Nhiều khu vực ở tỉnh Thái Nguyên bị tốc mái, đổ cây, nhiều công trình hư hỏng do dông, lốc - Ảnh tư liệu
Sau tết nguyên đán không lâu, các tỉnh Bắc Bộ xảy ra đợt mưa lớn, dông, lốc, mưa đá gây thiệt hại ở nhiều địa phương.
Theo ông Trần Quang Năng - trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt mưa lớn, dông, lốc, mưa đá này đã được dự báo và cảnh báo.
Theo ông Năng, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị đẩy dịch về phía Nam bởi một khối không khí lạnh từ phía Bắc kết hợp với hội tụ trong rãnh gió Tây trên cao, kèm theo điều kiện nền nhiệt độ chung ở các tỉnh Bắc Bộ trong thời gian qua khá cao, độ ẩm lớn trong khí quyển đã tạo điều kiện thuận lợi cho mưa dông phát triển mạnh.
Vì vậy, từ tối 16-2, ở Tây Bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ đã có mưa rào và dông. Tiếp đến từ ngày 17-2 vùng mưa mở rộng ra toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm mưa lớn là Việt Bắc và Đông Bắc.
Dông kèm lốc xoáy đã gây gió giật mạnh, mưa đá ở vùng núi Bắc Bộ như ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, và Bát Xát (Lào Cai). Ở Sơn La, Thái Nguyên cũng ghi nhận có mưa đá.
Điều khác biệt ở đợt dông, lốc, mưa đá ở các tỉnh miền Bắc vừa qua, theo ông Năng, đó là dấu hiệu cho thấy cao điểm thời kỳ dông, lốc đến sớm hơn so với các năm.
Ông Năng cho biết dông, lốc mạnh ở Việt Nam xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.
"Khi đó có sự gặp gỡ vào xáo trộn mạnh giữa các khối khí nóng và lạnh, khô và ẩm, đây là điều kiện lý tưởng tạo ra những đám mây đối lưu phát triển mạnh. Hệ quả là gây ra các trận lốc xoáy, gió giật mạnh, mưa đá trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh vùng núi", ông Năng phân tích.
Ông Năng cho rằng với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng gần đây, dự đoán thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận