Hai hành tinh khổng lồ của Hệ mặt trời sẽ “hợp nhất” vào tối 21-12 - Ảnh: TimeAndDate.com
Theo Space.com, đây sẽ là lần hai hành tinh này ở gần nhau nhất kể từ năm 1623. Đây là cơ hội hiếm hoi một lần trong đời để quan sát cùng lúc cả trong góc nhìn của kính viễn vọng. Chỉ với góc lệch 0,1 độ, hai thiên thể khổng lồ của Hệ mặt trời sẽ "hợp nhất", trông giống như chỉ có một ngôi sao đơn lẻ trên bầu trời.
Khi nhìn từ Trái đất, sao Mộc luôn như một vì sao sáng và thường là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Nhưng trong những tháng này, nó còn nổi bật hơn nữa bởi sự xuất hiện của sao Thổ gần kề, đang trên đường tới vị trí "đại trùng tụ".
Sao Thổ có độ sáng kém sao Mộc khoảng 12 lần. Hai hành tinh này rất hiếm khi "gặp nhau", nên hiện tượng trùng tụ (hai hành tinh ở rất gần nhau trên bầu trời) giữa chúng thường được nhắc đến bằng cụm "đại trùng tụ".
Theo trang In-The-Sky.org, ngày 21-12, người dân ở Việt Nam có thể quan sát hiện tượng thiên văn hiếm có này trong khoảng thời gian 17h30 đến 19h30.
Sở dĩ thời gian quan sát tương đối ngắn là vì cặp đôi hành tinh có vị trí biểu kiến khá gần Mặt trời. Điều đó có nghĩa là sau hoàng hôn, ánh sáng Mặt trời giảm đi ta mới có thể thấy được chúng, nhưng chúng cũng sẽ sớm "lặn" dưới đường chân trời.
Ta có thể quan sát bằng mắt thường, nhưng sẽ cho cảm giác bộ đôi chỉ là một vì sao duy nhất bởi góc lệch quá nhỏ.
Tuy nhiên, nếu dùng một kính viễn vọng với độ phóng đại lớn, ta có thể thể cùng lúc quan sát được sao Thổ với vành đai nổi tiếng của nó và sao Mộc với những dải vân đặc trưng cộng với các vệ tinh Galileo của nó.
Một điều trùng hợp khác là đêm 21-12 cũng diễn ra Đông chí - thời điểm có đêm dài nhất năm và ngày dài nhất năm tại Bắc bán cầu, trong đó có Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận