Phóng to |
Học sinh chuyên toán Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) theo dõi diễn biến sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields trên Tuổi Trẻ Online chiều 19-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Em Phạm Thanh Tùng (học sinh lớp 10A1 chất lượng cao khối chuyên toán - tin) cho biết: “Đó là niềm tự hào của VN. Em nghĩ thành công là do sự nỗ lực của từng người, nếu chúng em cố gắng thì việc đạt đến trình độ như GS Ngô Bảo Châu là điều hoàn toàn có thể!”.
Lúc 13g30 ngày 19-8, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương (chủ nhiệm khối chuyên toán - tin) thông báo vừa lên mạng tìm đọc thông tin về GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Thầy xúc động: “Trong giờ phút đặc biệt này, các nhà toán học VN phải cùng ngồi lại với nhau để ăn mừng. Chiều nay, các thầy cô giáo của khối chuyên toán, trong đó có những người đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu sẽ có một cuộc gặp mặt vui vẻ để cùng ôn lại những kỷ niệm về người học trò hồn hậu và tài năng này”.
Cô Hoa, giáo viên văn từng có thời gian dạy GS Ngô Bảo Châu, kể lại những ấn tượng về cậu học trò của mình: “Ngô Bảo Châu gây ấn tượng với tôi bởi sự khoan hòa, nhân hậu, tình cảm với thầy cô giáo và bạn học. Dù là học sinh chuyên toán nhưng Châu vẫn là người có tâm hồn lãng mạn”.
Thầy Đỗ Thanh Sơn, người trực tiếp dạy GS Ngô Bảo Châu môn hình học suốt hai năm lớp 9 và 10 (hệ 10 năm), chia sẻ niềm tự hào khi học trò nhận giải thưởng Fields. Thầy hồi tưởng lần đầu tiên tiếp xúc với Ngô Bảo Châu: “Ngô Bảo Châu những năm lớp 9 bé loắt choắt, da trắng nhưng có quả đầu to quá cỡ. Thoạt nhìn ai cũng nhận ra đó là một cậu bé rất thông minh. Tôi nhớ ngày đó tôi đã nói với thầy trưởng khối chuyên toán rằng Ngô Bảo Châu sẽ còn tiến xa hơn những học sinh trước đây của chúng ta. Điều đó đến hôm nay đã trở thành sự thật”.
Đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Châu Nguồn tin từ Ban Thi đua khen thưởng trung ương (Bộ Nội vụ) xác nhận sáng 19-8, Bộ GD-ĐT đã gửi sang Ban Thi đua khen thưởng trung ương hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu. Ngay lập tức các thủ tục cần thiết được tiến hành, hồ sơ sẽ được Ban Thi đua khen thưởng trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu. Theo ông Trần Quang Quý - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc đón tiếp GS Châu trở lại VN sẽ được tổ chức trang trọng. Dự kiến sáng 29-8, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận... sẽ ra sân bay Nội Bài để đón GS Châu. Tối 29-8, lễ chào mừng sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tại buổi lễ này sẽ công bố quyết định khen thưởng của Đảng và Nhà nước trao tặng. Dự kiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ có buổi tiếp GS Châu trong thời gian ông lưu lại VN. |
Cộng đồng mạng hi vọng, hồi hộp và vỡ òa...
Đó chính là tâm trạng của rất nhiều thành viên trên các diễn đàn mạng trong lúc mong chờ GS Ngô Bảo Châu được xướng danh đoạt giải thưởng Fields.
Ngay từ sáng sớm 19-8, rất nhiều thành viên trên các diễn đàn mạng đã tự tin bày tỏ ngày 19-8 sẽ ghi thêm một phần lịch sử của dân tộc VN với giải thưởng của GS Ngô Bảo Châu. Thông tin đoạt giải của GS Châu lan tỏa nhanh chóng trong không khí hào hứng đầy tự hào. Một thành viên trên diễn đàn ddth.com vui mừng: “GS Ngô Bảo Châu đã đoạt giải Fields... Theo dõi từ 11g đến giờ (www.icm2010.com) hồi hộp quá!”. Một thành viên trên diễn đàn yeutretho.com ca ngợi: “Chúc mừng anh nhé. Đất nước, dân tộc tự hào về anh, trong đó có cả chúng em, lớp đàn em của anh...”.
* “Anh Châu đã đoạt giải thưởng Fields, đó thật sự là đỉnh cao của một tài năng VN. Tôi thấy người VN giờ rất tài năng và đầy tiềm năng. Nếu đất nước tạo điều kiện đầy đủ cho tài năng thì chắc chắn sẽ gặt hái những kết quả khả quan. Tài năng mà không được gặp môi trường thuận lợi cũng giống như những đóa hoa đẹp chóng nở nhưng cũng chóng tàn”. TS Hoàng Lê Minh (người VN đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic toán năm 1974, nay là viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số - Bộ Thông tin - truyền thông) * “Đây như một sự động viên với các bậc làm cha làm mẹ có con đang theo đuổi nghiên cứu toán học. Thật sự khi con tôi chọn việc nghiên cứu toán học, tôi lo cho cuộc sống sau này của cháu lắm. Mong rằng nhiều nhà nghiên cứu toán học khác của VN đang âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho ngành cũng sẽ được hỗ trợ để có những công trình thiết thực như GS Ngô Bảo Châu”. Bà Trần Thị Diệu Tú (phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, TP.HCM, có con đang theo học chương trình đào tạo “Nhà nghiên cứu khoa học trẻ” ở Singapore) * “Đây là điểm nhấn để các nước nhìn nhận đúng đắn về trình độ toán học của người VN. Sẽ là minh chứng thuyết phục cho tư tưởng nếu đam mê và sống hết mình với khoa học thì khoa học sẽ mang lại vinh quang cho mình”. Thầy Nguyễn Đức Tấn (giáo viên dạy các lớp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi THCS ở TP.HCM) * “Việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields làm giảm bớt sự tự ti về khả năng nghiên cứu khoa học - công nghệ của người VN. Tôi tin sự kiện này sẽ làm cho giới trẻ chú ý hơn lĩnh vực toán học. Những nhà nghiên cứu cũng sẽ tự tin hướng đến những giải thưởng cao quý chứ không ngại ngần như trước”. PGS.TS Đặng Đức Trọng (trưởng khoa toán - tin ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) * “Sự kiện này đã gợi mở cho tôi nhiều suy nghĩ về tương lai, vì năm nay tôi được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương. Có thể suy nghĩ của tôi là nhất thời và trẻ thơ, nhưng tôi thấy rằng ở nước ta cuộc sống của những người làm khoa học nói chung và nghiên cứu toán học nói riêng thường đạm bạc. Hình như Chính phủ VN vẫn chưa có sự đãi ngộ thỏa đáng với người làm nghiên cứu khoa học. Lớp tôi có 37 học sinh thì hơn 20 bạn vào ĐH Ngoại thương, gần 10 bạn vào ĐH Y dược và ĐH Kinh tế, chỉ có 4-5 bạn vào khoa toán - tin ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Thậm chí một bạn của tôi đã tuyên bố rằng: “Mình chấp nhận theo toán là đã chấp nhận không làm giàu, suốt ngày chỉ có giấy nháp và bút mà thôi”. Việc GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields đã khiến tôi cảm thấy lưu luyến và vương vấn về toán học. Tôi nhận ra rằng động lực khiến con người đến với nghiên cứu toán học không phải để lấy huy chương, giải thưởng mà là khao khát được cống hiến sức mình cho khoa học, khao khát được sống với tình yêu nghiên cứu khoa học của mình”. Phạm Hy Hiếu (huy chương bạc kỳ thi toán quốc tế 2009, học sinh lớp 12 toán Trường THPT Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM). |
_______________
Với đức tính khiêm tốn vốn có của người VN, ta vẫn có quyền dùng từ đỉnh cao mà không sợ lạm dụng, để chỉ nét đặc sắc thứ nhất trong thành tựu toán học của GS Ngô Bảo Châu. Đó không chỉ là đỉnh cao của riêng nước ta mà còn là đỉnh cao của thế giới. Bởi lẽ ai cũng biết huy chương Fields được coi như giải thưởng Nobel trong toán học, nếu không muốn nói là còn khó hơn, do hạn chế về độ tuổi phải dưới 40.
Nét đặc sắc thứ hai trong thành tựu của GS Ngô Bảo Châu là sáng tạo, không phải sáng tạo nhỏ mà là sáng tạo huy hoàng, có sức tỏa sáng rộng xa. Anh không đi vào “râu ria” trong khoa học, mặc dù những nghiên cứu “râu ria” cũng rất cần. Anh không đắm mình trong “ao đầm ngòi lạch” mà bơi giữa dòng “đại giang” toán học, không sợ sóng to gió lớn, vì biết tự động viên mình “bởi trời muốn thử lòng để trao mệnh lớn”! Có thể nói chương trình Langlands là phương hướng nghiên cứu của giới toán học lý thuyết thế giới hơn 30 năm qua, tuy nhiên nó gặp một chướng ngại lớn là phải chứng minh được Bổ đề cơ bản. Bao nhiêu bộ óc lỗi lạc ra sức tìm tòi nhưng cuối cùng đều... toi công! Thế rồi, Gérard Laumon và Ngô Bảo Châu chứng minh được một phần. Thành công bước đầu ấy cũng đủ khiến hai người đoạt giải thưởng Clay của Mỹ năm 2004 và ngay sau đó G. Laumon được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Pháp.
Ngô Bảo Châu còn lại “một mình một ngựa” trên dặm đường xa. Anh tự viết lấy công trình dài 188 trang, giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát. Anh trở thành nhà toán học trẻ xuất sắc nhất châu Âu, được tặng giải thưởng Oberwolfach năm 2007, rồi giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học Pháp năm 2008.
Nhân tài - nhất là nhân tài trong toán học, âm nhạc, thể thao - không tự dưng mà có! Phải biết phát hiện và tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. GS Tạ Quang Bửu, bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp thời chống Mỹ, đã có tầm nhìn rất xa khi quyết định mở các lớp phổ thông chuyên toán đầu tiên tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1965 dưới mưa bom Mỹ. Đây là vườn ươm bao tài năng khoa học, trong đó có Đào Trọng Thi, Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn...
Khối phổ thông chuyên toán - tin của trường đại học này đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ngô Bảo Châu là một bông hoa của nền giáo dục mới, được mở đầu từ Cách mạng Tháng Tám. Bác Hồ từng gửi gắm niềm tin vào các thế hệ trẻ về sau sẽ làm cho đất nước ta có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”...
Theo tôi nghĩ, ta đã khá chú ý đến hai khâu phát hiện và tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng, nên đã xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài trẻ tuổi. Song khâu thứ ba là sử dụng và đãi ngộ e rằng còn nhiều bất cập! Quan tâm giải quyết thỏa đáng khâu này chắc chắn sẽ làm cho các tài năng trong mọi lĩnh vực ngày càng nở rộ.
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận