Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng quà lưu niệm cho nhà đầu tư Hàn Quốc - Ảnh: TUẤN DUY
Tới nay, "vóc dáng" một thành phố mới được quy hoạch bài bản, đồng bộ, sôi động, trở thành "điểm đến cho tất cả" đã dần dần lộ diện.
Kết nối với metro TP.HCM
Một trong những chi tiết thu hút nhất sự chú ý của người dân đối với dự án Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố mới Bình Dương vừa được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng chủ đầu tư là Tổng công ty Becamex IDC chính thức công bố vào tối 23-11 vừa qua, đó là trung tâm này sẽ được kết nối với metro TP.HCM.
Trung tâm được xây dựng trên diện tích 7ha, có vị trí đắc địa nhất tại thành phố mới - là khu vực vòng xoay liền kề trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.
Việc kết nối với TP.HCM sẽ được thực hiện như thế nào? Theo quy hoạch, ngoài các công trình phức hợp, bao gồm trung tâm tài chính ngân hàng, hội nghị, phố đi bộ, các khu mua sắm... thì trung tâm sẽ được thiết kế bao gồm một nhà ga, kết nối đồng bộ, thuận lợi với các loại hình giao thông. Trong đó, nhà ga tại trung tâm này cũng sẽ chính là nhà ga cho tuyến metro kết nối Bình Dương - TP.HCM.
Sơ đồ thể hiện kết nối giữa Trung tâm Thương mại Thế giới Bình Dương và Bến xe Miền Đông mới, kết nối theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh nhỏ: Phối cảnh Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố mới Bình Dương (có kết hợp nhà ga cho giao thông công cộng) - Đồ họa: ANH TUẤN
Vị trí khu vực xây Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố mới Bình Dương
Trước mắt, tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu thực hiện dự án tăng cường năng lực giao thông công cộng và xe buýt nhanh (BRT) kết nối TP.HCM - Bình Dương. Theo đó, hai nhà ga điểm đầu và cuối của dự án chính là bến xe Miền Đông mới (TP.HCM) và nhà ga trung tâm nói trên tại thành phố mới Bình Dương. Dự kiến tuyến buýt nhanh này sẽ chạy dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Phạm Ngọc Thạch...
Tại lễ công bố, nhiều đối tác quan trọng công bố phối hợp cùng Bình Dương để xây dựng trung tâm này, như đối tác Hàn Quốc là COEX - đơn vị sở hữu và vận hành các trung tâm hội nghị, triển lãm lớn nhất Hàn Quốc; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các đối tác quốc tế khác... Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA) cũng đã công bố kết nạp Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội này.
Về tổng mức đầu tư, hiện nay chủ đầu tư chưa thể công bố số liệu chi tiết, tuy nhiên dự án Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố mới Bình Dương chắc chắn là một trong những dự án quy mô lớn, kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Với việc là thành viên chính thức của WTCA - một tổ chức hiện có 330 thành viên đến từ 100 quốc gia, có hơn 1 triệu doanh nghiệp tham gia - Bình Dương có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, tạo cầu nối, môi trường để doanh nghiệp trong nước làm ăn với các đối tác trên toàn cầu.
Hình thành "vùng thông minh Bình Dương"
Các dự án hợp tác với quốc tế để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ...đã góp phần hình thành "vùng thông minh Bình Dương", trong đó lấy khu vực thành phố mới là hạt nhân.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á (HORASIS) 2019, đại diện đối tác Việt Nam là Tổng công ty Becamex IDC đã ký kết hợp tác chiến lược với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để cùng xây dựng dự án hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo "Block71" tại Việt Nam.
"Block71" là một hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo đã rất thành công tại Singapore. Dự án này không chỉ là xây dựng một tòa nhà, không gian làm việc chung cho những người có ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, mà quan trọng hơn còn hình thành những cơ chế để "chắp cánh" cho những ý tưởng thiết thực, phát triển thành những sản phẩm, doanh nghiệp cụ thể...
Với sự hợp tác này, dự án "Block71" sẽ được xây dựng tại Việt Nam với sự hậu thuẫn, hợp tác giữa đối tác Bình Dương và Đại học Quốc gia Singapore cho các dự án khởi nghiệp.
Ngoài ra, Tổng công ty Becamex IDC cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Theo đó, viện sẽ nghiên cứu và xây dựng trung tâm khoa học công nghệ cao tại Bình Dương. Qua đó sẽ tìm kiếm các giải pháp, công nghệ để cải tiến sản xuất, tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động tại doanh nghiệp.
Như vậy, bên cạnh những dự án mới được công bố, hiện nay tại thành phố mới Bình Dương đã có cơ sở hạ tầng, các "công trình tạo lực" cho sự phát triển như: khuôn viên Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) và Đại học Việt - Đức, vườn ươm doanh nghiệp, các trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn hiện đại, các trường học mầm non, phổ thông, các khu thương mại dịch vụ, đô thị do nhiều đối tác quốc tế hợp tác đầu tư...
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết với những thế mạnh sẵn có như phát triển công nghiệp thành công, thu hút được hàng ngàn dự án vốn FDI, dẫn đầu cả nước... thì Bình Dương có nhiều tiền đề thuận lợi để thực hiện thành công dự án Trung tâm Thương mại Thế giới nói riêng và các dự án khác tại thành phố mới nói chung. Qua đó, góp phần lan tỏa phát triển kinh tế, đô thị của khu vực, đồng thời tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp trong nước kết nối với các đối tác và thị trường quốc tế.
Sản phẩm Việt tại hội nghị quốc tế
Để góp phần vào thành công của hội nghị HORASIS 2019, ngoài sự nỗ lực của ban tổ chức (bao gồm UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC, VSIP) thì còn kể đến sự đồng hành của các tình nguyện viên, các doanh nghiệp khác.
Tại hội nghị, một trong những nhà tài trợ là Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã đồng hành cùng ban tổ chức để trao tặng những sản phẩm Việt tiêu biểu tới bạn bè quốc tế. Nutifood có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, là đơn vị có đóng góp tích cực đối với các hoạt động phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận