Các huấn luyện viên đồn biên phòng Huổi Luông huấn luyện các chú chó chiến đấu - Ảnh: MY LĂNG |
“Với chúng tôi, chó chiến đấu là bạn tri kỷ. Khi nào nó chết mới rời xa nhau. Mình đi đâu nó đi đó. Mình làm gì cũng dựa vào nó, nó dựa vào mình. Đi tuần tra đêm có nó đi cùng rất an tâm, vững vàng hơn |
Trung úy HUỲNH VĂN QUANG |
Khoảng sân rộng thênh thang của đơn vị vang lên tiếng hô khẩu lệnh của các huấn luyện viên. Sáu chú chó chiến đấu đang được các huấn luyện viên là những quân nhân tốt nghiệp Trường trung cấp 24 Biên phòng (Hà Nội) huấn luyện bài tập đứng, nằm, ngồi phục kích.
Lai Tốp, Lắc Ky, Mi Dôn...
Các huấn lệnh được đưa ra ngắn, gọn, rõ ràng. Sáu chú chó chiến đấu ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh. “Hôm nay mình thưởng cho Lai Tốp một trứng vịt lộn vì đã thực hiện rất tốt các bài tập” - đại úy Trịnh Văn Nga vui vẻ nói.
Anh là đội phó phân đội 2 cụm cơ động 5 Tây Bắc, Lai Châu, là người của Trường trung cấp 24 Biên phòng đang đóng quân ở đồn biên phòng Huổi Luông.
Lai Tốp (8 tuổi) là tên con chó becgiê mà anh dày công chăm chút bao lâu nay. Đó là một trong sáu chú chó chiến đấu của phân đội đặc biệt này, ngoài Man Ti, Xi Can, Mi Dôn, A Li, Lắc Ky. Tất cả đều là chó thuần chủng Đức.
Sáu chú chó chiến đấu của sáu huấn luyện viên được đưa về đồn Huổi Luông từ năm 2012. “Nhiệm vụ của chúng là cùng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, đánh án, đánh bắt đối tượng buôn lậu, buôn bán vận chuyển ma túy, truy lùng tìm dấu vết bọn tội phạm” - đại úy Trịnh Văn Nga nói.
Anh cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên huấn luyện củng cố tăng cường cho chó có phản xạ vững chắc, xử lý những nhiệm vụ đột xuất. Khi đội có kế hoạch tuần tra biên giới có chó nghiệp vụ thì đưa đi cùng.
Ở vùng biên giới gần như không có nguồn hơi vì đây là vùng hẻo lánh, ít người qua lại. Cho nên nếu có nguồn hơi thì chắc chắn là của các đối tượng buôn lậu, buôn bán ma túy, xâm canh xâm cư qua biên giới.
Mỗi lần đi tuần tra canh gác, chó chiến đấu phát hiện nguồn hơi lạ là báo hiệu cho mình biết để truy lùng. Đi thực hiện nhiệm vụ đêm hôm có chó rất yên tâm”.
Chú chó chiến đấu tên Lai Tốp của đại úy Trịnh Văn Nga được sử dụng vào khoa mục huấn luyện vì có khả năng phát hiện nguồn hơi tốt cũng như khả năng truy lùng, phục kích, đánh bắt đối tượng tuần tra và cả phát hiện tội phạm qua biên giới.
“Lai Tốp dũng cảm lắm. Rất linh hoạt, thông minh, tiếp thu tốt và trung thành với huấn luyện viên” - đại úy Trịnh Văn Nga hào hứng kể về chú chó chiến đấu mà anh hết mực yêu thương, chăm chút.
“Hằng ngày chúng tôi đều huấn luyện củng cố và huấn luyện nâng cao cho chúng - đại úy Nga cho biết - Sáng từ 7h30-10h30, chiều từ 13h30-16h30. Thao trường là sân vận động bằng phẳng này. Còn khi huấn luyện phục kích phải ra khe núi, đồi núi địa hình hiểm trở.
Khi huấn luyện mình nghiêm khắc, nó cũng đàng hoàng lắm. Ra lệnh ngồi phục kích từ sáng đến chiều nó vẫn ngồi im, không dám nằm ườn ra hay chạy mất. Giờ giải lao mình thường chơi đùa cho nó bớt mệt mỏi, căng thẳng trước khi vào học tiết sau”.
Đại úy Trịnh Văn Nga cho biết anh vừa đưa Lai Tốp vào Mường Tè làm nhiệm vụ một năm rưỡi trong đồn biên phòng Mù Cả. Ở đó có một đội cơ động của tiểu đoàn chống di canh di cư tự do và phá rừng.
Lai Tốp là một chú chó thành tích lẫy lừng. Khi mới 3 tuổi, Lai Tốp từng lập chiến công trong chuyên án bắt 48 bánh heroin ở Sơn La.
Khi phát hiện các đối tượng mang vũ khí nóng, Lai Tốp là một trong ba chó chiến đấu lao lên tấn công đối tượng đợt đầu. Nó dũng cảm cắn vào tay đối tượng đang cầm súng để các huấn luyện viên nhảy lên hạ gục đối tượng.
Tri kỷ 4 chân
Đối với mỗi huấn luyện viên, mỗi chú chó nghiệp vụ được giao cho họ quản lý, chăm sóc và huấn luyện còn là một người bạn, người đồng đội thân thiết, “sống chết” có nhau. Việc chăm sóc chó không chỉ là nhiệm vụ mà hơn cả là tình cảm thật sự của mỗi người lính với đồng đội đặc biệt này.
Đại úy Trịnh Văn Nga cho biết đồn quản lý cột mốc từ số 57-64. Mỗi lần tuần tra phải đi hết một ngày.
Anh bảo: “Vất vả lắm. Người mệt. Chó cũng mệt. Mình trèo đèo lội suối thì chó cũng vậy. Đi đến đâu phát đường đến đó theo đường biên vì thường không có đường mòn. Có lúc mưa mình chịu ướt, dành bạt áo mưa che chó.
Mình ốm uống thuốc được. Chó đau, không nói được. Hôm nào huấn luyện vất vả, nắng nôi hay đi công tác vất vả, mình cũng bồi dưỡng thêm cho nó. Chó đói cũng như mình đói. Quý nó rồi, tiếc gì tiền.
Lai Tốp thích ăn hột vịt lộn. Ở đây rất xa dân, khó mua nên mình thường mua để dành làm quà thưởng cho nó phấn khởi, đảm bảo sức khỏe để tiếp thu nhanh. Mình còn mua dành cả thùng sữa. Đêm đi lao động vất vả bồi dưỡng cho nó.
Đào tạo một con chó không dễ nên anh em quý và thương chó lắm. Chó phối hợp với mình ăn ý thì công việc suôn sẻ hơn, mình hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn”.
“Chúng mình sống với nó nhiều hơn với... vợ. Tất cả thời gian đều dành cho nó: huấn luyện, cho ăn uống, chăm sóc tắm rửa, thăm khám sức khỏe, xem giấc ngủ hằng ngày” - trung úy Hoàng Văn Quang cười bảo.
Anh gắn bó với chú chó tên Mi Dôn (9 tuổi) từ năm 2008 khi nó là chó mới trưởng thành. Mi Dôn được huấn luyện tìm ma túy, thuốc nổ, bảo vệ mục tiêu, các cột mốc biên giới, chống đột nhập xâm canh xâm cư...
Có lần Mi Dôn sốt virút, viêm đường ruột. Trung úy Quang ngồi vuốt ve cho Mi Dôn yên tâm, nằm im để bác sĩ thú y tiêm thuốc.
Anh ở suốt bên Mi Dôn trông chừng khi nó được truyền nước, mãi đến 1h-2h đêm mới về phòng chợp mắt. 4h sáng đã quáng quàng xuống thăm nó. Suốt nửa tháng trời đêm nào cũng thế.
“Có lúc nó đắng miệng, không liếm được sữa, phải bón từng muỗng, từng tí một. Phải nịnh mãi nó mới chịu uống hết. Mình không biết mệt nữa. Chỉ sợ nó chết” - trung úy Quang kể.
Đại úy Trịnh Văn Nga cho rằng chú chó chiến đấu là người bạn quý, là đồng đội trung thành nhất. Mỗi người chỉ được cấp một con chó chiến đấu và gắn bó với nó như hình với bóng. Chỉ đến khi chú chó bệnh chết thì mới rời xa. Lúc đó đơn vị thực hiện theo nghi thức rất trang trọng: phủ cờ Tổ quốc lên mình chó làm lễ tưởng niệm và chôn cất đàng hoàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận