
Nhiều người ở Myanmar không dám trở về nhà sau động đất, bất chấp tình trạng thiếu điện, nước và thực phẩm - Ảnh: AFP
Tính đến chiều 1-4, chính quyền quân sự Myanmar cho biết hơn 2.700 người được xác định đã thiệt mạng bởi trận động đất cuối tuần trước, nhưng con số ước tính có thể đã vượt 3.000 người.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Min Aung Hlaing, quan chức chính quyền quân sự Myanmar, nói rằng hơn 4.500 người bị thương và vẫn còn khoảng 441 người mất tích.
Trận động đất cuối tuần trước, mạnh nhất ở Myanmar trong hơn 1 thế kỷ, đã tàn phá quốc gia Đông Nam Á này. Các lực lượng cứu hộ với sự hỗ trợ của các nhóm quốc tế đang chạy đua với thời gian, khi mỗi ngày trôi qua là cơ hội tìm thấy người còn sống càng thấp.
Trong khi đó các nhóm cứu trợ tại những khu vực bị ảnh hưởng đã cảnh báo cần khẩn cấp hỗ trợ nơi trú ẩn, thực phẩm và nước cho những người sống sót.
"Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất... các cộng đồng phải vật lộn với các nhu cầu cơ bản, chẳng hạn như tiếp cận nước sạch và vệ sinh, trong khi các nhóm cứu hộ làm việc không mệt mỏi để tìm kiếm những người sống sót và cung cấp viện trợ cứu sinh", Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết.
"Đã trải qua nỗi kinh hoàng của trận động đất, giờ đây người dân sợ dư chấn và phải ngủ ngoài đường hoặc trên cánh đồng", Ủy ban Cứu hộ quốc tế cho biết.
Đến nay các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ đang gặp nhiều khó khăn do nhiều hạ tầng đường sá, viễn thông... bị tàn phá. Bên cạnh đó, chiến sự không ngừng cản trở các cơ quan cứu trợ tiếp cận những người bị thương hoặc mất nhà cửa.
Tổ chức Ân xá quốc tế đã kêu gọi chính quyền quân sự cho phép viện trợ đến được các khu vực không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Trước đó, các nhóm phiến quân cho biết chính quyền quân sự đã tiến hành nhiều cuộc không kích sau trận động đất.
"Chúng tôi không dám về nhà"
Sau động đất, những dư chấn tiếp diễn khiến nhiều người dân Myanmar sống trong sợ hãi.
"Chúng tôi không dám về nhà vì lo tòa nhà bên cạnh sẽ đổ sập xuống chúng tôi. Bọn trẻ muốn về nhà vì trời rất nóng", bà Hlaing Hlaing Hmwe, 57 tuổi, chia sẻ.
Nhiệt độ tại Mandalay, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lên đến 40 độ C ngày 1-4. Ngoài cái nóng, họ cũng phải đối mặt với việc thiếu điện, nước và nhà vệ sinh.
Nhưng với nhiều người, như vậy còn tốt hơn là về nhà. "Chúng tôi không cảm thấy an toàn khi ngủ ở nhà mình. Vì vậy, chúng tôi ở tạm trên cánh đồng này", một người dân nói với Hãng tin AFP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận