Các phát ngôn nổi bật của Tổng thống Donald Trump tại đêm bế mạc đại hội Đảng Cộng hòa tối 27-8 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters - Tổng hợp: Bảo Anh Đồ họa: T.ĐẠT
Với việc ông Trump đang bị ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước gần 10 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò dư luận, đại hội Đảng Cộng hòa được coi là bước đệm cho cuộc "rượt đuổi" vào Nhà Trắng của ông Trump.
Lịch sử đã cho thấy sau mỗi kỳ đại hội của các đảng, sự ủng hộ của cử tri đối với các ứng cử viên tăng trung bình 3 điểm phần trăm trong những tuần sau đó. Do đó, dễ hiểu khi tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã dần tăng lên trong những ngày đại hội. Nhưng để đuổi kịp và vượt ông Biden, ông Trump sẽ cần những con bài lớn để giành lại số phiếu của cử tri.
Dịch bệnh, kinh tế, an ninh trật tự
Đến lúc này, nếu có điều gì ông Trump phải hối tiếc thì có lẽ là cách ứng phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Dù đã có một số bước đi ban đầu đúng đắn, nhưng việc thiếu sự lãnh đạo tập trung từ chính quyền trung ương và để các bang tự ứng phó đã đưa nước Mỹ trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng tình hình những ngày gần đây có dấu hiệu khả quan hơn và nếu đến sát ngày bầu cử dịch bệnh được cải thiện, Tổng thống Trump có thể tuyên bố "chính sách" của ông đã thành công. Còn không, có lẽ sẽ phải tính đến những con bài khác, như cho phép sử dụng các vắcxin đang được nghiên cứu dù có thể còn quá sớm.
Về kinh tế, bước vào đầu năm 2020, ông Trump có lợi thế lớn để tái cử khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững mạnh và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã quét sạch những thành quả này, đưa kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất từ đại khủng hoảng những năm 1930.
Tuy nhiên nếu kinh tế Mỹ phục hồi, dù không nhiều, ông Trump vẫn có thể giành lại lợi thế. Còn nếu kinh tế vẫn tiếp tục suy giảm, cơ hội thắng cử sẽ rất mong manh. Năm 1992, Tổng thống Bush (cha) - người hùng của cuộc chiến tranh vùng Vịnh - đã thất cử trước ứng cử viên Bill Clinton của Đảng Dân chủ khi không thể ngăn được đà xuống dốc của kinh tế Mỹ.
Nếu kinh tế tiếp tục suy yếu, con bài còn lại mà Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa phải dùng tới là làm thế nào thuyết phục được cử tri Mỹ rằng các chính sách kinh tế dưới thời Biden sẽ còn làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang gặp phải.
Về an ninh trật tự trong nước, với làn sóng các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ sau cái chết của George Floyd, trong đó có nhiều vụ cướp phá và bạo lực đi kèm, nhiều cử tri Mỹ đã không còn cảm thấy nước Mỹ là một địa điểm an toàn. Đây chính là thông điệp mà Đảng Cộng hòa, vốn thường có quan điểm cứng rắn với các vấn đề an ninh - trật tự, muốn gửi đến các cử tri Mỹ.
Như Phó tổng thống Mike Pence đã cảnh báo trong bài phát biểu của mình tại đại hội của Đảng Cộng hòa: "Các bạn sẽ không được an toàn ở nước Mỹ của Joe Biden".
Đảng Cộng hòa sẽ đánh vào điểm yếu này của Đảng Dân chủ, nhất là nỗi sợ hãi của các cử tri da trắng vốn chiếm đại đa số phiếu trong bầu cử về viễn cảnh nước Mỹ sẽ rơi vào vòng xoáy của bạo động và tội phạm nếu Đảng Dân chủ lên nắm quyền.
"Đọc" mạch chảy chính trị nước Mỹ
Đại hội của Đảng Cộng hòa đã khép lại và thông điệp mà Đảng Cộng hòa muốn chuyển đến là Tổng thống Trump là người duy nhất có thể giúp nước Mỹ vượt qua những vấn đề đang đối mặt hiện nay: "Nước Mỹ cần thêm 4 năm nữa của Tổng thống Trump", như lời của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.
Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã dần tăng lên những ngày này, nhưng bài học năm 1980 của đương kim tổng thống Carter vẫn còn đó. Dù giành thêm 12% số phiếu ủng hộ sau đại hội Đảng Dân chủ nhưng cuối cùng ông Carter vẫn phải thúc thủ trước ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - Ronald Reagan.
Theo kết quả thăm dò dư luận, nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm này, Tổng thống Trump nhiều khả năng thua cuộc. Nhưng dù ông Biden đang dẫn trước và chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử, những người ủng hộ lạc quan nhất của Đảng Dân chủ cũng không dám tin vào một thắng lợi.
Vì nếu có thể rút ra bài học gì từ ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2016 thì đó chính là khả năng thiên bẩm "đọc" được mạch chảy của chính trị Mỹ và đánh "trúng" những mong đợi cùng nỗi sợ hãi nhiều khi không được bộc lộ ra bên ngoài của các cử tri.
Biết đâu xuất phát từ vị thế của "kẻ chiếu dưới" như hiện nay lại là lợi thế như năm 2016, khi ông Trump lần lượt vượt qua những chính trị gia tên tuổi để trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và cuối cùng đánh bại bà Clinton để trở thành tổng thống Mỹ. Và hơn hết, ông Trump là người sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để giành thắng lợi vì như ông đã nói, điều ông ghét nhất là trở thành "kẻ thua cuộc".
Tấn công đối thủ
Cũng như bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào khác, việc thu hút sự ủng hộ của cử tri không chỉ dựa vào việc khẳng định bản thân mà còn vào việc tấn công những điểm yếu của đối thủ.
Hơn 40 năm làm chính trị, ông Biden đã để lại nhiều điểm yếu và thất bại mà Đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump có thể khai thác, từ việc quá lớn tuổi và không đủ sức khỏe để lãnh đạo nước Mỹ đến việc là người không có nguyên tắc và hay dao động.
Đặc biệt, Đảng Cộng hòa sẽ nhấn mạnh đến những vấn đề mà các cử tri da trắng quan tâm nhưng lại là điểm yếu của Đảng Dân chủ như nhập cư, tôn giáo, kiểm soát súng… cũng như xoáy vào những "thất bại" trong quá khứ của ông Biden. Như ông Trump đã nói trong phát biểu chấp nhận đề cử của mình: ông Biden là "kẻ phá hoại sự vĩ đại của nước Mỹ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận