Bản đồ chấn tâm động đất - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Khoảng 3 phút sau (khoảng 14h11), tại huyện Kon Plông xảy ra thêm một trận động đất có độ lớn 3,6. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo Viện Vật lý địa cầu, đến 15h02, tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục xảy ra trận động đất thứ 3 - có độ lớn 3,7 độ Richter. Trận động đất này cấp độ rủi ro thiên tai cũng là cấp 0.
Như vậy, trong chiều nay tại huyện Kon Plông đã ghi nhận 3 trận động đất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 23-8, ông Nguyễn Xuân Anh - viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) - cho biết khoảng 14h08 chiều nay, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra trận động đất có độ lớn (M) 4,7.
Độ sâu tâm chấn trận động đất khoảng 8,2km.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Mẫn - phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết khi ông đang ngồi làm việc trong phòng thì nghe rung lắc dữ dội, hoảng hốt ông cùng nhiều cán bộ, nhân viên ở trụ sở UBND huyện bỏ chạy ra ngoài.
Theo ông Mẫn, trận động đất xảy ra vào khoảng hơn 14h cùng ngày, mọi người có thể cảm nhận được sự rung lắc: "Đây là trận động đất từ trước đến nay tôi cảm nhận được".
Ông Mẫn cho biết huyện đang yêu cầu các địa phương nắm thông tin, thống kê thiệt hại (nếu có) do trận động đất gây ra.
Còn theo ông Ngô Tấn Lạc - chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, mọi người ở trong trụ sở xã cảm nhận được sự rung lắc dữ dội, hoảng sợ và bỏ chạy ra ngoài. Nhiều người dân ở huyện Nam Trà My cũng chạy ra ngoài bởi sự rung lắc của trận động đất này.
Người dân ở huyện miền núi Nam Trà My cảm nhận được rung lắc do trận động đất gây ra - Ảnh: LÊ TRUNG
Động đất ở Kon Tum, Đà Nẵng vẫn cảm nhận được rung chấn
Anh Hoàng Thanh, một nhân viên làm việc tại một cao ốc ở Đà Nẵng, cho biết anh cảm nhận được rõ rung chấn kéo dài từ 5-10 giây. Thời điểm xảy ra rung chấn anh chưa kịp phản ứng.
"Tôi cảm nhận được rung lắc và nghe ầm ầm, tuy nhiên ban đầu cứ tưởng xe lớn hoặc công trình nào đang khoan nhồi gần cơ quan. Sau khi định thần lại tôi tin chắc chắn là động đất vì không dễ có xe nào đi qua mà lại rung mạnh và kéo dài như vậy" - anh Thanh nói.
Không chỉ ở nhà cao tầng mới cảm nhận được, nhiều người đang ngủ trưa ở Đà Nẵng bỗng giật mình khi có rung chấn.
Anh Lưu Văn Tài cho biết khi xảy ra rung chấn anh đang ở tầng trệt và nhìn thấy bóng đèn treo phòng khách rung lắc. Anh cho biết đây là lần đầu tiên trong đời anh cảm giác được động đất xảy ra.
Động đất liên tục khiến 117 hộ dân khu tái định cư thôn Đăk Tăng sống trong lo lắng vì nhà trên đỉnh đồi cao - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Rung lắc khủng khiếp quá
Chị Vũ Ánh Nguyệt (thôn Vy Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) hoảng hốt kể: "Rung lắc khủng khiếp lắm, tôi nằm trên giường mà thấy nó nghiêng và rung mạnh không tả được. Đồ đạc trong nhà rơi xuống đất hết cả. Tôi hoảng hồn bật dậy khỏi giường. Mạnh hơn các trận trước đó rất nhiều".
Ông Trần Văn Nết, chủ tịch xã Đăk Tăng, cho biết trận động đất chưa gây thiệt hại gì dù cảm nhận rung lắc mạnh hơn những trận trước đây. "Người dân sợ chạy ra ngoài thôi. Còn chưa có ảnh hưởng hay thiệt hại gì" - ông Nết nói.
Ông Đào Duy Khánh - bí thư Huyện ủy Kon Plông - xác nhận tại trung tâm huyện này cũng cảm nhận được rung lắc mạnh: "Hiện huyện đã liên hệ các xã được biết trước mắt chưa có thiệt hại gì. Chỉ cảm nhận được rung lắc mạnh hơn trước. Các đơn vị thuộc huyện đang theo dõi, rà soát".
Trước đó, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) liên tiếp xảy ra các trận động đất, trong đó có trận động đất có độ lớn 4,5.
Đến tháng 5-2022, Viện Vật lý địa cầu có báo cáo khảo sát động đất tại huyện Kon Plông.
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của động đất thì các trận động đất xảy ra từ tháng 3-2021 đến tháng 4-2022 có độ lớn M = 1,6 - 4,5 tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp V theo thang MSK-64. Với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.
Nhận định bước đầu, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước.
Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh, có cơ sở dự báo xu thế hoạt động - cường độ của động đất trong tương lai, nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện, cần có những khảo sát, quan trắc nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo cùng chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum cũng như lân cận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận