Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến ngày 25-9, toàn tỉnh ghi nhận 4.348 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, 3.918 ca nội trú (tăng 44% so với cùng kỳ 2016), 430 ca ngoại trú, có 8/11 huyện, thị, thành có số ca bệnh sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ, 3 ca tử vong.
Cùng thời gian trên, Đồng Nai ghi nhận tổng cộng 6.914 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, 4.167 ca điều trị ngoại trú, 2.747 ca điều trị nội trú (tăng 62% so với cùng kỳ). TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu là ba địa phương có số ca mắc tay chân miệng nhiều nhất, tổng ba địa phương chiếm trên 60% của toàn tỉnh.
Đoàn giám sát của Bộ Y tế kiểm tra thực tế tình trạng lăng quăng tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, Sở Y tế Đồng Nai đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cùng các trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử trí kịp thời và triệt để các ổ dịch, không để dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng bùng phát và lan rộng.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường kết hợp phun hóa chất diện rộng hàng tuần tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương để có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Đồng Nai cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực và các trung tâm y tế huyện chủ động trong kế hoạch điều trị để sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống. Bố trí nhân lực đầy đủ, phù hợp để tiếp nhận bệnh nhân và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu, đảm bảo phân loại mức độ bệnh đúng để theo dõi sát, xử trí nhanh và chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận