Khối kilogram chuẩn đặt tại Paris, Pháp - Ảnh: New Scientist
Hơn 100 năm nay, giới khoa học là khối lượng của khối kilogram chuẩn quốc tế (Le Grand K), làm từ hợp kim platin-iridi được Văn phòng cân đo quốc tế (BIPM) lưu giữ trong điều kiện tiêu chuẩn của BIPM từ năm 1889.
Theo BBC, khối kilogram tiêu chuẩn là một hình trụ tròn có đường kính 39mm và cao 39mm, được BIMP chế tạo từ 90% platin và 10% iridi.
Tuy nhiên, theo thời gian, khối kilogram này đã bị lệch khối lượng dù với tỉ lệ 50 phần tỉ nhưng giới khoa học vẫn không chấp nhận, nhất là trong những ngành đòi hỏi sự chuẩn xác cao như công nghệ nano hay y tế.
Tại Hội nghị toàn thể về cân đo (BIMP) diễn ra ở Versailles, Pháp vào ngày 16-11, các nhà khoa học đã bỏ phiếu thống nhất đổi định nghĩa của kilogram.
Theo đó định nghĩa kilogram mới sẽ dựa trên hằng số Planck vốn là hằng số cơ bản trong vật lý xuất hiện trong các bài toán vật lý lượng tử, có vai trò mô tả kích cỡ của chùm năng lượng thay vì một khối kim loại.
Ông Perdi Williams từ Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia Anh cho biết định nghĩa mới này sẽ là bước tiến lớn trong ngành đo lường nói riêng và giới khoa học nói chung, vì việc sử dụng hằng số tự nhiên để tính toán khối lượng kilogram sẽ cho ra được con số ở độ chính xác cao nhất.
"Đây là khoảnh khắc tuyệt vời và là bước đi quan trọng giúp nhiều hệ thống khoa học có thể hoạt động tốt nhất trong tương lai" - ông Perdi nói.
Định nghĩa mới này sẽ chính thức có hiệu lực vào Ngày đo lường quốc tế năm 2019 (ngày 20-5). Dẫu vậy, giá trị của kilogram nhìn chung vẫn không thay đổi, chỉ có điều được chuẩn hóa và chính xác hơn.
Với bước tiến của định nghĩa kilogram, giờ đây trong 7 đơn vị cơ bản của Hệ đo lường quốc tế SI, chỉ còn 3 đơn vị không dựa trên các hằng số vật lý, bao gồm Ampe (cường độ dòng điện), Kelvin (nhiệt độ), mol (lượng chất chứa hạt đơn vị nguyên tử).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận