Mùa xuân như một nàng tiên dịu dàng, rón rén chạm cây đũa thần vào muôn loài đang chìm trong giấc ngủ dài của mùa đông. Để rồi: "Tức thì trăm ngọn suối/Nổi róc rách reo mừng/Tức thì ngàn chim muông/Nổi hát ca vang dậy". Một sự thức tỉnh thật bất ngờ và mạnh mẽ để cùng hòa vào vũ khúc sôi động của đất trời, hòa cùng không khí của cái Tết dân tộc.
Để không bỏ lỡ nơi được mệnh danh là "đất gặp trời", nơi vẻ đẹp "lặng lẽ" trong veo, chúng tôi lựa chọn Sa Pa để du xuân cùng những người bạn Việt Nam và từ Đài Loan sang.
Hành trình ba ngày của chúng tôi bắt đầu chinh phục từ đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143m so với mực nước biển. Cảm nhận không gian cả bầu trời Đông Dương bên cạnh gia đình, bạn bè là một khoảnh khắc tuyệt vời.
Khi đi hết những cung đường hoa ban và qua bản làng dưới chân núi, chúng tôi đi cáp treo được bắc ngang qua thung lũng Mường Hoa, dài hơn 6km, được ngắm nhìn những vách núi hùng vĩ, hưởng cái không khí và cả thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.
Lên đến đỉnh Fansipan, nhiệt độ giảm xuống 7 độ C, bốn bề gió lộng, sương mù cứ từng lớp một phả vào mặt mình lạnh buốt nhưng lại vô cùng sảng khoái. Tiếng chuông chùa gần đó từng nhịp vang lên, lan chầm chậm hòa tan tiềm thức chúng tôi vào bốn bề mây trời.
Đứng trên đỉnh, màu đỏ của quốc kỳ Việt Nam tung bay trước gió, ai trong chúng tôi cũng đều dâng lên nỗi niềm xúc động nào đó ẩn sâu trong tâm trí. Lúc này Fansipan mãi mãi là đỉnh núi cao nhất của Đông Dương. Nhưng Fansipan không còn là huyền thoại, không còn là ước mơ mà là hiện thực, là sự thực. Chúng tôi đứng trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam với lòng tự hào và xúc động về quê hương đất nước.
Điểm đến thứ hai của chúng tôi là cầu kính Rồng Mây với độ cao 2.200m. Công trình cầu kính Sa Pa bao gồm các phần chính là lối đi trong lòng núi, hệ thống thang máy lồng kính và cầu kính được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.
Điều đầu tiên đón chờ chúng tôi là khung cảnh diệu kỳ của núi non trùng điệp, đường đèo uốn lượn, thác nước trắng xóa cùng dãy Hoàng Liên Sơn huyền thoại. Ở độ cao ấn tượng như thế này, cảm giác "gió thổi, mây vờn" khi đứng trên cầu nhô ra 60m so với vách núi, ngay bên dưới là góc nhìn toàn diện về "vực sâu vạn dặm".
Hành trình ở cầu kính Rồng Mây không dành cho người "yếu tim" hay mắc chứng sợ độ cao đâu đấy! Còn nếu chưa đủ "đô" với bạn thì ở đây có rất nhiều các trò chơi cảm giác mạnh như đi xe đạp qua núi, cầu trượt, đu dây trên độ cao hàng ngàn mét…
Sau khi chinh phục được đỉnh cao và trải qua cảm giác mạnh, chúng tôi đi bộ gần 1.000 bậc thang đến với bản Cát Cát để ngắm dòng thác đẹp sững sờ tại nơi hội ngộ của 3 dòng sông. Đường vào bản là núi non, cây xanh, tạo nên một khung hình đường chân trời vô cùng đẹp và nổi bật.
Con đường lát đá ở khu vực trung tâm, khung cảnh thiên nhiên nổi bật và hàng chục tiểu cảnh cuốn hút. Một dòng thác trắng xóa, cây cầu ven suối, chiếc đu quay, những căn nhà bằng gỗ mộc mạc...
Mọi người mặc thử những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Mông, trở thành các chàng trai và cô gái bản, hòa vào khúc nhạc "Xuân về trên rừng núi/ Nâng chén ta chúc mừng/ Cầu một năm bình an/ Ấm no cho bản làng…". Khúc ca vui tươi ấy cứ vang vọng mãi trong tôi đến tận bây giờ.
Điểm thú vị của chuyến đi chính là ẩm thực nơi đây. Chúng tôi đã đi ăn gà đen tại vườn ở thị trấn Tả Phìn; lẩu cá tầm của Sa Pa; lợn cắp nách nướng, thịt trâu gác bếp, cơm lam, các loại rau đặc trưng xứ lạnh - món ăn tinh túy của núi rừng; rượu ngô - món rượu nổi tiếng Sa Pa, các món xôi đậm chất Tây Bắc… tất cả đều là những hương vị tuyệt vời.
Nhờ anh tài xế nhiệt tình giới thiệu, chúng tôi không quên check-in tại các địa điểm "triệu view" như Sun Plaza, cà phê tại Best View săn mây, nhà thờ cổ…
Hành trình tuy ngắn nhưng cũng đủ khiến chúng tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp núi non, con người nơi đây cũng khiến chúng tôi cảm thán vì luôn nhiệt tình, dễ mến, thật thà. Mà đi rồi mới thấy thương người dân bản ở Sa Pa lắm khi mà có những tuyến đường sạt lở, đất đá, dốc đứng rất nguy hiểm mà mỗi ngày người dân phải lặn lội lên thị trấn mưu sinh.
Sau chuyến đi này, chúng tôi thầm cảm ơn tất cả những người đã và đang biến huyền thoại thành hiện thực, để chúng tôi được biết đến và giới thiệu với bạn bè năm châu một Tổ quốc Việt Nam giàu, đẹp và mãi mãi vững bền. Sa Pa thực sự là nơi tôi và bạn nên đến trải nghiệm một lần trong đời.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi" đã hết hạn nhận bài
Diễn ra từ 25-1 đến hết 24-2, cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Ban tổ chức đã nhận được gần 600 bài viết của độc giả gửi về trong 1 tháng qua. Hơn 50 bài đã và đang được lựa chọn đăng tải trên Tuổi Trẻ Online. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi và theo dõi cuộc thi diễn ra trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay.
Một số bài viết sẽ tiếp tục được đăng tải trong thời gian tới.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận