Nữ diễn viên Lan Phương: "Những nhân vật trong truyện của Lê Hoàng đều giống hệt anh, từ cách nói đến cách suy nghĩ" - Ảnh: Mai Thụy
Dù cho Donald Trump và cô bé Sài Gòn là cuốn sách thứ tư của Lê Hoàng nhưng lại là lần đầu tiên ông tổ chức một buổi lễ ra mắt.
Donald Trump và cô bé Sài Gòn là một tiểu thuyết hư cấu và được Lê Hoàng viết chỉ vỏn vẹn trong 24 ngày.
Cuốn sách kể về chuyến phiêu lưu của vị tổng thống đương nhiệm nước Mỹ Donald Trump và Lưu Ly - một cô bé học sinh lớp 12.
Cả hai cùng khám phá Sài Gòn và phát hiện ra những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, xã hội Việt Nam.
Theo Lê Hoàng, sở dĩ ông chọn Donald Trump làm một trong hai nhân vật chính của cuốn sách chứ không phải một tổng thống nào khác là vì Donald Trump là một con người nhiều cá tính và vô cùng thú vị.
Có lẽ việc thử sức với thể loại văn học hư cấu đã mang đến những câu hỏi hóc búa từ các độc giả.
Là một khách mời trong buổi ra mắt sách và cũng là người đã đọc trọn vẹn Donald Trump và cô bé Sài Gòn, nữ diễn viên Lan Phương cho rằng từ trước đến nay, lối viết của đạo diễn Lê Hoàng cũng tựa như vẽ tranh biếm họa: lấy một tính cách đặc biệt của nhân vật và cường điệu hóa lên.
Tuy nhiên, cuốn sách này lại phần nào thiếu vắng yếu tố đặc trưng đó.
Donald Trump và cô bé Sài Gòn
"Vì là diễn viên nên tôi rất quan trọng cảm xúc của nhân vật, trong khi Donald Trump và cô bé Sài Gòn lại cho tôi thấy những nhân vật xa rời thực tế, không có tính cách riêng biệt của họ.
Nhìn tổng thống Mỹ, nhìn cô bé Lưu Ly hay bất cứ người nào khác, tôi cũng chỉ thấy họ như Lê Hoàng: nói như Lê Hoàng, nghĩ như Lê Hoàng và hành xử cũng như Lê Hoàng." cô chia sẻ.
Lê Hoàng cho biết với ông, người viết sách phải mang một mục đích cao quý chứ không phải là đưa đến công chúng một tác phẩm "nhàn nhạt", "đèm đẹp".
Xuyên suốt Donald Trump và cô bé Sài Gòn, ông muốn tạo ra một cuộc thảo luận về triết lý giáo dục.
"Nếu muốn có một lớp trẻ biết nghe lời thì chúng ta cho in nhiều sách văn mẫu, sách giải nhưng nếu muốn có một thế hệ sáng tạo thì chúng ta phải không ngừng cải cách sách giáo khoa và tư duy giáo dục.
Đây là điều được tôi thể hiện trong nhiều câu chuyện của cuốn sách này, kể cả các nhân vật cũng không theo bất cứ khuôn mẫu, thước đo nào." Lê Hoàng nói.
Nữ diễn viên Lan Phương vẫn chưa cảm thấy thuyết phục, cô cho rằng cũng thể loại hư cấu nhưng tác giả của Harry Potter hay Hoàng tử bé vẫn cho người đọc thấy được tính chân thật của nhân vật, một đứa vẻ vẫn hành xử như một đứa bé chứ không giống nhà văn.
Lan Phương trêu Lê Hoàng: "Chơi thân với anh Lê Hoàng từ rất lâu, tôi biết anh là một người vô cùng ‘ngây thơ’, anh từng nói với tôi việc nắm tay nhau giữa hai người lạ là một hành động trong sáng, thiêng liêng.
Ở cuốn sách này cũng thế, Donald Trump nắm tay cô bé Lưu Ly hết sức tự nhiên. Thế nhưng, thực tế thì đâu có vậy, không ai xa lạ lại nắm tay nhau đi trên đường. Sự ‘ngây thơ’ của anh Lê Hoàng lên đến cả những trang viết của anh."
Nghe những chia sẻ của Lan Phương, Lê Hoàng cũng bật cười và phải thú nhận quả thực là ông suy nghĩ như những gì Lan Phương nói.
Lê Hoàng tâm sự, trong thế giới văn học của ông, không có ai là một người xấu cả, chỉ là mỗi con người tốt theo một cách khác nhau.
Nếu viết về một cuộc chiến giữa cái ác và cái tốt, người đọc có thể biết ngay kết quả của cuộc chiến nhưng nếu câu chuyện xoay quanh sự va chạm giữa cái tử tế với nhau thì không thể biết cuối cùng sẽ là điều gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận