi cầu Đồng Nai 2) và cầu kết nối khu vực phía nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch (tạm gọi cầu Phú Mỹ 2).
TP.HCM đề xuất bổ sung xây dựng hai cây cầu kết nối Đồng Nai
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị quy hoạch xây cầu Đồng Nai 2 bắt đầu từ đường vành đai 3 tại nút giao Gò Công (thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) kết nối với đường ĐT.777B (thuộc xã Tam An, huyện Long Thành).
Riêng vị trí cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt cắt ngang khu dân cư Phú Hữu (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch).
Phía TP.HCM khẳng định vị trí đề xuất xây cầu này đã được rà soát kỹ giữa các ban ngành và lãnh đạo thành phố, không thể điều chỉnh qua vị trí khác.
Từ kiến nghị của TP.HCM, Đồng Nai thống nhất chấp thuận vị trí hai cầu kết nối trên như đề xuất. Tuy nhiên, Đồng Nai muốn TP.HCM nâng quy mô đường dẫn đầu cầu ở phía TP.HCM từ 6 lên 8 làn xe để đồng nhất quy mô đường đã được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và đầu tư.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cho hay sẽ chủ động cập nhật phương án tuyến cầu, đường dẫn… sau khi tuyến cầu được phê duyệt tại các quy hoạch liên quan.
Đồng Nai muốn xây cầu thay thế phà Cát Lái
Ngoài hai cây cầu trên, trong văn bản gửi TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng kiến nghị cầu thay phà Cát Lái có 6 làn xe tại vị trí phà hiện hữu và đầu tư trước năm 2025. Tỉnh Đồng Nai cho rằng vị trí làm cầu Cát Lát như đề xuất phù hợp với quy hoạch đô thị mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch sử dụng đất huyện Nhơn Trạch.
Vì sao Đồng Nai muốn xây dựng sớm cầu kết nối là cầu Cát Lái?
Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho hay, vị trí làm cầu trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM từ năm 2017. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái.
Tuy nhiên, đến nay hai địa phương vẫn chưa thống nhất được vị trí cầu thay phà Cát Lái làm cơ sở để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Do đó, việc sớm triển khai thực hiện cầu thay phà Cát Lái nhằm xóa bỏ phà Cát Lái hiện hữu là rất cần thiết.
Vị lãnh đạo sở giải thích: "Do tính cấp bách của việc kết nối giao thông nhằm chia sẻ lưu lượng với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải, phục vụ kết nối sân bay Long Thành nên sớm thay thế phà Cát Lái để đảm bảo việc lưu thông được an toàn hơn. Vì vậy, Đồng Nai mới tiếp tục kiến nghị làm cầu Cát Lái trong giai đoạn hiện nay theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ".
Từng dự kiến khởi công cầu Cát Lái trong năm 2020
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận giao cho UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái, đồng thời phối hợp chặt chẽ với TP.HCM làm dự án theo đúng quy định hiện hành.
Khi đó, theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020, dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp với tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng và tách dự án ra làm 3 dự án thành phần.
Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…
Tại các cuộc làm việc giữa TP.HCM - Đồng Nai về dự án vẫn đánh giá khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai, giảm tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, đến nay Đồng Nai vẫn kiến nghị TP.HCM tiếp tục xây cầu Cát Lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận