Nhân viên CDC Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho công nhân trên địa bàn TP Biên Hòa - Ảnh: HOÀN LÊ
Ngày 30-7, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 367 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đợt dịch thứ 4 đến nay lên 3.953 ca, 17 ca tử vong.
TP Biên Hòa là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 1.960 ca, tiếp đến là các huyện Nhơn Trạch 574 ca, Vĩnh Cửu 551 ca, Thống Nhất 193 ca…
Sở Y tế Đồng Nai nhận định, các ca dương mới chủ yếu ghi nhận tại các điểm dịch đã phong tỏa, thông qua xét nghiệm tầm soát, như phường Hóa An, Trảng Dài, Long Bình (TP Biên Hòa), xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), xã Hố Nai 3, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom).
Trong đó, qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện điểm dịch trong Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) với 57 ca dương tính. Đây là công ty đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 400 lao động trong tổng số 740 lao động được bố trí sản xuất, ăn và nghỉ ngơi tại công ty.
Qua điều tra ban đầu cho thấy doanh nghiệp này không thực hiện đúng quy định về xét nghiệm tầm soát, việc thực hiện "3 tại chỗ" không bảo đảm các yêu cầu về phòng chống địch, các cơ quan quản lý chưa thực hiện được công tác kiểm tra.
Mặt khác, tiếp tục ghi nhận các ca mới ở nhiều doanh nghiệp nhưng hầu hết chỉ có một vài ca trong mỗi công ty. Điều này cho thấy việc thực hiện đúng các quy định "3 tại chỗ" giúp doanh nghiệp phát hiện sớm ca dương xâm nhập để xử lý, qua đó có thể duy trì sản xuất kinh doanh.
Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hòa) thực hiện tốt quy định “3 tại chỗ” nên vẫn duy trì sản xuất hiệu quả. Trong ảnh: nhân viên công ty phun khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng hóa tại “vùng cách ly” trước cổng công ty để ngăn ngừa dịch xâm nhập - Ảnh: Công Đoàn
Cũng theo Sở Y tế Đồng Nai, thông qua test nhanh phát hiện nhiều ca mới rải rác trong cộng đồng ở nhiều địa phương cho thấy nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, lan rộng, khó kiểm soát; số ca bệnh diễn biến nặng và tử vong tăng; số ca mới tăng nhanh khiến việc chuẩn bị các khu thu dung điều trị khó khăn…
Ngành y tế Đồng Nai đề xuất các địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện "3 tại chỗ" ở các doanh nghiệp; tăng cường xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm ca dương và cần có giải pháp đối với việc phòng dịch trong các khu nhà trọ.
Trước đó, ngày 29-7, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc hỗ trợ người lao động về địa phương khi doanh nghiệp "3 tại chỗ" có trường hợp mắc COVID-19.
Trong đó, đề xuất ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp về công tác y tế để khoanh vùng, truy vết, cách ly phù hợp; nhanh chóng đưa F0, F1 ra khỏi phạm vi công ty. Sau khi công ty được khử khuẩn, công nhân có xét nghiệm âm tính sẽ tiếp tục sản xuất, thực hiện phương án 3 tại chỗ.
Trong trường hợp người lao động có tâm lý bất an, doanh nghiệp không thể tiếp tục để người lao động ở lại công ty thì thông báo ban quản lý, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện tổ chức xét nghiệm cho lao động. Nếu âm tính thì có văn bản đề nghị chính quyền địa phương tiếp nhận người lao động trở về địa phương. Còn trường hợp người lao động ở vùng phong tỏa thì địa phương bố trí nơi cách ly theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp dừng hoạt động và không tiếp tục phương án "3 tại chỗ" thì doanh nghiệp tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người lao động, có kết quả âm tính thì thông báo cho ban quản lý, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện thực hiện tiếp nhận lao động…
Theo DIZA, đến nay có hơn 1.110 doanh nghiệp trên địa bàn với gần 130.000 lao động (trên tổng số hơn 320.000 lao động) thực hiện phương án "3 tại chỗ". Trước khi vào tạm trú tại doanh nghiệp, toàn bộ lao động đều được xét nghiệm âm tính.
Đến nay, một số doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" đã phát hiện ca mắc COVID-19 trong quá trình tự tiến hành test nhanh và liên hệ cơ quan y tế. Đồng thời, làm công tác tuyên truyền, vận động người lao động bình tĩnh, thực hiện biện pháp 5K.
Tuy nhiên, với số lượng F0, F1 ngày càng tăng, người lao động ngày càng lo lắng và không muốn tiếp tục ở lại doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải cho về, đã xuất hiện tình trạng kích động, dễ dẫn đến khó kiểm soát. Do đó, DIZA đã có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận