10/09/2024 13:36 GMT+7

Đồng cảm với bà con vùng bão

Trong ngày 9-9, 35 nhân viên của công ty chuyên thám hiểm hang động Jungle Boss tại Quảng Bình, rồi 60 bạn trẻ Thừa Thiên Huế, công nhân cây xanh ở TP.HCM và sẽ còn nhiều đội khác lên đường giúp người dân vùng bão.

Đồng cảm với bà con vùng bão - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Cây xanh TP.HCM dọn cây tại Hà Nội - Ảnh: CÔNG TY CÂY XANH CUNG CẤP

Dù người tại chỗ phải làm việc gấp đôi, gấp ba, thêm chi viện từ địa phương bạn cũng chỉ mong khôi phục dần những dịch vụ cơ bản cho người dân vùng bão mà thôi.

Khi được hỏi vì sao xung phong ra vùng bão, những người trẻ này trả lời: đi để đáp lại những ân tình. Đi để chung tay giảm được những ngày phải chờ đợi khôi phục lại điện, nước, viễn thông… của người vùng bão.

Người dân miền Trung đã nhiều lần phải trải qua cảnh màn trời chiếu đất, mất nhà cửa tài sản sau bão lũ, đau xót đến thắt ruột gan. Không ai ở miền đất này quên những ngày cơ cực đó đã được đồng bào cả nước bao bọc, sẻ chia, động viên như thế nào.

Với tư cách là người trong cuộc, nạn nhân của bão lũ, người miền Trung thấu hiểu sự sốt ruột cũng như những khó khăn của đồng bào vùng bão lũ.

Bão đã phá nát cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ thiết yếu của người dân: điện, nước, viễn thông. Không có điện, chẳng làm được gì. Không có nước sạch, cuộc sống bị đảo lộn. Không có viễn thông, việc khắc phục thiệt hại càng thêm khó khăn…

Ai cũng biết thế, nhưng khôi phục các dịch vụ cơ bản này lại không thể như ngày thường. Đầu tiên là phải dọn dẹp cây cối ngã đổ cho đường thông xe thi công mới vào được.

Rồi lấy đâu ra đủ con người, máy móc dựng cột, lắp đặt đường dây chính, dây đến từng nhà… để đáp ứng yêu cầu thiết yếu, tức thì. Hiểu như thế mới chia sẻ với những vất vả mà các đơn vị, công nhân đang từng bước khôi phục dịch vụ thiết yếu cho người dân vùng bão.

Nhắc lại, từ kinh nghiệm của miền Trung, sau cơn bão số 10 xảy ra giữa tháng 9-2017, dù chỉ có 2.600 trụ điện đổ ngã cùng gần một trăm trạm biến áp bị hư hại nặng nhưng Tổng công ty Điện lực miền Trung đã phải huy động "áo cam" từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… về hỗ trợ Quảng Bình.

Vậy mà sau gần cả tháng trời, hệ thống điện mới được khắc phục hoàn toàn. Trong thời gian đó, hàng trăm ngàn hộ dân đã phải sống trong cảnh mất điện. Thế mới biết công việc còn cực kỳ ngổn ngang, khó trăm bề với người Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…

Do vậy, lúc này người ta phải lựa chọn ưu tiên những việc thiết yếu. Nhìn vào con số thống kê ban đầu của Quảng Ninh có thể thấy được sự cấp thiết này nằm ở đâu. Nhiều bệnh viện tại tỉnh Quảng Ninh đã cạn kiệt nước dự trữ, hệ thống điện nước tê liệt.

Nguồn điện duy trì chủ yếu vẫn đang từ máy phát điện. Hơi thở của hàng ngàn bệnh nhân đang phụ thuộc vào nguồn điện và nước đó…

Ấy vậy mà mưa vẫn đổ xuống. Các vụ tai nạn thương tâm do lũ gây hậu quả nặng nề vẫn tiếp tục xuất hiện. Thiệt hại chưa dừng ở đó.

Vì vậy, thêm một người đến hỗ trợ, thêm một đôi tay, người dân sẽ bớt đi một phần việc. Những ngày sống thiếu thốn sẽ ngắn lại, dù ai cũng hiểu, với những người dân vừa qua trận bão, từng phút trôi qua dài như một ngày.

Những bàn tay, tấm lòng chi viện này cũng là nguồn động viên lớn cho lực lượng tại chỗ, những anh chị công nhân cây xanh, điện lực, viễn thông, cầu đường… Bởi lúc này họ đang phải làm việc cật lực, cao hơn bình thường nhưng vẫn bị trách móc, "sao, khi nào, bao giờ…!?".

Mưa vẫn rơi. Nước lũ tiếp tục tràn về. Khó khăn còn chất chồng ở phía trước. Nhưng phải tin rằng tất cả đang hướng về một mục tiêu: ưu tiên những dịch vụ cấp thiết và từng bước trả lại cuộc sống bình thường cho đồng bào vùng lũ.

Đồng cảm! - Ảnh 1.Nước lũ chảy xiết, chưa thể bắc cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu

Dòng nước lũ chảy xiết, mực nước ngày càng dâng cao khiến công tác lắp cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu (Phú Thọ) vừa bị sập sáng 9-9 chưa thể tiến hành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp