Xe dán thẻ ePass, ETAG đều có thể đi qua làn ETC trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình, một trong 35 trạm thu phí thực hiện thu phí tự động bằng hệ thống ePass do Công ty VDTC của Viettel cung cấp - TUẤN PHÙNG
Trong số 35 trạm thu phí thực hiện ETC từ ngày 29-12, có 25 trạm thuộc các dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thuộc dự án ECT giai đoạn 2 do Công ty VDTC thành viên Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel) làm nhà cung cấp dịch vụ ETC với tên gọi ePass.
10 trạm thuộc những dự án BOT do các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do nhà đầu tư BOT đàm phán và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ ETC với VDTC.
Để sử dụng dịch vụ ETC do Công ty VDTC cung cấp, xe sẽ dán thẻ ePass và nộp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, thanh toán trực tuyến khi kết nối với Ngân hàng số ViettelPay lúc đi qua trạm thu phí.
Tính đến ngày 29-12, đã có 56 trạm thu phí sử dụng dịch vụ ETC do Công ty VETC cung cấp và 35 trạm thu phí sử dụng ETC do Công ty VDTC cung cấp, nâng tổng số trạm thu phí ETC trong cả nước lên 91.
Hệ thống ETC thuộc Bộ GTVT và các địa phương triển khai theo quyết định của Thủ tướng đều đồng nhất công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động xe thông qua thẻ định danh dán trên xe.
Do Công ty VDTC đã ký hợp đồng liên thông khai thác với với Công ty TNHH thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 1), nên xe dán thẻ ePass của Công ty VDTC cung cấp hay thẻ ETAG do VETC cung cấp đều có thể trả phí tự động ở bất cứ trạm thu phí ETC nào. Xe qua trạm BOT do công ty nào cung cấp dịch vụ ETC thì công ty đó sẽ cấp hóa đơn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao Tập đoàn Viettel đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực, nhân lực để trong 6 tháng triển khai, hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng ePass.
Trong ngày đầu thu phí không dừng, làn ETC của trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình luôn thông thoáng, còn làn thu phí thủ công nhiều khi xe phải xếp hàng chờ trả tiền - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Dự án ETC giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 40 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ ETC với thẻ ETAG dán trên xe.
Đến nay dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).
Dự án ETC giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam - VDTC, với thẻ ePass dán trên xe.
Đến nay đã lắp đặt đưa vào vận hành ETC tại 25 trạm thu phí. Còn 8 trạm được Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho lùi thời hạn hoặc không triển khai ETC, gồm: không triển khai ETC tại 3 trạm trên quốc lộ 51 do thời gian thu phí còn khoảng 1 năm; chưa triển khai ETC tại 3 trạm thu phí có doanh thu thấp là trạm km 1.747 đường Hồ Chí Minh, trạm thu phí cầu Mỹ Lợi, trạm thu phí cầu Thái Hà; 2 trạm thu phí bị người dân phản đối phải dừng thu phí là trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ).
Đối với 50 trạm do 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị không thực hiện ETC tại 4 trạm trên đường nội tỉnh chủ yếu thu phí xe máy. Trong 46 trạm thu phí còn lại, 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC, 7 trạm đang triển khai và 6 trạm thuộc các dự án đang xây dựng chưa tổ chức thu phí.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đến thời điểm này có thể khẳng định việc triển khai ETC ở các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý cơ bản đáp ứng được tiến độ đến hạn 31-12-2020 mà Thủ tướng yêu cầu với 65 trạm.
Các trạm thu phí do địa phương quản lý nếu đến hết ngày 31-12-2020 không thực hiện ETC, UBND các địa phương có thẩm quyền quyết định dừng thu phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận