Việc xây thêm đập ở thượng nguồn gây xáo trộn môi trường ở hạ nguồn, trong đó có ĐBSCL - Ảnh: Đ.VỊNH |
Ngày 11-11 tại An Giang, Trung tâm Con người và thiên nhiên VN phối hợp với Mạng lưới sông ngòi VN và một số đơn vị tổ chức diễn đàn nhân dân khu vực Mekong để ghi nhận ý kiến, từ đó gửi thông điệp tới chính phủ các nước về việc xây đập thủy điện trên sông Mekong.
Tham gia diễn đàn ngoài Ủy ban sông Mekong, người dân ĐBSCL còn có người dân đến từ Thái Lan, Campuchia...
Hậu quả xây đập đã thấy rõ
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đại diện cho người dân ba nước Thái Lan, Campuchia, VN cho rằng sau khi một số đập đã xây dựng tại thượng nguồn thì ở hạ nguồn đã có những biến đối ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của họ.
Ông Long Sochet - chủ tịch Tổ chức Mạng lưới thủy sản Campuchia - cho biết đối với người dân Campuchia, 60% nguồn thực phẩm, trong đó có thủy sản, chủ yếu được cung cấp từ sông Mekong.
Từ khi có một số đập được xây dựng, đã có sự thay đổi như nguồn cá tự nhiên và lượng nước giảm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất nông nghiệp và sạt lở bờ sông.
“Từ năm 2013 chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi rõ ở dòng Tonglesap, mực nước, chất lượng nước giảm, ô nhiễm môi trường nặng hơn” - ông Sochet cho hay.
Một đại diện đến từ Thái Lan là ông Chirasak Inthayot cho rằng sau khi nhiều đập ở Trung Quốc được xây dựng thì dòng chảy không bình thường như trước, vào mùa khô mực nước thấp, bất lợi cho sản xuất, lượng cá khan hiếm.
Nay nếu xây thêm đập, nhiều loài cá, nguồn cá sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân. “Dòng sông đem lại lương thực, thực phẩm. Người dân Thái Lan rất cần biết ảnh hưởng thế nào tới họ” - ông Inthayot nói.
Một đại diện Thái Lan khác nói cộng đồng dân cư nơi ông ở cũng đã thấy hậu quả của việc xây đập làm lượng cá giảm, nhiều loài cá biến mất, người dân ở đấy làm nghề nông không đủ lo cho con ăn học.
Nông dân Trương Văn Khôi (đến từ xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) kể nhà mình bên dòng sông Vàm Nao, nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Hậu và sông Tiền.
Mấy năm nay ông cũng như bao người dân đã cảm nhận rõ những thay đổi của dòng sông. Đó là mùa nước nổi nhưng lũ thấp. Đặc biệt năm nay gần như không có lũ.
“Hằng năm thường vào dịp Tết Đoan ngọ mùng 5-5 nước đã chuyển màu phù sa, còn năm nay tới tháng 7 âm lịch mới có. Lượng cá đã giảm trên 80%, hàng chục loài cá đã biến mất” - ông Khôi cho biết.
Bà Huỳnh Thị Kim Duyên (đến từ Cà Mau) nói những năm gần đây lượng nước đổ về ít làm giảm lượng phù sa nên đất mũi không còn bồi lấn ra biển 50 - 100m như xưa, đồng thời cũng gây sạt lở, mất đất rừng ven biển.
Hiện nay vào tháng 10 đã xuất hiện xâm nhập mặn ở một số nơi. Nguồn cá nước ngọt, nước lợ và cả đánh bắt ngoài biển đều sụt giảm nhiều. “Người dân ĐBSCL nay thật sự lo lắng về việc xây thêm đập sẽ ảnh hưởng nhiều thế hệ tương lai mai sau” - bà Duyên âu lo.
Đồng lòng kiến nghị
Tại diễn đàn đã có hơn 150 lượt ý kiến của người dân, trong đó phần lớn đến từ Thái Lan, Campuchia bày tỏ quan ngại, lo lắng về những tác hại từ xây đập mà cộng đồng phải đối mặt, tác động của nó sẽ làm nặng nề thêm tác hại của biến đổi khí hậu.
Họ kiến nghị đã đến lúc chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói của người dân và tôn trọng quyền quyết định về tương lai của dòng sông, cũng như tương lai cư dân trong khu vực.
Ông Channarong Vongla, đại diện cộng đồng người dân Thái Lan, cho rằng trên thượng lưu tuy mới xây dựng một số đập mà đã cho thấy tác động nặng nề đến sinh kế, nay nếu xây thêm đập, đặc biệt là đập Don Sahong ở Lào, sẽ gây thêm nhiều hệ lụy nặng nề.
“Người dân Thái Lan không muốn xây đập, cần dừng lại ngay, đặc biệt là đập Don Sahong” - ông Vongla kiến nghị.
Ông Vongla cho biết thêm trong tháng 9-2015 đã thu thập được gần 6.500 chữ ký của người dân Thái Lan, Campuchia, VN và 77 tổ chức phản đối việc xây đập và đang tiếp tục thêm hàng ngàn chữ ký nữa.
Những chữ ký phản đối này sẽ được gửi đến chính phủ các nước trong khu vực sông Mekong.
Nhiều ý kiến yêu cầu cần có nghiên cứu từ nhiều nguồn, từ các tổ chức quốc tế để làm rõ một cách khách quan những tác hại của đập thủy điện ở thượng nguồn.
“Nếu nhìn kỹ việc phát triển các chuỗi đập trên sông Mekong thì cả sáu nước, kể cả Lào, đều bị ảnh hưởng nhiều đến sinh thái, môi trường, sinh kế người dân. Chính phủ các nước nên nghĩ đến suy nghĩ và lo lắng của người dân để cùng nhau tìm giải pháp bền vững.
Việc này cần sự đồng thuận, hỗ trợ từ những cơ quan chính phủ các nước” - ông Sa Wat, đại diện cộng đồng Thái Lan, nói.
TS Vũ Ngọc Long (Mạng lưới sông ngòi VN) cho rằng các đập xây làm thay đổi hệ sinh thái toàn bộ lưu vực sông, tác động nặng nề thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Việc xây đập thủy điện gây nhiều mối quan ngại lo lắng, người dân mong muốn bảo vệ dòng sông cho tương lai con cháu mai sau nên cần phải nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học với số liệu thuyết phục.
Việc ngừng xây đập cần tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng khu vực, khi ấy chính phủ các nước sẽ quan tâm và sẽ có giải pháp phù hợp.
Những con đập chắn sông Mekong Ngoài sáu đập dòng chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn ở Trung Quốc, hiện 11 con đập khác dự kiến xây dựng tại Lào và Campuchia. Các đập này sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực. Trong khi đó, theo kế hoạch, sau khi khởi công xây dựng thủy điện Xayaburi, Lào sẽ tiếp tục xây đập Don Sahong vào cuối năm 2015 và đang chuẩn bị xây dựng thêm đập Pak Beng, dự án thủy điện thứ ba trên dòng chính Mekong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận