01/11/2023 08:51 GMT+7

Đóng bảo hiểm xã hội 32% nhưng vì sao lương hưu lại thấp?

13 hiệp hội vừa có đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng vì cho rằng tỉ lệ đóng BHXH tại Việt Nam rất cao. Người lao động thì đặt câu hỏi vì sao Việt Nam có tỉ lệ đóng BHXH đến 32% nhưng lương hưu vẫn thấp.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn chính sách cho người dân - Ảnh: HÀ QUÂN

Cán bộ Bảo hiểm xã hội Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn chính sách cho người dân - Ảnh: HÀ QUÂN

Việc đề xuất và câu hỏi trên lại xuất hiện trong thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp này nên càng thu hút sự quan tâm của người lao động.

13 hiệp hội đề xuất gì?

Theo văn bản của 13 hiệp hội về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), mức đóng năm 2007 là 23% song từ năm 2017 tăng lên thành 32%. Và lương tối thiểu vùng năm 2022 cao gấp 10 lần so với thời điểm 2007. 

13 hiệp hội còn so sánh Malaysia chỉ đóng 16,5%, Ấn Độ thấp hơn là 15,25%, tiếp đến là Indonesia (10,26%), Thái Lan (5%).

Khác với mức đóng hiện tại và trong dự thảo Luật BHXH là 32%, trong văn bản đề xuất, các hiệp hội cho rằng người lao động chỉ nên đóng 6,5% gồm 5% BHXH, 1% bảo hiểm y tế (BHYT) và 0,5% bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong khi đó, người sử dụng lao động đóng 17,5% gồm 15% BHXH nói chung (gồm hưu trí, ốm đau thai sản và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hiện nay), 2% BHYT, 0,5% BHTN. 

Các hiệp hội nhận định tuy giảm tỉ lệ đóng BHXH nhưng người lao động vẫn đảm bảo lương hưu và có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu cuộc sống.

Về con số 32%, một thành viên ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) lý giải con số này là dựa trên tiền lương căn cứ đóng BHXH chứ không phải tổng thu nhập. 

Ví dụ, một người lấy căn cứ đóng BHXH hằng tháng là 5 triệu nhưng thu nhập thực tế cao hơn do phụ cấp như ăn ca, thưởng sáng kiến, hỗ trợ xăng xe không tính đóng BHXH. 

Cụ thể, người lao động đóng 10,5% gồm 8% hưu trí, 1,5% BHYT và 1% BHTN. Trong khi đó, người sử dụng lao động đóng 21,5% gồm 14% hưu trí, 3% ốm đau thai sản, 3% BHYT, 1% BHTN và 0,5% tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Như vậy, tỉ lệ đóng của hai bên là 32%.

Người lao độnglàm thủ tục bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM (ảnh chụp ngày 31-10) - Ảnh: HỮU HẠNH

Người lao độnglàm thủ tục bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM (ảnh chụp ngày 31-10) - Ảnh: HỮU HẠNH

Đóng bảo hiểm xã hội thấp, lương hưu sẽ thấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét kiến nghị của các hiệp hội song phải tính toán tránh mất cân đối quỹ.

"Ai cũng mong muốn đóng bảo hiểm xã hội thấp nhưng sau này về hưu, người lao động sẽ có lương thấp do nguyên tắc đóng - hưởng, rất khó duy trì cuộc sống. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp và người lao động cần cố gắng duy trì mức đóng hiện tại", ông Huân nêu rõ.

Ông Huân chia sẻ nếu so sánh mức đóng BHXH phải đưa ra ví dụ cùng mô hình, cùng điều kiện phát triển. Việt Nam có mức hưởng lương hưu xác định trước (tối đa 75%) nên mức đóng phải đuổi theo để cân bằng. Các nước theo mô hình của Việt Nam cũng không hưởng tỉ lệ lên tới 75% mà chỉ khoảng 60%. Tuy vậy, mặt bằng tiền lương của họ cao hơn. 

Cũng theo ông Huân, nhiều chuyên gia đều đánh giá Việt Nam đang "hào phóng" với chế độ lương hưu khi tỉ lệ hưởng cao nhất.

Ông Huân cũng nhận định rằng nhiều người muốn đóng BHXH trên tổng thu nhập song thu nhập không ổn định, nhiều khoản "mềm" có biến động. Do đó, mức đóng BHXH hằng tháng dựa trên khoảng 70% thu nhập (khoản cứng) là hợp lý, đảm bảo lương hưu tốt, không quá ảnh hưởng đến nhu cầu hiện tại.

Nói thêm về mô hình của Trung Quốc, ông Huân cho hay người hưởng nhận một phần "sàn" lương hưu chung, còn lại phần đóng tài khoản cá nhân nhiều hơn thì mức thụ hưởng cao hơn. Nếu các hiệp hội muốn giảm tổng mức đóng hằng tháng thì cơ quan chức năng có thể nghiên cứu sau 3 - 5 năm, nếu quỹ ngắn hạn như BHTN kết dư nhiều, có thể giảm mức đóng.

Dữ liệu: H.QUÂN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dữ liệu: H.QUÂN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thấp hay cao phải hiểu đúng về "bảng lương" nào?

Ông Trần Văn Triều, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho rằng việc giảm tỉ lệ đóng góp của người sử dụng lao động vào thời điểm hiện tại là không phù hợp. 

Thực tế bình quân lương hưu của người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, ít người nhận được mức lương hưu 5 triệu đồng/tháng. Nguyên tắc của chế độ hưu trí là đóng ít hưởng ít, đóng cao hưởng cao. Vì vậy nếu giảm tỉ lệ đóng thì lương hưu sẽ kéo thấp hơn nữa.

Ông Triều cho rằng điều cần thiết phải khắc phục hiện nay là quy định mức đóng để nâng mức nền làm căn cứ đóng BHXH. Bởi vì tỉ lệ đóng hiện nay tuy cao nhưng quan trọng là tỉ lệ đó đang dựa trên mức thu nhập nào. 

Thực tế, lâu nay phần lớn doanh nghiệp vẫn dùng hai bảng lương: một bảng lương thực tế với số tiền thực nhận của người lao động và bảng lương thứ hai dùng để đóng BHXH. Với bảng lương để đóng BHXH, doanh nghiệp thường chọn mức thấp nhất mà pháp luật quy định. Thế nên dù tỉ lệ đóng cao nhưng mức đóng vẫn thấp và lương hưu rất thấp. 

Do đó chỉ khi nào quản lý được bảng lương thì mới tính đến chuyện thay đổi tỉ lệ đóng. Điều này cần phải có một quá trình để điều chỉnh và thay đổi.

Hơn nữa, hiện nay ý thức của người dân và cả doanh nghiệp đều chưa tốt khi theo quy định, phần đóng góp từ doanh nghiệp cao hơn so với phần đóng góp của người lao động nhưng vẫn xảy ra tình trạng người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp để đóng mức thấp. Tất nhiên việc này sẽ giúp người lao động có khoản thu nhập trước mắt cao hơn.

Nhiều quy định khác ở các nước khó áp dụng cho Việt Nam như ở một số nước các chế độ ngắn hạn như thai sản, ốm đau... giao cho doanh nghiệp chi trả. Hiện các chế độ này ở Việt Nam đều thu về một đầu mối là cơ quan BHXH nhưng việc quản lý đã rất khó khăn, nếu phân chia ra nhiều đầu mối thì sẽ rất khó quản lý hơn nữa. 

Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp không thực hiện chi trả thì lại xảy ra tranh chấp và cơ quan chức năng lại phải giải quyết tranh chấp.

Bộ LĐ-TB&XH nói gì?

Theo hồ sơ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH nhận định Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đóng BHXH cao và cũng có tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhất khu vực, nhóm đầu thế giới với 75% (Trung Quốc, Hàn Quốc là 40%).

Theo đánh giá của bộ, mức đóng - hưởng BHXH của các nước rất khác nhau, không cùng mặt bằng nên không thể so sánh. Ví dụ ASEAN đang tính toán, khuyến khích các nước thành viên đảm bảo tính bền vững, lâu dài của hệ thống hưu trí cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tăng mức đóng, giảm tỉ lệ hưởng (trung bình 40 - 60%).

Về lâu dài, nếu giảm tỉ lệ đóng BHXH sẽ đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ hưởng các chế độ BHXH, trong đó có lương hưu. Ngoài ra, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao, đơn cử năm 2022 chỉ 5,73 triệu đồng/tháng nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trả thu nhập cho người lao động rất cao nhưng mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc rất thấp dẫn đến lương hưu thấp.

* Chị Trần Thị Phương (28 tuổi, nhân viên văn phòng):

Phải đi lãnh trợ cấp mới hiểu

Tôi nghĩ đa phần mọi người chưa quan tâm đến chuyện mình được đóng BHXH ở mức lương nào cho đến khi phải làm thủ tục lãnh một khoản trợ cấp nào đó như xin lãnh trợ cấp thất nghiệp hoặc lãnh trợ cấp thai sản. Tôi đã có vài năm làm việc ở một công ty nhà nước, sau đó chuyển sang một công ty tư nhân và được hai nơi đóng BHXH với mức lương rất khác nhau.

Ở công ty đầu tiên tôi được đóng BHXH trên mức lương gần 3,5 triệu đồng dù thu nhập thực tế từ 15 - 20 triệu đồng/tháng và kết cục chỉ được nhận chưa tới 2,4 triệu đồng/tháng trợ cấp thất nghiệp.

Ở công ty tiếp theo, tôi được đóng BHXH trọn vẹn theo mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nếu bây giờ công ty khó khăn và phải nghỉ việc, tôi sẽ lãnh được 12 triệu đồng/tháng trong thời gian đi tìm việc làm mới. Đó là một sự khác biệt rất lớn. Vậy nên tôi nghĩ đóng ở mức cao thì khi thất nghiệp hay về già đều có lợi và sẽ ưu tiên chọn công ty nào đóng BHXH đầy đủ.

Theo tôi, Nhà nước nên có quy định cụ thể để các công ty đóng BHXH ở mức thu nhập thực tế cho người lao động thay vì mỗi công ty quy định mỗi kiểu như hiện nay.

Người dân liên hệ Bảo hiểm xã hội quận 7, TP.HCM để làm thủ tục về bảo hiểm, trợ cấp (ảnh chụp ngày 19-10) - Ảnh:T.T.D.

Người dân liên hệ Bảo hiểm xã hội quận 7, TP.HCM để làm thủ tục về bảo hiểm, trợ cấp (ảnh chụp ngày 19-10) - Ảnh:T.T.D.

Vấn đề không phải là hai chữ "tỉ lệ"

Theo luật sư Trần Ngọc Thích - trưởng bộ phận pháp lý Talentnet, chúng ta cần nhìn nhận thực tế là không ít doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động theo mức tối thiểu vùng hoặc mức thấp nhất có thể trong khi thu nhập thực tế cao. Do vậy nếu giảm tỉ lệ đóng thì mức đóng BHXH sẽ rất thấp, các khoản hưởng sẽ thấp theo.

Nếu muốn giảm tỉ lệ đóng BHXH thì Chính phủ cần quy định tăng các khoản tính đóng BHXH và quy định một cách rõ ràng, tránh tình trạng doanh nghiệp có thể "lách" về mức đóng ở mức tối thiểu. Có thể tính đến việc quy định doanh nghiệp và người lao động đóng BHXH trên tổng 70% thu nhập hằng tháng thay vì quy định tiền lương tháng.

Doanh nghiệp phát triển phụ thuộc rất nhiều vào người lao động. Người lao động là "tài sản" vô giá của doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc trả thu nhập tốt, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm đóng BHXH đầy đủ, tương đối để người lao động có mức lương hưu có thể sống được.

Nếu quy định "cứng" đóng 60, 70 hay 80% tổng thu nhập hằng tháng thì sẽ phát sinh bài toán điều chỉnh mức đóng hằng tháng do thu nhập biến động. Khi đó, cơ quan quản lý phải có cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh mức đóng hằng tháng và cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm. Nếu không, việc này sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Với phương án nào, quy định cũng phải đơn giản, rút gọn thủ tục hành chính để doanh nghiệp điều chỉnh mức đóng một cách thuận tiện nhất. "Có những doanh nghiệp hàng chục nghìn công nhân, nếu thủ tục không thuận lợi, doanh nghiệp rất khó để thực hiện, thậm chí không thể thực hiện được và tốn rất nhiều thời gian, công sức", ông Thích nói thêm.

Ngoài ra ông cũng cho rằng cần có các biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hành vi trốn đóng BHXH như tước giấy phép tạm thời, cấm chủ doanh nghiệp xuất cảnh, thậm chí xử lý hình sự...

Đóng BHXH ở các nước thế nào?

THÁI LAN: Hiện nay, tỉ lệ đóng BHXH ở Thái Lan là 5% lương của người lao động. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 còn giảm xuống 3% (từ tháng 1 đến tháng 3-2021).

Trong khi đó, báo Bangkok Post dẫn số liệu từ Ngân hàng Kasikorn cho biết tình trạng nghèo khổ ở người cao tuổi Thái Lan ngày càng tăng, 34% người sống dưới mức nghèo với mức thu nhập dưới 830 USD/năm. Để sống tốt sau khi nghỉ hưu ở thủ đô Bangkok, người cao tuổi phải tiết kiệm được ít nhất 100.000 USD, nhưng nhiều người nghỉ hưu chỉ với số tiền chưa tới 1.300 USD.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã cam kết xóa đói giảm nghèo vào năm 2027 và "không bỏ lại ai phía sau", đồng thời đưa ra gói phúc lợi dành cho người cao tuổi trị giá 8,1 tỉ USD. Tuy nhiên chính phủ của ông hiện chưa công bố khoản tăng lương hưu nào.

Đến tháng 8-2023, chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin thông báo sẽ giảm lương hưu phổ thông (khoảng 16 - 27 USD/tháng cho những người có thu nhập thấp), ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu người trong tuổi hưu.

SINGAPORE: Người lao động đóng 17%, người sử dụng lao động đóng 20% (tổng 37%). Mức trần thu nhập là 6.000 SGD (hơn 100 triệu đồng) thì khoản đóng góp tối đa tương ứng là 1.020 SGD (hơn 18 triệu đồng) và 1.200 SGD (21,5 triệu đồng) mỗi tháng.

TRUNG QUỐC: Theo China Daily, mức đóng BHXH được xác định bằng thu nhập bình quân/tháng của người lao động trong năm trước. Đối với người mới tuyển dụng, mức lương khởi điểm có thể được sử dụng làm căn cứ BHXH trong năm đầu tiên.

Ngoài ra, cơ sở đóng góp có mức sàn và mức trần theo mức lương trung bình của địa phương. Ví dụ, mức lương trung bình ở Thượng Hải năm 2016 là 6.504 nhân dân tệ thì mức đóng góp hằng tháng tối đa đối với một nhân viên làm việc tại đây gấp ba lần số tiền này (19.512 nhân dân tệ) và mức đóng góp tối thiểu là 60% (khoảng 3.902 nhân dân tệ).

Mức đóng bảo hiểm xã hội: Muốn giảm phí, lương hưu sẽ giảm theoMức đóng bảo hiểm xã hội: Muốn giảm phí, lương hưu sẽ giảm theo

Câu chuyện tỉ lệ, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và lương hưu vẫn nhận được nhiều sự quan tâm người lao động. Mới đây, với việc 13 hiệp hội đề xuất giảm tỉ lệ đóng BHXH, câu chuyện này lại được bàn luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp