20/01/2012 06:28 GMT+7

Đông Kinh vàng son

TRỊNH QUANG DŨNG
TRỊNH QUANG DŨNG

TT - Nhiều bạn trẻ khi xem một số hình ảnh do người Pháp chụp Hà Nội thời cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đã bảo rằng: “Sao mà Hà Nội xưa nhếch nhác thế”. Không, Hà Nội xưa - khi còn mang tên Đông Kinh (1430-1831) mà người phương Tây gọi là Tonkin - từng được các giáo sĩ, các nhà du hành phương Tây ngợi ca là một Venice, Paris ở phương Đông…

i79Z6o4U.jpgPhóng to
Kinh đô Đông Kinh thế kỷ 17-18 phục dựng theo tranh cổ của các giáo sĩ, thương nhân, nhà du hành phương Tây D.Tavernier; Samuel Baron... Tranh do họa sĩ Trịnh Quang Vũ phục dựng năm 2010

Năm định mệnh

Tiếc rằng đô thị mở Đông Kinh chỉ tồn tại khoảng 200 năm và bị thiêu trụi hoàn toàn trong ngọn lửa thù oan nghiệt bởi vua Lê Chiêu Thống vào năm định mệnh 1786 (có tài liệu lịch sử ghi 1787). Sử sách đã ghi lại rằng kinh đô chìm trong biển lửa hơn mười ngày. Còn giáo sĩ Baladin, nhân chứng của sự hủy diệt, mô tả một cách xót xa trong lá thư đề ngày 3-9-1786 hiện đang lưu giữ tại Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp (Theo Họ Trịnh với Thăng Long): “… đám cháy đã tiêu hủy hết 2/3 thành phố”.

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ là người đã bỏ công sưu tầm hàng chục năm trời để chứng minh cho điều ấy. Từ những bảo tàng, thư viện nổi tiếng của phương Tây, ông đã tìm thấy những bức tranh cổ của các giáo sĩ, các nhà du hành vẽ lại Đông Kinh trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 14 đến thế kỷ 17.

Năm 1592, sự nghiệp trung hưng nhà Lê hoàn tất, diện mạo kinh đô mới được thay da đổi thịt, vươn lên vượt khỏi “cái bóng” của quy hoạch truyền thống Trung Hoa để có một vóc dáng “đô thị mở” kiểu phương Tây. Ngay sau khi chúa Bình An Vương Trịnh Tùng giải phóng kinh đô, ca khúc khải hoàn đưa vua Lê về lại Đông Kinh, mọi việc đã đổi khác.

Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng của vùng đất thần kinh Thăng Long, vòng tường thành bao bọc đã bị phá bỏ ngay năm 1592. Giáo sĩ Giuliano Baldinotti (1591-1631) là người châu Âu đầu tiên đến Đông Kinh năm 1626, được chúa Trịnh Tráng cử bốn thuyền ra biển đón, đã kể: “Thành không có hào lũy, cung điện lợp ngói, tường xây đá to, chạm trổ đẹp…Kinh thành chu vi 5,6 dặm dân cư rất đông, lập trên một con sông rộng ăn ra biển xa 18 dặm”.

Cũng trong năm 1626 ấy, giáo sĩ người Ý, cha Giovanni Pilippo de Marini (1608-1682), có dịp viếng thăm khu vực vương phủ đã nhận xét: “… Chúng ta sẽ trông thấy không những một lâu đài mà cả một thị trấn rất đẹp và rộng… Số lính canh và các quan văn võ rất đông, voi ngựa và khí giới, đạn dược rất kỳ lạ và quá hẳn sự tưởng tượng của người ta”.

Vào năm 1645, chúa Trịnh Căn (1682-1709) cho phép mở thương điếm Hà Lan (1645), rồi tiếp sau đó là thương điếm Anh ngay tại trung tâm đô thị. Đây chính là một mốc son trong lịch sử ngoại thương thời phong kiến Việt Nam, đó là có những trung tâm thương mại phương Tây ở giữa kinh đô. Và cũng chính nhờ yếu tố “mở”, không bị kiểm soát, ấn định thời gian ra vào cửa của quân thành, đô thị bỗng như bừng tỉnh, nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại sầm uất trong khu vực. Chúng còn như chất xúc tác làm bùng nổ giao thương Đông - Tây ở Đại Việt trong cuộc đại mậu dịch Á - Âu.

Hình ảnh hai thương điếm này xuất hiện trên bức tranh Kinh đô Đông Kinh nhìn từ sông Hồng của Samuel Baron, con trai vị giám đốc thương điếm Hà Lan Hendrick Baron (1660-1664), từng được chúa Trịnh nhận làm con nuôi, được phép ra vào vương phủ. Hai tòa thương điếm sừng sững bên bờ sông Hồng với kiến trúc nhà tầng đồ sộ, hoàn toàn khác với kiến trúc Á Đông. Nhật ký còn lại của Công ty Đông Ấn Anh mô tả rõ chúng có tường rào vây quanh, cột cờ đứng trước sân, nằm sát bên sông Tô Lịch nhìn ra sông Hồng. Hai thương điếm Anh và Hà Lan ở kinh đô Kẻ Chợ đã nhộn nhịp tranh nhau vét mua chè như một nguồn hàng xuất khẩu tiềm năng.

rcEJfrKz.jpgPhóng to
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ đang phục dựng những bức họa về Đông Kinh do các giáo sĩ, nhà du hành phương Tây vẽ - Ảnh: T.Q.D.

Bức tranh của Samual Baron đã cho hậu thế được mục kích cả một khu dân cư đông đúc nằm men theo bờ sông Hồng, bên cạnh lầu Ngũ long tráng lệ.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660) phải thốt lên lời ca ngợi khi lần đầu ông tới đây năm 1627: “Thành phố lộng lẫy ngang hoặc hơn Venice”. Thậm chí, giáo sĩ Alexandre de Rhodes còn viết trong tập ký sự của mình rằng: “Kinh kỳ dài hơi 6.000 bộ… Đường phố Kẻ Chợ rộng lớn, thẳng tới mức 10-12 cỗ ngựa có thể ung dung đi hàng ngang một cách dễ dàng, thế mà mỗi tháng hai kỳ (ngày rằm, mồng một-phiên chợ) ta thấy trong thành đông nghịt người đi ngả nào cũng vướng”!

87plWYrI.jpgPhóng to
Vương phủ chúa Trịnh - Họa sĩ Trịnh Quang Vũ phục dựng năm 2010 từ tranh Samuel Baron 1668 (ảnh nhỏ)

Daniel Tavernier, viên sĩ quan kiêm kế toán của Công ty VOC Hà Lan tới Đông Kinh nhiều lần trong những năm 1639-1645, đã để lại rất nhiều ghi chép, tranh ký họa quý báu về Đông Kinh. Kho tư liệu này được anh trai ông, hiệp sĩ nam tước Aubone, nhà du hành Thụy Sĩ nổi tiếng Jean Baptiste Tavernier san nhuận thành sách xuất bản tại Paris vào năm 1681.

Cuốn du ký đã được dịch ra nhiều thứ tiếng gây chấn động bằng những thông tin, hình ảnh kỳ thú về một Đông Kinh tráng lệ. Tấm bản đồ xứ Đông Kinh do chính tay D. Tavernier vẽ tại chỗ, hình ảnh một nhà hát ở Đông Kinh, tranh vẽ đám rước khi chúa Trịnh đi kinh lý… cho thấy sự giàu sang, tráng lệ của kinh đô Đại Việt đương thời và phần nào hiểu được lời ngợi ca… đến khó tin mà viễn khách phương Tây đã dành cho nó.

TRỊNH QUANG DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp