12/05/2020 08:18 GMT+7

Đồng Nai muốn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 12 làn xe

ĐỨC PHÚ - HÀ MI
ĐỨC PHÚ - HÀ MI

TTO - UBND tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét nhiều dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn. Trong đó, Đồng Nai mong muốn mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe.

Đồng Nai muốn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 12 làn xe - Ảnh 1.

Thường xảy ra ùn tắc, thậm chí kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng tuyến đường về miền Đông đang quá tải, doanh nghiệp đang đối diện với nỗi lo ách tắc từng ngày.

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM)

Tỉnh Đồng Nai cho rằng đoạn quốc lộ 51 đến TP.HCM hiện nay thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm và lễ, tết trong khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng trong tình trạng quá tải. Việc mở thêm làn trên đường cao tốc này cũng nhằm đảm bảo kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác.

Chôn chân trên đường cao tốc

5 năm trước đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài khoảng 55km thông xe toàn tuyến (giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp) đã góp phần rút ngắn được khoảng cách, thời gian đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Người dân rất vui mừng khi từ TP.HCM đi huyện Long Thành (Đồng Nai) bằng đường cao tốc chỉ 20 phút thay vì 60 phút, từ TP đi Vũng Tàu được rút ngắn chỉ còn hơn 1 giờ so với trước đây.

Còn từ TP.HCM đến ngã ba Dầu Giây (hướng đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc hoặc hướng đi Liên Khương, Đà Lạt, Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên) đi theo lộ trình cũ dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ do thường xuyên ùn tắc. Nếu đi đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ, đồng thời giảm 20-30% chi phí vận tải.

Gắn bó với lộ trình cao tốc suốt 3 năm qua, chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ ở đường Tô Ngọc Vân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay cũng chính vì thời gian rút ngắn nên công ty chị đã chuyển xưởng lắp ráp máy xuống Long Thành nhằm tận dụng lợi thế về lao động dồi dào, chi phí thuê đất rẻ... "Sáng sớm, các nhân viên công ty chạy xe ra nút giao An Phú, Q.2 rồi lên xe đưa rước xuống nhà máy làm việc. Trung bình thời gian đi lại khoảng 30 - 40 phút" - chị Hiền nói.

Nhưng theo chị Hiền, thời gian gần đây mật độ xe cộ tăng khiến giao thông trên đường cao tốc cũng "chập chờn", có lúc mất đến vài tiếng. "Chẳng hạn, 16h45 nhân viên lên xe trở về TP.HCM, nếu kẹt xe, khi rời khỏi xe đưa rước về nhà đã gần 19h. Khổ nhất là ngồi trên xe, lỡ kẹt xe, không thể chủ động công việc gia đình như đón con, nấu cơm..." - chị Hiền kể.

Cũng theo chị Hiền, có thời điểm tài xế công ty chọn đi theo quốc lộ thay vì đi vào cao tốc. Nhưng tình hình quốc lộ chẳng khá hơn, cũng ùn tắc triền miên. "Có hôm gặp cảnh ùn tắc, xe đưa rước xuất phát từ TP lúc 7h mà 9h chưa tới nhà máy. Đến công ty là mệt bơ phờ, không còn tỉnh táo để làm việc" - chị Hiền nói.

Đồng Nai muốn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 12 làn xe - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - Đồ họa: T.ĐẠT

Đâu còn là cao tốc!?

Theo tài xế Lê Văn Kiệt (ngụ Q.9), cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không còn là cao tốc. Được thiết kế cho tốc độ 120km/h, nhưng có thời điểm phải chạy rất chậm vì xe quá đông, ùn tắc phải "chôn chân" hàng giờ liền. 

Nói thêm về tuyến cao tốc sau khi đưa vào sử dụng, ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết: "Việc đưa đường cao tốc vào sử dụng rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc thiết kế nút giao thông tại khu vực vòng xoay ở địa bàn huyện chưa phù hợp nên xe cộ qua lại đây thường xuyên ùn tắc, tai nạn giao thông". 

Cũng theo ông Đức, nhiều cử tri ở địa phương ủng hộ làm đường cao tốc nhưng họ than phiền vì đường cao tốc sử dụng không bao lâu đã xảy ra kẹt xe, tai nạn và bị lún...

Hiện theo thống kê của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây luôn có mật độ xe qua lại đông đúc nhất trong các tuyến giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Từ năm 2015 cao tốc ghi nhận chỉ phục vụ 10 triệu lượt xe thì nay đã tăng lên 16,5 triệu lượt.

Mật độ xe trên tuyến phân bố không đều, tập trung chủ yếu trên các đoạn hướng về TP.HCM, thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ tại 20km đầu tuyến cao tốc. Có thời điểm đơn vị quản lý cao tốc phải khuyến cáo người dân lựa chọn lộ trình thích hợp để đi nhằm giảm tải cho đường cao tốc, đồng thời đảm bảo lịch trình di chuyển.

Còn theo thống kê của Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lưu lượng xe cộ ngày càng tăng cao vượt năng lực thông hành tuyến cao tốc dẫn đến ùn ứ tại các điểm thu phí. Trung bình ngày cuối tuần lên đến 40.000 - 43.000 lượt xe, ngày lễ và tết có thời điểm tới 60.000 lượt xe. 

Các vị trí thường xảy ra ùn tắc như: trạm Long Phước, nhánh D - quốc lộ 50, trạm Dầu Giây, các tuyến nối vào quốc lộ 51, đường Mai Chí Thọ, Võ Chí Công.

Đồng Nai muốn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 12 làn xe - Ảnh 4.

Riêng đường dẫn vào tuyến cao tốc phía TP.HCM xe phải “bò” xảy ra thường xuyên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mở rộng lên 12 làn xe, cấp bách lắm rồi

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), với quy mô 4 làn xe, hiện tuyến cao tốc này đang có hiện tượng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng xe trên tuyến ngày càng tăng. Vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn giao thông.

Nói về việc này, ông Từ Nam Thành - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - cho hay: "Sau khi Đồng Nai có kiến nghị mở rộng lên 10 - 12 làn đường trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT cũng đã có văn bản giao cho đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc này".

Ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng TP.HCM là đầu mối trung chuyển hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự hình thành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thời gian qua đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, chừng đó cũng chưa đủ bởi hiện nay các tuyến đường về miền Đông vẫn đang quá tải, doanh nghiệp đang đối diện với nỗi lo ách tắc từng ngày.

Ông Quản phân tích tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm như hiện nay đã làm các doanh nghiệp vận tải đội chi phí rất nhiều. Cụ thể, chở một chuyến hàng về các tỉnh miền Đông nếu đường thông thoáng chỉ mất vài giờ nhưng có khi kẹt xe mất thời gian gấp đôi. Đó là chưa kể kẹt xe làm trễ nhịp giao hàng, các đối tác đôi lúc còn bắt chờ đến ngày hôm sau mới dỡ hàng.

Về góc độ vận tải, ông Quản hoan nghênh Nhà nước tập trung mở rộng cao tốc, đặc biệt xây thêm cao tốc, tăng cường năng lực giao thông kết nối liên vùng phía Nam. "Tuy nhiên khi thực hiện cũng phải nghiên cứu thực hiện cho kỹ để khi thu phí tránh có sự tranh cãi như một số trạm BOT thời gian qua" - ông Quản góp ý.

Doanh nghiệp muốn đầu tư hạ tầng giao thông

cuangosg 1(read-only)

Không chỉ cơ quan chức năng, nhiều nhà đầu tư cũng nóng lòng tháo gỡ vướng mắc hạ tầng các cửa ngõ vào TP.HCM. Trong ảnh: xa lộ Hà Nội giao với đường Mỹ Phước - Tân Vạn (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong lúc nhiều công trình, dự án kết nối hạ tầng giao thông được Nhà nước đầu tư nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra thì đã có doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư làm hạ tầng.

Cụ thể, vừa qua Tập đoàn địa ốc Novaland đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về mong muốn đầu tư làm tuyến đường liên vùng 4 kết nối giao thông vùng có chiều dài khoảng 45km, quy mô mặt đường rộng 40m, có cầu vắt qua sông Đồng Nai với tổng kinh phí dự kiến khoảng 6.621 tỉ đồng, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Tập đoàn này cho biết mục đích đầu tư nhằm tăng tính kết nối giao thông vùng, giảm tải cho các trục giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Novaland đã đưa ra ba phương án để kết nối giao thông đường vành đai 3 - TP.HCM đến quốc lộ 51 và quốc lộ 20.

Phương án 1, điểm đầu dự án kết nối với đường vành đai 3 tại P.Long Thạnh Mỹ (Q.9, TP.HCM) và điểm cuối là ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Phương án này đi theo hướng đông cắt qua sông Đồng Nai, qua Khu công nghiệp An Phước nối vào quốc lộ 51 (13,5km), sau đó đi theo đường ĐT 769 để kết nối vào quốc lộ 20 (41,5km).

Phương án 2, hướng tuyến cũng từ khu vực Q.9 đến cuối ngã tư Dầu Giây, cắt qua sông Đồng Nai rồi qua đường ĐT 777, cắt quốc lộ 51 và kết nối vào quốc lộ 20 với tổng chiều dài khoảng 42,5km.

Phương án 3, cũng bắt đầu từ P.Long Thạnh Mỹ, Q.9 tương tự hai phương án trên nhưng đi vòng, né Khu công nghiệp An Phước rồi kết nối quốc lộ 51, quốc lộ 20 với tổng chiều dài 57,7 km.

Với ba phương án trên, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết các ngành, các địa phương và Novaland bàn bạc đều thống nhất chọn phương án 2 vì tránh được nhiều trường học và khu dân cư.

Ông Từ Nam Thành - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Vừa qua, Sở GTVT đã đề nghị Novaland khảo sát, xây dựng phương án tuyến trên hệ tọa độ để các ngành liên quan chồng ghép các bản đồ quy hoạch địa phương, đồng thời cập nhật quy hoạch giao thông của vùng để mang lại hiệu quả kết nối giao thông cao nhất.

Phía Đồng Nai cũng vừa đề nghị Novaland làm việc với TP.HCM để lấy ý kiến về vị trí kết nối giao thông giữa hai địa phương Đồng Nai, TP.HCM nhằm thực hiện dự án".

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không xả trạm thu phí dù được yêu cầu nhiều lần Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không xả trạm thu phí dù được yêu cầu nhiều lần

TTO - Cục Quản lý đường bộ IV đã liên tục nhắc nhở đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về việc phải xây dựng phương án xả trạm thu phí khi kẹt xe kéo dài, nhưng đơn vị này chưa thực hiện.

ĐỨC PHÚ - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp