13/03/2023 10:40 GMT+7

Đồng minh của con trong thế giới Internet

Trong vòng xoáy Internet, cha mẹ cần là một đồng minh tin cậy, thân thiện của con để chống lại thông tin xấu độc, đồng thời cũng là người thầy đầu tiên cùng con khai thác những ưu việt của thời đại số.

Nhiều cạm bẫy rình rập trẻ trên thế giới internet - Ảnh minh họa: istock

Nhiều cạm bẫy rình rập trẻ trên thế giới internet - Ảnh minh họa: istock

Khảo sát mới đây của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy có đến 89% trẻ em Việt Nam có sử dụng Internet, trong đó có 87% dùng Internet hằng ngày. 

Con số thống kê đáng báo động ấy rất dễ bị chìm nghỉm giữa bạt ngàn tin tức dồn dập từng giây xoắn lấy mối bận tâm của con người. Trẻ vẫn sa đà vào Internet, còn người lớn vẫn vô tư lẫn vô tâm giao con cho "bảo mẫu" - thiết bị công nghệ số.

Cạm bẫy rình rập từ thế giới internet

Còn nhớ tại hội nghị tập huấn "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng", do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hồi tháng 8 năm ngoái, nhiều đại biểu đã nhận định và cảnh báo trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng.

Theo đó, tại Việt Nam, có 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet nhưng chỉ có 36% nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. Đáng chú ý, 1% trẻ bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không được sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện tình dục...

Quả là đáng lo vô cùng! Câu hỏi đầy trăn trở đã inh ỏi gióng lên bấy lâu, nay càng cuộn sóng muộn phiền: Làm thế nào để bảo vệ con trẻ trước sự bủa vây lẫn lộn trắng - đen, tốt - xấu của mạng xã hội?

Dư luận đã hãi hùng trước những "anh hùng mạng" chửi nhiều hơn nói cùng vô số hành xử bạo lực lại được tung hô như thần tượng... Hàng loạt clip dạy cách tự tử, mạo hiểm cùng vô số thử thách khác khiến trẻ tò mò treo cổ vào móc áo trên giá và tử vong... 

Hàng loạt nhân vật hoạt hình vốn là thần tượng của tuổi thơ bị đánh tráo và lợi dụng để diễn những trò lố, phản cảm, tục tĩu... Vô số kẻ lợi dụng mạng xã hội để khoe thân câu like, cởi áo bán hàng, dụ dỗ trẻ gửi "ảnh nóng", clip nhạy cảm...

Giữa bối cảnh nhà nhà nháo nhào kiếm tiền từ mạng ảo, người ta rất dễ sa chân vào con đường câu like, câu view bằng clip độc, video sốc. Giữa thời đại công nghệ số len lỏi vào từng gia đình, điện thoại thông minh hiện diện nhiều hơn trên đôi tay trẻ, mối nguy trẻ bị nhấn chìm trong Internet và rơi tõm vào hố sâu "bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng" gần trong gang tấc. 

Chúng ta vẫn đang rút ví trả tiền cho những sản phẩm mượn danh "sáng tạo" để rồi lắm khi chẳng biết con cái đang xem gì và học gì từ mạng ảo! Tiếc thay!

Đồng hành, sát sao với con khi sử dụng internet

Chúng ta hoàn toàn không thể tách biệt một đứa trẻ ra khỏi thiết bị công nghệ và không gian ảo. Vấn đề là ngày càng nhiều hơn những gia đình Việt thiếu tiếng nói chung giữa đời thực, cha mẹ mỗi người một smartphone, con cái mỗi đứa một iPad. Bố mẹ có thế giới riêng với những mối bận tâm của người lớn, con trẻ chìm trong thế giới riêng với những thú vui lành mạnh lẫn tiêu cực.

Bao người nhắc nhở nhau buông điện thoại để chơi cùng con, truyền thông cảnh báo nhiều về thế giới ảo với vô vàn cám dỗ, cạm bẫy, rủi ro... Tiếc rằng không ít bố mẹ lại thả nổi con trên không gian mạng, bỏ rơi con tự bơi giữa một mớ hỗn độn của tốt - xấu, đúng - sai, trắng - đen...

Khi con gái của tôi 3 tuổi, tôi trở thành một fan trung thành của những clip hoạt hình vui nhộn lồng ghép các bài hát tiếng Anh. Khi con gái của tôi 5 tuổi, tôi cùng cháu khám phá hàng loạt video dạy cách vẽ cỏ cây hoa lá. Khi con gái của tôi 7 tuổi, tôi phải tập trung lắng nghe những câu đố hiểm hóc để cùng giải đố và khám phá thế giới qua màn hình cùng con gái...

Không ai khác mà chính là bố mẹ phải kéo con trở thành đồng minh trong cuộc chiến với thông tin có hại. Không ai khác mà chính bố mẹ phải là người thầy đầu tiên định hướng với con về cách sử dụng mạng xã hội an toàn, nên và không nên chia sẻ thông tin gì hay đăng tải hình ảnh nào, cảnh giác với các chiêu trò dụ dỗ cũng như cách "giăng bẫy" của một số đối tượng xấu trên không gian mạng...

Muốn vậy, hãy dành nhiều hơn thời gian cho con, cùng chơi, cùng học để định hướng cho con kỹ năng tránh xa cái xấu và đến gần hơn với điều thiện lương, tử tế! Xin hãy nhớ rằng: Mỗi đứa trẻ trong tổ ấm là một báu vật. 

Nâng niu và vun xới tâm hồn cho con trẻ chính là trách nhiệm của bậc sinh thành! Bảo vệ trẻ trước vòng xoáy cạm bẫy từ mạng xã hội là cách yêu thương con đúng mực của bậc sinh thành!

Để con không bị nhấn chìm trong InternetĐể con không bị nhấn chìm trong Internet

Khảo sát mới đây của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy có đến 89% trẻ em Việt Nam có sử dụng Internet, trong đó 87% dùng Internet mỗi ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp