Hệ thống cáp treo lên núi Chứa Chan (còn có tên là núi Gia Lào) góp phần thu hút du khách tìm đến di tích này - Ảnh: A LỘC
Dự kiến cấm leo núi 1 người
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26-3, bà Nguyễn Thị Cát Tiên - chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết khoảng 10 ngày trước, huyện đã họp bàn về nhiều vấn đề.
Huyện chỉ đạo Ban quản lý và bảo vệ rừng, di tích quốc gia núi Chứa Chan xây dựng kế hoạch tổng thể, phân công từng ngành và 5 xã có núi liên quan xây dựng kế hoạch. Bốn vấn đề chính gồm giải tỏa các hộ kinh doanh buôn bán ở trong đường từ cáp treo xuống chùa Bửu Quang; giải tỏa các hộ dân lấn chiếm hành lang, lòng lề đường; đưa ra phương án quản lý đối với phượt thủ, tính toán vấn đề quy hoạch, cấm mốc, trồng rừng trên núi.
"Sáng 27-3, tôi sẽ chủ trì cuộc họp, từng mục sẽ phân công cụ thể: ai sẽ giải tỏa, ai sẽ dọn dẹp lòng lề đường, quy định với người leo núi như thế nào, cắm các biển báo như thế nào để dân biết...", bà Tiên cho biết.
Ông Phan Như Huê - phó giám đốc Ban quản lý và bảo vệ rừng, di tích quốc gia núi Chứa Chan, cho biết hiện các phương án quản lý phượt thủ leo núi Chứa Chan mới dùng lại ở vận động người dân không giữ xe của những người đi phượt, kêu gọi mùa khô không leo núi để phòng chống cháy rừng, nghiêm cấm leo núi một mình. Còn về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ của các ngành chức năng.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, huyện Xuân Lộc đang mời gọi đối tác đầu tư vào khu di tích núi Chứa Chan theo kế hoạch được duyệt. Trong đó, một đơn vị đang trình kế hoạch tổ chức bay dù lượn trên núi.
Một số đơn vị cũng có kế hoạch tổ chức leo núi dã ngoại, cắm trại ngoài trời… nhằm thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của huyện Xuân Lộc phát triển hơn trong thời gian tới.
Núi Chứa Chan (Đồng Nai) với cảnh thiên nhiên hoang dã được nhiều phượt thủ tìm đến thử sức - Ảnh: A LỘC
Nếu chủ quan, ngay cả phượt thủ kỳ cựu cũng dễ lạc
"Mặc dù ở trong các hội đam mê leo núi, thường xuyên tham gia những cung phượt xuyên rừng và trang bị rất nhiều thiết bị dẫn đường hiện đại, chúng tôi vẫn phụ thuộc phần lớn vào người bản địa. Kinh nghiệm là luôn bám sát các porter (người mang đồ), người dẫn đường", anh Vũ Anh Tuấn - người đã tham gia rất nhiều cung phượt thuộc loại khó khắp Việt Nam như Tà Xùa, Bạch Mộc Lương Tử… - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Về câu chuyện lạc đường hôm 24-3 của bạn trẻ (Đồng Nai) - một cung phượt thuộc loại đơn giản, anh Tuấn cho rằng nguy cơ lạc đường có thể xảy ra ở bất cứ cung đường nào nếu lơ là, chủ quan và thiếu kỹ năng.
Theo anh, nhiều phượt thủ chuyên nghiệp vẫn gặp tai nạn lạc đường do chủ quan, không tìm hiểu kỹ địa hình, không thuê người bản địa dẫn đường.
"Tôi luôn tìm hiểu kỹ địa hình của mỗi chuyến đi, xin tracklog (file bản đồ ghi nhận tọa độ những điểm bạn đã đi qua bằng cách sử dụng định vị GPS từ vệ tinh để xác định vị trí theo tọa độ địa lý) nạp vào các thiết bị dẫn đường, nạp vào điện thoại…
Tuy nhiên các thiết bị này cũng không tối ưu, bởi các loại máy móc bắt tín hiệu từ vệ tinh, đặc biệt là điện thoại có sai số, phụ thuộc thời tiết, độ ẩm… "Chỉ cần sai số 5-10m là đã có thể đi lạc", anh Tuấn nói.
"Các cung phượt ở khu vực rừng núi, đặc biệt là rừng nhiệt đới với cây cối rậm rạp, lối đi không rõ ràng, không có sóng điện thoại mà người tham gia không có khả năng định hướng rất dễ xảy ra tình trạng đi lạc", anh Nguyễn Tử Ngọc Anh - giám đốc Công ty lữ hành Tropiad - chia sẻ.
Một nhóm bạn trẻ phượt cung Tà Năng - Phan Dũng nối Lâm Đồng với Bình Thuận - Ảnh: VŨ THỦY
Theo anh Ngọc Anh, trào lưu trong giới trẻ đã rộ lên 3-4 năm trở lại đây, nhưng phần đông mang tư tưởng "thích là nhích", tiết kiệm chi phí, "tay không" tham gia các chặng phượt. Nhiều người đi một vài lần cho rằng mình có kinh nghiệm nên cũng tổ chức dẫn đoàn, mà không lường trước những tình huống phát sinh.
"Các bạn thường chủ quan, không chuẩn bị cho các tình huống có thể bị lạc, rằng đi theo nhóm, có người dẫn đường… Nhưng thực ra có rất nhiều tình huống có thể xảy ra, nếu không chuẩn bị về thể lực, kỹ năng cơ bản thì rất dễ đi lạc", anh cho biết.
Một số tình huống đơn giản như một bạn nữ đi vệ sinh nhưng ngại nói với người dẫn đường, hay không đủ sức khỏe, bị tụt đường huyết bị rớt lại, thời tiết xấu làm mất dấu đường đi… "Bạn cần tuân thủ mọi quy định của người dẫn đoàn, dù có những chuyện nhạy cảm như đi vệ sinh cũng phải nói với người dẫn đoàn để họ biết và chờ bạn", anh nói.
Nguy cơ lạc đường có thể xảy ra ở cả những cung phượt tưởng chừng đơn giản với những người thiếu chuẩn bị, không có kỹ năng cơ bản - Ảnh: VŨ THỦY
Anh Ngọc Anh cũng nhận định rằng việc các bạn trẻ tổ chức các chặng phượt tự phát rất nguy hiểm, bởi không có kinh nghiệm về đường đi cũng như quản lý nhóm.
"Với các đoàn có từ 8 người trở lên, chúng tôi có thêm trợ lý cho người dẫn đường. Một người sẽ dẫn đường, một người sẽ chịu trách nhiệm "bọc hậu" để chốt đoàn, tránh tình trạng để rớt người lại phía sau", anh chia sẻ.
Theo anh, trước khi tham gia hành trình, người dẫn đoàn phải phổ biến các quy định cho người tham gia, yêu cầu mọi người phải tuyệt đối tuân thủ, đồng thời chỉ dẫn các kỹ năng cơ bản trong tình huống lạc đường.
Mang gì khi đi phượt?
Anh Vũ Anh Tuấn cho biết ngoài các thiết bị dẫn đường, sạc dự phòng dung lượng lớn có thể dùng cho nhiều ngày, người đi phượt cần chuẩn bị thức ăn khô như chocolate, lương khô… tự mang trong ba lô mà không gửi porter, mang theo hộp quẹt, đèn pin.
Trong trường hợp phát hiện đã đi lạc, quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, ở yên một chỗ nếu không thông thạo địa hình, không có kỹ năng tìm đường. Nếu có quẹt có thể đốt lửa để giữ ấm, đồng thời tạo khói để lực lượng tìm kiếm có thêm manh mối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận