Vào lúc 9h30 ngày 5-6, các xe bồn chở gas của Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) vẫn "nằm chờ" trước cảng Gò Dầu dù đây là vận chuyển mặt hàng thiết yếu - Ảnh: QUANG TUẤN
Xe vận chuyển hàng thiết yếu gặp khó
Ông Lê Quang Tuấn - trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) - cho biết quy định phòng dịch của UBND tỉnh Đồng Nai đã ảnh hưởng đến việc lưu thông xe chuyên chở hàng hóa của doanh nghiệp này.
Cụ thể, sáng 5-6, xe bồn chở gas của doanh nghiệp này khi đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đã bị lực lượng bảo vệ của cảng không cho vào nhận hàng.
Lý do bảo vệ đưa ra là "thực thiện theo công văn 6180/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai về việc cách ly người về, đến từ TP.HCM để tăng cường phòng chống dịch COVID-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương", do đó cảng không tiếp nhận xe chở hàng.
Theo ông Tuấn, gas là nhiên liệu thiết yếu nên việc tạm ngưng cho xe bồn nhận gas để cung ứng cho thị trường sẽ ảnh hưởng đến cung ứng của công ty nên tài xế vẫn chờ xem cách giải quyết của cảng.
Ông Tuấn cho hay từ 7h30 đến 9h30, việc vào cảng nhận gas vẫn chưa thể thực hiện, các xe bồn chở gas của doanh nghiệp này vẫn còn nằm chờ. Ông Tuấn lo lắng nếu ách tắc, việc vận chuyển gas sẽ gặp khó trong khi đây là mặt hàng thiết yếu đã được các quy định khác cho phép lưu thông.
Trong khi đó, giám đốc một nhà máy tại Đồng Nai cũng cho biết ngay sau khi tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản, công ty đã lập tức ứng phó để đảm bảo duy trì sản xuất bởi công ty này có những kỹ sư, chuyên gia sinh sống tại TP.HCM.
Ngay trong ngày 4-6, công ty này đã lập tức thuê khách sạn cho các chuyên gia, kỹ sư của doanh nghiệp này từ TP.HCM về Đồng Nai lưu trú trong thời gian không được phép đi về giữa Đồng Nai và TP.HCM.
Quy định "gây sốc cho các doanh nghiệp"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết rất nhiều hội viên của VPA đang có công nhân lao động đi làm về trong ngày giữa TP.HCM - Đồng Nai rất nhiều, và quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành "gây sốc cho các doanh nghiệp bởi họ không hề có thời gian để chuẩn bị. Và nếu làm máy móc, không khoa học thì hậu quả kinh tế để lại vô cùng nghiêm trọng".
Theo ông Lam, việc điều phối của những cơ quan chức năng giữa các thành phố trong mùa dịch cần được thực hiện trên cơ sở đảm bảo an toàn, nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế.
Thay vì "cấm cái rụp", "nội bất xuất ngoại bất nhập" như công văn của Đồng Nai, ông Lam cho rằng "sao không tổ chức sàng lọc từng địa điểm/vùng có nguy cơ lây nhiễm hoặc đã vướng nhiễm COVID-19 để cách ly tuyệt đối theo chỉ thị 16, còn những nơi khác của Đồng Nai thì vẫn cho sinh hoạt, di chuyển bình thường theo chỉ thị 15 của Chính phủ?".
Lấy ví dụ các trường hợp đang áp dụng tại một số doanh nghiệp hội viên, ông Lam cho biết thêm hiện các doanh nghiệp đã tự chủ động làm xét nghiệm cho các nhân viên, đội xe khi vận chuyển, chở hàng, giao dịch giữa các địa phương.
Các doanh nghiệp còn yêu cầu công nhân phải mặc trang phục bảo hộ, đảm bảo thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ Y tế trong suốt quá trình lao động tại nơi làm việc, hoặc khi di chuyển ra khỏi công ty theo yêu cầu công việc bắt buộc.
"Nếu Đồng Nai suy nghĩ thấu đáo về cách thực hiện, tổ chức phân luồng xét nghiệm và cấp giấy cho doanh nghiệp đã hoàn tất xét nghiệm y tế ra vào địa bàn theo từng khu vực có mức độ lây nhiễm thấp hay cao, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp đang sử dụng lao động trên TP.HCM thì tôi tin sẽ không có vướng mắc, hay nguy cơ dịch bùng phát như tỉnh lo ngại", ông Lam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp nháo nhào tìm nhà trọ, khách sạn
Giám đốc truyền thông của một tập đoàn lớn tại TP.HCM cho rằng việc yêu cầu cách ly 21 ngày đối với người từ TP.HCM của tỉnh Đồng Nai là chưa hợp lý.
Thủ tướng đã chỉ đạo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhưng văn bản này làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Thực tế, khi Đồng Nai ra văn bản trên khiến hàng chục người ở Đồng Nai làm việc tại TP.HCM khá sốc.
Họ phải nháo nhào tìm nhà trọ, khách sạn tạm trú để đảm bảo công việc hằng ngày. Không chỉ làm tốn kém thêm tiền của người dân mà vô hình trung tạo ra gánh nặng cho thành phố vì thêm người lưu trú khiến việc giãn cách không đảm bảo, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch cao hơn.
Vị này cho rằng cần có những biện pháp tốt hơn như xét nghiệm nhanh hay vận động tuyên truyền người dân... chứ không thể "ngăn sông cấm chợ" như vậy được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận