Phóng to |
Đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng anh Tuấn (Trảng Bom, Đồng Nai) phải đóng cửa hàng loạt trại gà vì càng nuôi càng lỗ - Ảnh: TRẦN MẠNH |
Nhiều chuyên gia ngành gia cầm khẳng định chính việc mở toang cửa cho gà phụ phẩm (đùi, cánh, chân và nội tạng) nước ngoài vào VN đã giết chết ngành chăn nuôi gà trong nước. Để cứu ngành chăn nuôi gà, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ vừa kiến nghị tăng thuế phụ phẩm gà từ 20% lên 40%, đồng thời xem xét kiện bán phá giá đối với thịt gà nhập khẩu.
Đua nhau đóng cửa, treo chuồng
Dẫn chúng tôi đi thăm những trại gà đầu tư khá hiện đại nhưng đang phải đóng cửa, anh Phạm Văn Tuấn (Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết đã giảm tổng đàn từ 200.000 con xuống còn 40.000 con, cho đóng cửa 2/3 số chuồng trại do thua lỗ nặng. Bên trong một trại gà (dài 100m, rộng 25m) được đầu tư gần 3 tỉ đồng, giờ chỉ còn lại lớp trấu mới dày cộm với bụi bám, trong khi mọi năm đây là thời điểm trại đang thả gà chờ tiêu thụ dịp tết. Anh Tuấn cho biết không riêng gì trại này mà còn 5-6 trại khác đã cho đóng cửa hai tháng nay, máy móc với máng ăn đã cất hết trong kho vì chưa biết khi nào hoạt động trở lại.
"Sẽ đến lúc VN thiếu thịt gà công nghiệp vì đây là thực phẩm chính trong các bữa ăn tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể... Khi đó gà ngoại sẽ có cơ hội tràn vào VN và thâu tóm thị trường gà trong nước" Nguyễn Văn Ngọc (chủ trang trại gà đang đóng cửa ở Long Khánh, Đồng Nai) |
Không riêng gì những hộ chăn nuôi cá thể, hàng loạt công ty chăn nuôi lớn cũng đang tính chuyện rời bỏ ngành chăn nuôi gà do càng làm càng lỗ. Đầu tháng 11-2012, ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), đã tuyên bố giảm một nửa số trại nuôi gia công và cân nhắc xóa sổ toàn bộ ngành này sau tết vì thua lỗ từ đầu năm đến nay cũng như không nhìn thấy tương lai của con gà. Tương tự, các công ty chăn nuôi gà công nghiệp lớn nhất của VN như Japfa, Emivest, CP... cũng lên kế hoạch giảm tổng đàn để cắt lỗ.
Thậm chí, nhiều công ty lớn phải bán trứng gà giống đã chọn lọc như trứng gà thường, bán gà bố mẹ đầu tư nghiên cứu nhiều năm như gà thịt để giảm đàn. “Phải tiêu hủy cả đàn gà bố mẹ dùng để sản xuất gà con thương phẩm cho thấy sự bế tắc của ngành chăn nuôi. Bởi việc gây dựng lại đàn gà bố mẹ sẽ phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm chứ không phải một vài tháng như nuôi gà thịt” - anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ một trại gà đang đóng cửa ở Long Khánh, nói.
Mở cửa cho gà nhập?
Một trong những nguyên nhân chính đẩy người chăn nuôi trong nước đến cảnh phá sản hàng loạt hiện nay, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, là do thịt gà nhập khẩu về nhiều và bán quá rẻ, chỉ bằng một nửa so với giá gà trong nước. Cụ thể, giá thành chăn nuôi trong nước hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg gà lông, tính ra gà thịt sau giết mổ là 37.000 đồng/kg (chưa bao gồm phí khấu hao và lãi vay). Trong khi đó, tính cả chi phí vận chuyển, trữ lạnh, lợi nhuận của nhà phân phối và thuế nhập khẩu (20%), giá gà nhập (cánh, đùi gà) chưa đến 20.000 đồng/kg (khoảng 0,85 USD/kg).
Theo khẳng định của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, giá thành chăn nuôi gà trong nước với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia là ngang nhau. Còn so với các nước có gà nhập vào VN như Mỹ, Brazil, Argentina... giá thành chăn nuôi gà ở VN chênh lệch không đáng kể. Bởi hầu hết chủ trại gà hiện đã chuyển sang mô hình nuôi trại lạnh, mô hình tiên tiến nhất thế giới đang áp dụng. Con giống là của các công ty hàng đầu sản xuất, công thức nuôi cũng theo tiêu chuẩn thế giới, từ thức ăn (1,8-1,9 kg cám cho 1 kg gà), đến con giống, chi phí thuốc men...
Câu hỏi đặt ra là vì sao có giá thành ngang nhau nhưng các nước có thể bán gà sang VN với giá rẻ chưa tới 1 USD/kg? Ông Âu Thanh Long - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ - giải thích do tập quán tiêu dùng ở nước ngoài giá trị nhất là ức gà, các bộ phận còn lại đều là phụ phẩm, ít ăn nên giá rất rẻ. Trong khi đó, VN đang áp dụng thuế suất nhập khẩu cánh gà và đùi gà chỉ bằng một nửa so với gà nguyên con (20% so với 40%), nên càng khuyến khích người ta nhập khẩu đùi, cánh, chân và nội tạng gà. Đó là chưa kể một lượng lớn gà tạm nhập nhưng không tái xuất được tuồn ra thị trường không chịu thuế càng khiến giá thịt gà rẻ hơn.
“Nếu gà nguyên con nhập về VN, chắc chắn giá bán sẽ cao hơn giá gà trong nước” - ông Long khẳng định. Cũng theo ông Long, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Malaysia (có giá thành chăn nuôi gà tương đương VN) chỉ cho phép nhập gà nguyên con chứ không cho nhập cánh hay đùi gà như VN, do đó thịt gà ngoại hầu như không vào được các quốc gia này.
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP VN, từng bức xúc cho rằng VN cần đưa ra các hàng rào kỹ thuật thích hợp để bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
Giá gà chợ lẻ không giảm Dù giá gà ở trang trại giảm mạnh nhưng giá gà bán lẻ tại các chợ khu vực TP.HCM suốt từ đầu năm đến nay dao động quanh mức 40.000 - 45.000 đồng/kg gà thịt, có thời điểm tăng nhẹ. Cụ thể, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5-2012, giá gà công nghiệp làm sẵn ổn định ở mức 40.000 - 43.000 đồng/kg. Vào đầu tháng 6 giá gà tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/kg, đạt mức cao nhất với giá 50.000 đồng/kg, sau đó giảm dần mức 45.000 đồng/kg vào tháng 7 và ổn định đến tháng 9. Từ đầu tháng 10 đến nay, gà công nghiệp được bán với giá 40.000 - 43.000 đồng/kg. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận