14/11/2014 11:23 GMT+7

​Đồng hành cùng đất nước và dân tộc

TÔN NỮ THỊ NINH
TÔN NỮ THỊ NINH

TT - “Tự hào cùng Việt Nam” kỳ này xin giới thiệu những chia sẻ của nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh với giới trẻ.

Tự hào về Tổ quốc là điều mà mỗi người trẻ luôn ghi khắc trong tim mình. Sinh viên tham gia Hành trình biển đảo Tổ quốc năm 2013 do Trung ương Hội Sinh viên VN tổ chức tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: Ph.Tuấn
Tự hào về Tổ quốc là điều mà mỗi người trẻ luôn ghi khắc trong tim mình. Sinh viên tham gia Hành trình biển đảo Tổ quốc năm 2013 do Trung ương Hội Sinh viên VN tổ chức tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: Ph.Tuấn

Không ít người, đặc biệt là giới trẻ, cho rằng trong thế giới phẳng với biên giới mềm, công nghệ kỹ thuật số và truyền thông xã hội, khái niệm dân tộc và quốc gia đã lỗi thời, thực thể và thực tế hiện thực nhất là cá nhân con người. Mỗi người cần hướng tới làm một công dân toàn cầu.

Nói cách khác, ngày nay đặt vấn đề ý thức và tự trọng dân tộc là chuyện “giáo điều”, thuộc về quá khứ, xa lạ với suy nghĩ và cảm xúc của giới trẻ. Theo tôi, vấn đề không đen trắng như vậy.

Ta có nên tự hào là người VN?

Đối với tôi, đồng hành với đất nước và dân tộc là một nhu cầu tự nhiên và không thế thiếu như hít thở và uống nước vậy. Có thể nói cách khác, nhu cầu này nằm trong ADN của tôi. Và tôi tin rằng thanh niên VN cũng vậy thôi 
TÔN NỮ THỊ NINH

Nghịch lý đập vào con mắt của chúng ta hằng ngày đó là: thế giới càng toàn cầu hóa, con người càng có nhu cầu khẳng định và bám vào cội nguồn văn hóa và ngôn ngữ, bản sắc dân tộc và cộng đồng.

Ý tôi muốn đặt ra cho các bạn trẻ ở nước ta một câu hỏi: ta có cần khẳng định mình là người VN, quan tâm hiểu biết về đất nước, dân tộc và văn hóa VN không, xác định bản sắc Việt là gì không? Liệu ta có nên và có thể tự tin, tự hào là người VN không? Liệu ta có phải đồng hành cùng đất nước và dân tộc không?

Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ hai suy nghĩ của tôi:

Một là, nước VN, dân tộc VN về cơ bản cũng giống các nước và dân tộc khác, đều có mặt hay và mặt dở. Yêu nước là phẩm chất mà tất cả các dân tộc thể hiện đặc biệt mạnh mẽ khi tổ quốc lâm nguy, khi đối mặt với mối đe dọa hủy diệt văn hóa, bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên tôi cho rằng trải qua lịch sử thử thách đấu tranh nghìn năm với ngoại xâm và thống trị của nước ngoài, dân tộc VN đã được tôi luyện thành một dân tộc đặc biệt với một số đức tính và sức mạnh nổi trội, một di sản tinh thần mà cả thế giới đã công nhận và chúng ta có thể tự hào.

Hai là, bản sắc đặc biệt đó không mặc nhiên trường tồn, chúng ta phải gìn giữ và nuôi dưỡng nó vì trong thời bình và sự giàu lên về của cải, chúng ta lại đứng trước nguy cơ của sự tầm thường hóa có thể chôn vùi, xóa nhòa bản sắc đặc biệt của dân tộc Việt.

Bản thân tôi giải đáp bài toán tam giác của dân tộc - cá nhân - thế giới cho bản thân tôi như sau: “Tôi tự nhận thức là một người gắn bó mãnh liệt với VN, thể hiện bản thân một cách sáng tạo và hòa nhập có suy tính với thế giới (như tôi đã phát biểu tại Diễn đàn Tedx 2012 ở California: “I define myself as passionately Vietnamese, creatively individual and thoughtfully global”).

Nói cách khác, theo tôi người thanh niên VN vững vàng và thật sự có triển vọng thành công và hạnh phúc cần xác lập thế đứng ba kiềng nêu trên.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh: Thuận Thắng
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh: Thuận Thắng

Phải vừa “chống” vừa “xây”!


Mời tham dự tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam”

Có phải tính tốt của người Việt đang giảm đi? Giới trẻ Việt có đang quay lưng với văn hóa nguồn cội? Làm thế nào để hun đúc lòng tự hào dân tộc?

Những nội dung trên sẽ được thảo luận tại tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam” với sự tham gia của các diễn giả: ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội), bà Phạm Phương Thảo (nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM), ông Nguyễn Văn Đạo (phó tổng giám đốc Samsung Vina), ông Nguyễn Chí Hiếu (tiến sĩ ĐH Stanford). Tọa đàm diễn ra vào 8g30 chủ nhật 16-11 tại hội trường lầu 4 tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). MC: Nguyễn Thanh Tùng.

Do số lượng chỗ ngồi có hạn, BTC chỉ nhận 300 bạn đăng ký đầu tiên (vui lòng ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và nơi công tác hoặc học tập) qua email: [email protected].

Chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức.

C.NHẬT

Để có thể bàn liệu ta có cơ sở để tự hào cùng VN hay không, đến mức nào, ta cần nhận thức ba điều.

Một là nước VN, dân tộc VN có mặt sáng và mặt tối đòi hỏi toàn xã hội từ trên xuống dưới “vừa chống vừa xây” - nói theo cách nói trước đây nhưng vẫn còn giá trị vận dụng ngày nay: “chống”, đẩy lùi những biểu hiện tư tưởng và hành vi tiêu cực, thấp kém (từ sự vô cảm, tham lam, ích kỷ đến sự thiếu văn hóa, thô thiển, hung hãn trong ứng xử, từ sự thiếu trung thực đến sự giả dối và lừa gạt) và “xây” đắp, tiếp tục hun đúc, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Việt, những thành công, thành tựu của VN đã được khẳng định qua thời gian.

Hai là những mặt tối không phải là “ngoại nhập”, do mở cửa với thế giới bên ngoài mà “ruồi muỗi bay vào” và ta cần phải đuổi ruồi muỗi ra ngoài, thậm chí đóng bớt cửa...

Tôi nhìn nhận có phần khác. Cái đen tối luôn ẩn nấp, “nằm ủ” trong mỗi chúng ta, do đó chúng ta phải luôn cảnh giác với chính chúng ta. Đương nhiên ruồi muỗi bên ngoài có thể làm cho vấn đề trầm trọng thêm.

Ba là không thể chối cãi rằng quá trình đi vào kinh tế thị trường, tăng trưởng nhanh và hội nhập quốc tế khơi dậy tính năng động, học hỏi nhanh, thích nghi nhanh, sẵn sàng đón nhận cái mới hiện đại của thanh niên.

Thế nhưng thiết nghĩ nét hay đó cũng hàm chứa mặt trái, đó là nguy cơ xói mòn nhận thức về cội nguồn và bản ngã dân tộc.

Trong thế giới luôn chuyển động, nơi con người không còn suốt đời sống sau lũy tre làng, và số đông, nhất là thanh niên, sẵn sàng di chuyển để tìm cơ hội học tập, làm việc, làm giàu, phát huy khả năng, phần lớn người Việt, dù ở nơi đâu cũng vẫn cảm nhận sâu sắc và mạnh mẽ gốc rễ, văn hóa Việt của mình.

Ở nước ngoài còn như vậy, lẽ nào trong nước ta lại bàng quan với bản ngã Việt, hình ảnh VN trong con mắt của thế giới và của chính chúng ta?

Bao nhiêu khách nước ngoài, nhất là khách Mỹ, đã từng nhận xét với tôi khi thăm VN rằng họ vô cùng bất ngờ trước thái độ không hề nhuộm chút hận thù, tức giận, hay đơn thuần là khó chịu của người Việt đối với khách Mỹ.

Họ rất thán phục khả năng tạm gác quá khứ hướng về tương lai của người Việt, và quả thật khả năng đó tạo nên một sức mạnh lớn cho dân tộc VN.

Và tôi từng bình luận lại với họ rằng tôi thật sự mừng vì vượt qua bao nhiêu đau thương đổ vỡ của chiến tranh ác liệt kéo dài, dân tộc VN vẫn giữ được cái quý giá nhất, đó là tính nhân bản và sự lạc quan yêu đời.

Để kết luận, tôi xin phép trích từ lời giới thiệu tôi đã viết cho cuốn sách Tôi tự hào là người VN vừa được xuất bản tháng 9-2014: “Tôi luôn tự nhủ đừng bao giờ quên tính biện chứng của bản sắc dân tộc, sự giằng co hằng ngày hằng giờ trong xã hội luôn biến động giữa “người Việt xấu xí” và người Việt nhân bản, trí tuệ, tự trọng.

Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt không bao giờ ngừng, đòi hỏi nơi mỗi chúng ta và toàn xã hội bản lĩnh đẩy lùi cám dỗ của sự thấp hèn và lòng tham cùng động lực vươn lên để có thể tự hào là người VN, xứng đáng với các bậc tiền bối và tạo bàn đạp cho các thế hệ sau xây dựng tương lai của đất nước mà dân tộc VN xứng đáng được hưởng”.    

TÔN NỮ THỊ NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp